TS Võ Trí Thành: ‘Buồn vì nhiều đại gia nói làm nông nghiệp như làm từ thiện’
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 14:15, 08/09/2016
Diễn đàn do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT)và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tham gia xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Manh mún, nhỏ lẻ
Nhận định về nền nông nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết, từ một nước nhập khẩu lương thực, đến nay Việt Nam đã đáp ứng đủ nhu cầu cho hơn 90 triệu dân và có nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu đạt thứ hạng cao trên thế giới. Tuy nhiên, tăng trưởng và phát triển nông nghiệp trong vài thập kỷ qua chủ yếu dựa trên cơ sở thâm dụng đầu vào sản xuất, nguồn lực con người và tài nguyên thiên nhiên.
Dẫn chứng cụ thể, ông Nguyễn Văn Bình nêu, năm 2014, năng suất lao động ngành nông nghiệp chỉ bằng 39% năng suất lao động chung của nền kinh tế, thậm chí chậm hơn so với hầu hết các nước cùng trình độ phát triển trong khu vực.
“Tốc độ tăng trưởng năng suất lao động ngành nông nghiệp trung bình giai đoạn 2000-2013 của Việt Nam chỉ đạt 3,4%, chưa bằng một nửa so với Hàn Quốc giai đoạn 1980-1995, Trung Quốc trong cùng giai đoạn (đạt 7,5%)”,ông Bình nói.
Theo ông Bình, điều này làm cho nông nghiệp Việt Nam phát triển thiếu bền vững, đối mặt với nhiều khó khăn như giá trị gia tăng thấp, an toàn thực phẩm không đảm bảo và khả năng sinh lời thấp. Nguyên nhân là do phương thức sản xuất nhỏ lẻ; số lượng các doanh nghiệp nông nghiệp chiếm tỷ lệ nhỏ và tốc độ phát triển chậm.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định, nông nghiệp Việt Nam vẫn manh mún, năng suất thấp,thu nhập bình quân củanông dân vẫn chỉ 24 triệu đồng/năm.
“Sản xuất nông nghiệp trong hội nhập còn khó khăn rất nhiều. Chỉ bằng cáchđưa kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, hình thành chuỗi sản xuất và kiểm soát sản xuất mới có thể đưa nông nghiệp Việt Nam phát triển”,Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Doanh nghiệpnông nghiệp có xu hướng giảm
Bên cạnh đó, số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam hiện có xu hướng giảm. Theo thống kê của Ban Kinh tế Trung ương, tính đến năm 2015, số doanh nghiệp nông nghiệp còn 3.600 DN, trong đó doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 96,53%. Số lượng các doanh nghiệp nông nghiệp chiếm tỷ lệ nhỏ và tốc độ phát triển rất chậm.
Cùng với đó, dù nông nghiệp đóng góp 17,7% GDP vào năm 2014 nhưng tổng vốn đầu tư của xã hội cho nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng thấp, khoảng 5,4 - 5,6% tổng đầu tư cả nước. Vốn đầu tư từ khu vực kinh tế ngoài nhà nước vào lĩnh vực nông nghiệp ở mức chỉ có 30.419 tỉ đồng năm 2014.
Việc các doanh nghiệp ít đầu tư vào nông nghiệp cũng được chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành chỉ ra. Theo ông Thành, sản xuất nông nghiệp rất rủi ro bởi chu kỳ lên xuống rất cao, độ co giãn tiêu dùng nông sản là rất thấp. Bảo hiểm về nông nghiệp đã triển khai nhưng chưa thực sự hiệu quả. Thực hiện theo mô hình liên kết, các doanh nghiệp trong chuỗi lại không hợp tác với nhau, hợp đồng giữa doanh nghiệp và nông dân vẫn chưa bền chặt…
“Tôi rất buồn vì nhiều đại gia nói làm nông nghiệp chỉ như làm từ thiện. Tại sao lại để nông nghiệp rơi vào tình trạng đó? Tại sao nông nghiệp lại bị đánh giá thấp như vậy?”,ông Thành trăn trở.
Ông Võ Trí Thành cũng nêu rõ một số vấn đề lớn của nông nghiệp hiện nay. Đó là quyền tài sản được quy định trong Luật Đất đai, vì hiện nay các doanh nghiệp tham gia nông nghiệp đều rất khát nguồn đất sản xuất. Ngoài ra, môi trường cạnh tranh, thị trường đầu vào khó khăn, sự méo mó của thị trường vốn, đất đai, lao động và chi phí giao dịch cao cũng là vấn đề không nhỏ đối với nông nghiệp.
“Muốn giải quyết được những khó khăn này, cần thay đổi cách thức hỗ trợ của Nhà nước. Chủ yếu là tạo môi trường chung, chỉ đầu tư vốn vào những lĩnh vực có tính lan tỏacao như kết cấu hạ tầng, công nghệ. Còn doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ trực tiếp trên nguyên tắc chia sẻ rủi ro. Nếu rủi ro Nhà nước sẽ chịu một phần còn doanh nghiệp làm ăn có lãi phải trả lại khoản đầu tư Nhà nước đã hỗ trợ”,ông Thành nói.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông đồng tình với việc hỗ trợ cho nông nghiệp, tuy nhiên, việc hỗ trợ phải có trọng tâm, trọng điểm. Theo ông Đông,bản chất của thị trường là cạnh tranh, nhưng cạnh tranh phải có quy mô, nếu quy mô nhỏ thì không cạnh tranh được.
Trí Lâm