Kyrgyzstan: Người Duy Ngô Nhĩ đứng sau vụ tấn công đại sứ quán Trung Quốc

Quốc tế - Ngày đăng : 06:29, 07/09/2016

Nhà chức trách Kyrgyzstan vào ngày 6.9 (giờ địa phương) cho rằng các tay súng người Duy Ngô Nhĩ tham gia thánh chiến ở Syria là thủ phạm đứng sau vụ đánh bom tự sát nhằm vào đại sứ quán Trung Quốc tại thủ đô Bishkek (Kyrgyzstan).

Ủy ban An ninh Quốc gia Kyrgyzstan cho biết trong một tuyên bố vào ngày 6.9 (giờ địa phương) rằng các cuộc điều tra đã cho thấy “kẻ chủ mưu” đứng sau vụ tấn công đại sứ quán Trung Quốc là các tay súng người Duy Ngô Nhĩ đang chiến đấu cho Nhà nước Hồi giáo ở Syria.

Trước đó, một xe tải đã phát nổ ngay sau khi lao vào đại sứ quán Trung Quốc tại thủ đô Bishkek (Kyrgyzstan) vào ngày 30.8, khiến lái xe thiệt mạng và 3 nhân viên người địa phương làm việc tại đại sứ quán bị thương.

Giới chức Kyrgyzstan cho rằng kẻ đánh bom tự sát là một người dân tộc Duy Ngô Nhĩ và có một hộ chiếu cũ của Tajikistan khi quốc gia này còn thuộc Liên bang Xô Viết. Các quan chức điều tra cho rằng kẻ đánh bom là thành viên của Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM) đang hoạt động tại Syria.

Theo hãng tin South China Morning Post, 5 nghi can liên quan đến vụ tấn công đã bị bắt giữ. Ngoài ra, cảnh sát Kyrgyzstan cũng truy nã 4 người khác bị nghi ngờ và nhiều khả năng đang lẩn trốn tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Người Duy Ngô Nhĩ hiện tập trung chủ yếu tại Khu tự trị Tân Cương ở phía tây bắc Trung Quốc. Nhiều hoạt động bạo lực thường xuyên xảy ra bên trong khu vực này, khi người Duy Ngô Nhĩ cố gắng thoát khỏi sự kiểm soát của chính quyền Trung Quốc và chống lại sự gia tăng nhanh chóng của người Hán bên trong Tân Cương.

Bắc Kinh cho rằng các tổ chức đấu tranh cho người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương như ETIM đứng đằng sau các hoạt động bạo lực xảy ra trong khu vực. Ngoài ra, giới chức Trung Quốc cũng cáo buộc những người Duy Ngô Nhĩ đã trốn khỏi đất nước đang cố gắng đào tạo nhiều phần tử cực đoan ở Syria và lên kế hoạch đưa những người này trở về Tân Cương để tiến hành một cuộc thánh chiến.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia phân tích nghi ngờ về sự tồn tại của ETIM khi cho rằng Trung Quốc thường xuyên đổ lỗi cho các nhóm cực đoan người Duy Ngô Nhĩ, nhưng không cung cấp được bất cứ bằng chứng nào cho thấy sự tham gia của các tổ chức bên ngoài trong những cuộc tấn công.

Hàn Giang

Hàn Giang