Đại sứ quán Trung Quốc tại Kyrgyzstan bị tấn công
Quốc tế - Ngày đăng : 14:17, 31/08/2016
Theo báo Foreign Policy, Đại sứ quán Trung Quốc ở thủ đô Bishkek của Kyrgyzstan đã bị tấn công bởi một kẻ đánh bom tự sát vào sáng 30.8. Vụ tấn công khiến 3 người dân địa phương bị thương, trong khi các nhân viên đại sứ quán vẫn an toàn.
Phó thủ tướng Kyrgyzstan Zhenish Razakov cho biết trong một tuyên bố: “Vụ tấn công do một kẻ đánh bom tự sát thực hiện. Cơ quan an ninh xác định có 3 người bị thương tại hiện trường và cảnh sát đã chuyển họ đến bệnh viện để điều trị”. Ông Razakov nói thêm rằng các nhân viên của Đại sứ quán Trung Quốc đã được hộ tống đến nơi an toàn ngay sau vụ tấn công.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh trong một cuộc họp báo ở Bắc Kinh ngay sau khi cuộc tấn công xảy ra rằng: “Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ngay lập tức yêu cầu các cơ quan chức năng Kyrgyzstan dùng mọi biện pháp có thể để đảm bảo an toàn cho các tổ chức và nhân viên người Trung Quốc đang hoạt động tại nước này. Đồng thời Bishkek cần nhanh chóng tiến hành một cuộc điều tra và trừng phạt nghiêm khắc những kẻ tấn công”.
Các chuyên gia phân tích đã đặt ra nhiều câu hỏi về nguyên nhân khiến Đại sứ quán Trung Quốc, nằm gần với Đại sứ quán Mỹ, bị tấn công. Mặc dù danh tính của kẻ đánh bom tự sát vẫn chưa được xác định, nhưng giới chức Kyrgyzstan nhận định tên này là một phần tử “khủng bố”.
Trung Quốc hiện là nước có nền kinh tế lớn nhất trong khu vực và đang đầu tư mạnh vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy dự án “Một vành đai, một con đường”, tạo ra một phiên bản vào thế kỷ 20 của Con đường tơ lụa. Dự án sẽ kết nối Trung Quốc với châu Âu thông qua các nước láng giềng Trung Á.
Mặc dù Kyrgyzstan đã tiếp nhận nhiều khoản đầu tư từ Trung Quốc, nhưng một số quan chức nước này đã tỏ ra bực bội với các sáng kiến của Bắc Kinh về Con đường tơ lụamới. Các quan chức cho rằng Con đường tơ lụa mới của Trung Quốc sẽ tạo cơ hội cho các thế lực nước ngoài tăng cường ảnh hưởng bên trong khu vực.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia nhận định chính sách đầu tư của Bắc Kinh vào Trung Á là nhằm cô lập Tân Cương, khu tự trị ở phía tây Trung Quốc có biên giới giáp với Kyrgyzstan và Kazakhstan. Các quan chức Trung Quốc đang lo ngại trước sự phát triển ngày càng mạnh của phong trào ly khai của người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương.
Các phương tiện truyền thông Kyrgyzstan cho rằng kẻ tấn công nhiều khả năng là một người Duy Ngô Nhĩ. Năm 2002, một tay súng đã bắn chết Wang Teng Ping, một quan chức làm việc tại Đại sứ quán Trung Quốc, ở thủ đô Bishkek cùng lái xe của ông ta. Ngoài ra trong năm 2000, nhà chức trách Kyrgyzstan cũng đổ lỗi cho người Duy Ngô Nhĩ trong cuộc tấn công khiến 2 nhà ngoại giao Trung Quốc thiệt mạng.
Hàn Giang