Trung Quốc siết chặt quản lý, xuất khẩu gạo Việt Nam chìm trong bế tắc
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 08:50, 01/09/2016
Theo số liệu được Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) công bố, xuất khẩu gạo trong tháng 8 đột ngột giảm mạnh 50% so với tháng trước và 69% so với cùng kỳ, dù giá xuất khẩu trung bình của tháng 8 tăng trung bình 5% so với tháng 7.
Chỉ ra nguyên nhân khiến lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam đột ngột giảm mạnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết nguyên nhân là do không có nhu cầu nhập khẩu gạo mới từ cả thị trường truyền thống và các thị trường khác. Cụ thể, Indonesia hiện nay vẫn khẳng định không nhập khẩu gạo năm 2016 do lượng gạo tồn kho trong nước vẫn ở mức an toàn. Kế hoạchnhập khẩu gạo của Philipine vẫn chưa được công bố chính thức. Còn Trung Quốc, nước tiêu thụ gạo Việt Nam nhiều nhất trong thời gian qua, vẫn tiếp tục quản lý chặt chẽ xuất khẩu gạo qua đường tiểu ngạch.
Theo Chương trình giám sát trong Nghị định thư về gạo và cám của Trung Quốc, chưa có công ty khử trùng, giám định gạo nào của Việt Nam được phía Trung Quốc công nhận nên quốc gia này vẫn phải dè chừng chất lượng gạo Việt Nam. Đây được xem là nguyên nhân chính khiến hoạt động xuất khẩu gạo của việt Nam gặp nhiều khó khăn thời gian qua.
Bên cạnh đó, xuất khẩu gạo giảm ngoài yếu tố thị trường trầm lắng còn có nguyên nhân nguồn cung hạn chế do bị thiệt hại trong đợt hạn hán và xâm nhập mặn vừa qua.
Việc các khách hàng vắng mặt không mua gạo Việt Nam cũng tạo không khí trầm lắng trên thị trường gạo thế giới. Cụ thể, tại thị trường châu Á, giá gạo xuất khẩu đã giảm nhẹ do nhu cầu tiêu thụ yếu từ các thị trường chủ chốt trong khu vực. Theo đó,giá xuất khẩu chào bán của 3 nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới (gồm: Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam)đang có xu hướng giảm gần đây, song vẫn không thể kích cầu tăng lên,có thể do nguồn cung dự trữ của các nhà nhập khẩu vẫn còn.
Theo đó, nhằm tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu gạo, Bộ Công thương vừa xây dựng Dự thảo quyết định phê duyệt chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030 và gửi các Bộ, ngành liên quan để lấy ý kiến đóng góp. Mục tiêu của Dự thảo này làổn định các thị trường, bảo đảm kim ngạch xuất khẩu gạo ở mức 3 tỉ USD/năm vào năm 2017 và 3,5 tỉ USD vào năm 2020.
Dự thảo cũng nêu rõ, mục tiêu trong giai đoạn 2016 - 2020, cơ cấu thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng phân khúc thị trường gạo có chất lượng, giá trị cao, gạo hữu cơ, gạo dinh dưỡng, gạo đặc sản, có thương hiệu quốc gia và sản phẩm chế biến từ gạo.
Đến năm 2020, phân khúc thị trường xuất khẩu gạo trắng chất lượng thấp giảm còn 15% tổng lượng gạo xuất khẩu; năm 2025, phân khúc thị trường gạo trắng chất lượng thấp còn dưới 10%, phân khúc gạo trắng chất lượng trung bình chiếm 20%, phân khúc gạo trắng chất lượng cao và gạo thơm, gạonếp sẽ chiếm khoảng 60%.
Tuyết Nhung