Thanh tra Chính phủ chỉ ra hàng loạt vi phạm nghiêm trọng tại Petrolimex
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 11:14, 06/09/2016
Hàng loạt sai phạm
Kết luận cho biết, vi phạm đầu tiên liên quan đến công tác sử dụng vốn, tài sản và cổ phần hóa. Cụ thể, công ty mẹ- tập đoàn đã đầu tư tài chính ngoài ngành nghề kinh doanh chính (ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản) với tổng số tiền 2.255.618 triệu đồng, trong đó đầu tư với giá trị lớn không đúng quy định.
Cùng với đó, việc tăng vốn đầu tư vào PG Bank 400.000 triệu đồng và Công ty cổ phẩn bảo hiểm Petrolimex 171.360 triệu đồng không có sự chấp thuận của Bộ Công thương và Thủ tướng Chính phủ; tăng vốn đầu tư 51.000 triệu đồng vào Công ty cổ phần bất động sản Petrolimex không có sự chấp thuận của Bộ Công thương.
Sử dụng vốn kinh doanh 231.898 triệu đồng để đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản không đúng với Nghị quyết của HĐQT; ủy thác cho các đơn vị thành viên vay dài hạn để đầu tư vào các công trình xây dựng, dự án 414.660 triệu đồng từ vốn chiếm dụng trong thanh toán, chưa bố trí được nguồn vốn cho đầu tư xây dựng; chưa thực hiện nghiêm túc việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành theo chủ trương của Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Cũng theo TTCP, một số khoản đầu tư của công ty mẹ hiệu quả thấp, đầu tư 178.500 triệu đồng vào Công ty cổ phần nhiên liệu bay Petrolimex và Công ty cổ phần bất động sản Petrolimex kém hiệu quả…
TTCP nêu rõ, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và một số công ty xăng dầu thành viên chưa thực hiện đúng quy định tại Thông tư số 234/2009/TT-BTC của Bộ Tài chính trong việc trích quỹ bình ổn giá xăng dầu: xác định sai sản lượng xăng dầu tiêu thụ thực tế, dẫn đến trích thiếu Quỹ bình ổn giá gần 5 tỉ đồng. Năm 2011, tập đoàn chỉ đạo các công ty xăng dầu thành viên kinh doanh có lãi trích lập Quỹ bình ổn, thực tế 11 công ty đã trích lập số tiền 221,3 tỉ đồng, không đúng đối tượng theo quy định.
Trong công tác quản lý hao hụt xăng dầu từ năm 2010 đến tháng 6.2013, tập đoàn thực hiện khoán hao hụt tổng hợp và hạch toán hao hụt xăng dầu qua kho tính theo định mức vào giá vốn tại công ty mẹ, trong khi định mức hao hụt của các công đoạn cao hơn hao hụt tổng hợp thực tế từ 35% đến 48% nhưng chưa kịp thời điều chỉnh, đã làm tăng giá vốn, giảm hiệu quả kinh doanh của công ty mẹ…
Theo đó, Petrolimex đã hạch toán vào chi phí xăng dầu hao hụt vượt định mức, không đúng quy định của quy chế kinh doanh xăng dầu, làm giảm hiệu quả kinh doanh 6.991 triệu đồng. Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam chưa quản lý chặt chẽ xăng dầu trước các thời điểm điều chỉnh giá, sản lượng xuất bán trước thời điểm tăng giá tại một số công ty xăng dầu thành viên tăng bất thường từ 2,3 - 6,7 lần so với sản lượng bán bình quân. Đây là dấu hiệu sơ hở trong quản lý, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, nhưng Tập đoàn chưa có biện pháp quản lý, khắc phục...
Các công ty xăng dầu đang thực hiện bán hàng cho các tổng đại lý, đại lý theo hình thức bao tiêu, cho phí thù lao đại lý trừ trong giá bán chưa được theo dõi, hạch toán trễ sổ kế toán, vì vậy chưa minh bạch giá bán và thù lao, gây khó khăn cho công tác quản lý... Đồng thời công tác điều hành giá bán xăng dầu nội bộ chưa tuân thủ Quy chế kinh doanh xăng dầu và chưa phù hợp với giá bán do Liên Bộ Tài chính – Công thương công bố.
TTCP cũng chỉ ra những sai phạm về quản lý đầu tư xây dựng. Từ năm 2010 đến tháng 6.2013, công ty mẹ và các đơn vị thành viên đã thực hiện đầu tư 178 công trình, dự án với tổng mức đầu tư 11.857.943 triệu đồng. Trong đó có 29 dự án chậm tiến độ; 23 gói thầu có giá trị trên 5 tỉđồng nhưng Tập đoàn không tổ chức đấu thầu theo quy định (Công ty xăng dầu khu vực II); chỉ định nhà thầu không đủ năng lực tài chính (Công ty xăng dầu Tây Nam Bộ).
Tại Công ty Vipco, dự án tòa nhà Vipco Tower 37 Phan Bội Châu, TP.Hải Phòng đã dừng đầu tư do thiếu vốn; Dự án khu nhà ở Anh Dũng VII chưa giải phóng xong mặt bằng, chưa hoàn thành hạ tầng kỹ thuật, thu tiền của khách hàng nhưng chưa xây dựng nhà ở, đã dừng thi công do thiếu vốn; Lãi suất sử dụng vốn kinh doanh đầu tư các công trình, dự án nhưng không phân bổ vào giá trị công trình 23.271 triệu đồng…
Đề nghị Bộ Công an điều tra Công ty Vipco và Thiên Lộc Phú
Theo kiến nghị của TTCP, phải kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với tập thể, cá nhân thuộc tập đoàn và các công ty liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản, quản lý hoạt động kinh doanh cũng như trong công tác quản lý Nhà nước về kinh doanh xăng dầu.
TTCP cũng kiến nghị Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật đối với 2 vụ việc xảy ra giữa Công ty Vipco và Công ty Thiên Lộc Phú. Bởi vì năm 2008, ông Nguyễn Đạo Thịnh - Tổng giám đốc Công ty Vipco ký hợp đồng hợp tác đầu tư và hợp đồng dịch vụ, ngày 8.4.2008 Công ty Vipco đã chuyển 72.540 triệu đồng vào tài khoản chung do Công ty TNHH Thương mại - dịch vụ - sản xuất Thiên Lộc Phú làm chủ tài khoản, sau đó có văn bản cho phép Công ty Thiên Lộc Phú rút từ Ngân hàng 20.180 triệu đồng nhưng không có căn cứ, số tiền rút ra không sử dụng vào việc thực hiện hợp đồng và hoạt động của Công ty Thiên Lộc Phú (thực tế Công ty Thiên Lộc Phú không hoạt động kinh doanh).
Công ty Thiên Lộc Phú đã trả lại cho Công ty Vipco 1.500 triệu đồng, số còn lại 18.680 triệu đồng đến nay không thu hồi được. Ngoài ra, ông Nguyễn Đạo Thịnh - nguyên Tổng giám đốc và ông Vũ Quang Khánh - nguyên Kế toán trưởng công ty Vipco còn chuyển số tiền 483 triệu đồng vào tài khoản cá nhân của bà Nguyễn Thị Mỹ Dung đến nay không thu hồi được, vi phạm nguyên tắc quản lý tài chính, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Trí Lâm