Giá dầu thế giới sẽ hồi phục mạnh vào cuối tháng 9?

Quốc tế - Ngày đăng : 09:41, 07/09/2016

Việc Ả Rập Saudi và Nga đã chính thức thiết lập quan hệ đối tác chiến lược để bình ổn thị trường dầu, cộng với việc Iran đang lần đầu tiên bật đèn xanh cho khả năng tham gia một thỏa thuận đóng băng sản lượng mới, đang là một cơ hội bằng vàng cho sự hồi phục mạnh mẽ của giá dầu thế giới vào cuối tháng 9 này.

Hội nghị thượng đỉnh G20 vừa kết thúc ở Hàng Châu (Trung Quốc) là cả một nỗi thất vọng lớn lao, khi các nước chủ yếu quay sang chỉ trích nhau thay vì tập trung vào các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Một trong những điểm sáng hiếm hoi của nó là việc hai cường quốc xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới là Ả Rập Saudi và Nga đã chính thức thiết lập quan hệ đối tác chiến lược để bình ổn thị trường dầu. Giá dầu thế giới ngay lập tức tăng thêm 1-1,3% để cán mốc 47,31 USD/thùng (giá dầu thô Brent tại London). Những tin tức tích cực vẫn chưa dừng lại ở đó, việc Iran đang lần đầu tiên bật đèn xanh cho khả năng tham gia một thỏa thuận đóng băng sản lượng cùng OPEC và Nga trong cuộc hội đàm không chính thức vào cuối tháng này ở Algeria, đang là một cơ hộivàng cho sự hồi phục mạnh mẽ của giá dầu thế giới.

Những tín hiệu tích cực đang liên tiếp xuất hiện trên thị trường dầu lửa thế giới. Trong hội nghị thượng đỉnh G20 tại Trung Quốc, hai cường quốc xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới là Nga và Ả Rập Saudi đã chính thức ký tuyên bố chung về phối hợp hành động nhằm bình ổn thị trường dầu. Đích thân Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak và Bộ trưởng Năng lượng Ả RậpSaudi là Khalid al-Falih công bố thông tin này. Đây được xem là động thái quan trọng có thể mở đường cho sự hợp tác giữa hai cường quốc xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới trong việc bình ổn giá dầu, và dù cả hai quốc gia cho biết vẫn chưa có ý định đề xuất một thỏa thuận đóng băng sản lượng, thì thông tin về sự hợp tác trên cũng đã kéo giá dầu tăng thêm 1,3% để đạt mức giá trên 47 USD/thùng. Các thành viên quan trọng khác của OPEC như Kuwait hay UAE và Venezuela cũng đã lên tiếng ủng hộ sự hợp tác này, như một tiền đề cần thiết cho một thỏa thuận đóng băng sản lượng mới vốn là điều đang được gần như tất cả các nước xuất khẩu dầu trên thế giới chờ đợi.

Những dấu hiệu về một thỏa thuận đóng băng sản lượng mới giữa OPEC và các nước xuất khẩu dầu ngoài OPEC như Nga đang ngày càng trở nên rõ ràng hơn. Chỉ một ngày sau khi Nga và Ả RậpSaudi ký tuyên bố chung về phối hợp hành động tại Hàng Châu, thì Bộ trưởng Ngoại giao Saudi Adel al-Jubeir tuyên bố tại London rằng nước này sẽ chấp nhận một thỏa thuận đóng băng sản lượng mới nếu nó có sự tham gia của OPEC cũng như các nước xuất khẩu dầu lớn khác như Nga, nhưng cảnh báo thỏa thuận đóng băng sản lượng mới có thể sẽ đổ vỡ nếu như không có sự tham gia của Iran.

Ông Jubeir tuyên bố: “Nếu có thỏa thuận đóng băng sản lượng, Ả Rập Saudi chắc chắn sẽ tham gia và hy vọng điều này có thể trở thành sự thực vào cuộc họp sắp tới. Tuy nhiên, tôi e rằng sẽ tiếp tục có sự trở ngại từ phía Iran. Không thể ép buộc các nước đóng băng nếu họ muốn gia tăng sản lượng. Vị trí của Nga thích hợp hơn chúng tôi trong vấn đề này”. Nói cách khác, Ả Rập Saudi sẽ vẫn không tham gia thỏa thuận đóng băng mới nếu không có sự tham gia của Iran, và Nga nên đóng vai trò thuyết phục Tehran chấp nhận thỏa thuận này do sự gần gũi giữa hai nước.

Và sứ mệnh thuyết phục lần này của Nga có thể sẽ rất nhẹ nhàng, khi chính Iran cũng muốn thiết lập một thỏa thuận đóng băng sản lượng mới trong đó có sự tham gia của nước này. Vào cùng ngày Bộ trưởng Ngoại giao Ả RậpSaudi phát biểu tại London, chính phủ Iran đã bật đèn xanh cho việc bắt đầu thương lượng với OPEC về việc giảm sản lượng. Bộ trưởng Dầu lửa Iran Bijan Zanganeh đã gặp Tổng thư ký OPEC Mohammed Barkindo tại thủ đô Tehran, trong đó ôngZanganeh tuyên bố Iran sẽ ủng hộ bất cứ biện pháp nào có thể giúp ổn định giá dầu thô trong khoảng 50-60 USD/thùng. Đây được xem là sự cam kết của Iran để có thể thiết lập một thỏa thuận đóng băng sản lượng chính thức nhiều khả năng sẽ được thiết lập trong cuộc họp của OPEC vào cuối tháng này tại Algeria.

Lý do khiến Iran chấp nhận tham gia một thỏa thuận đóng băng sản lượng mới một cách sốt sắng trong khi đã từ chối tại hội nghị Doha vào tháng 4năm nay, là vì nước này đã đạt đến mức sản lượng ở thời điểm trước khi các lệnh cấm vận của phương Tây có hiệu lực là 4 triệu thùng/ngày. Lý do khiến Iran từ chối tham gia thỏa thuận Doha là do nước này yêu cầu đạt được mức sản lượng khai thác 4 triệu thùng/ngày trước khi đóng băng sản lượng, nhưng Ả Rập Saudi đã từ chối và thỏa thuận tan vỡ. Nhưng giờ đây, khi nước này đã đạt được sản lượng yêu cầu, thì điều quan trọng nhất với Iran là giá dầu trên thế giới phải ổn định ở mức 50-60 USD/thùng.

Bộ trưởng Dầu lửa Iran Bijan Zanganeh tuyên bố: “Iran muốn một thị trường dầu ổn định và do đó bất cứ biện pháp nào có thể giúp thị trường ổn định đều sẽ nhận được sự hỗ trợ từ phía Iran. Chúng tôi muốn giá dầu ổn định trong khoảng 50-60 USD/thùng”. Việc cố gắng theo đuổi mức sản lượng cao hơn 4 triệu thùng/ngày có thể sẽ không đem lại lợi ích cho Iran bằng việc giữ nguyên sản lượng ở mức 4 triệu thùng/ngày để cùng vực dậy giá dầu với OPEC và Nga.

Nói cách khác, các điều kiện cần thiết cho một thỏa thuận đóng băng sản lượng mới đã có đủ:sự chấp thuận từ phía Iran, sự sẵn sàng từ Nga và Ả Rập Saudi cùng các nước thành viên khác của OPEC. Các chuyên gia dự đoán, các điều khoản sơ bộ của thỏa thuận đóng băng sản lượng mới sẽ được thiết lập tại hội đàm không chính thức ở Algeria cuối tháng 9 này, và một thỏa thuận chính thức sẽ được công bố tại hội nghị thượng đỉnh OPEC tại Vienna vào tháng 11. Mức giá 50-60 USD/thùng mà Iran mong muốn nhiều khả năng sẽ là mức giá cố định trên thị trường dầu trong vài năm tới, khi mà đây cũng là mức giá vừa đủ để một số công ty dầu phiến Mỹ quay lại sản xuất, nhưng chưa cao đến mức có thể giúp toàn bộ các công ty dầu phiến Mỹ hoạt động trở lại và có thể đẩy giá dầu xuống thấp một lần nữa. Nói cách khác, đây có thể sẽ là mức giá chuẩn của thị trường dầu thế giới.

Nhàn Đàm (theo Reuters/The Saigon Times)

Nhàn Đàm