Báo động tình trạng thai phụ bị đái tháo đường trong thai kỳ

Thông tin Y học - Ngày đăng : 19:05, 07/09/2016

Tình trạng thai phụ mắc đái tháo đường thai kỳ ngày càng nhiều, trong đó có không ít những thai phụ còn rất trẻ... gây ra nhiều hiểm họa đến tính mạng của thai nhi và người mẹ.

Thai nhi 34 tuần tuổi chết trong bụng mẹ

Chị Nguyễn Anh Th. (35 tuổi, ngụ tại TP.HCM) cho biết chị phát hiện bị đái tháo đường thai kỳ lúc thai nhi được 24 tuần tuổi nhưng nhờ thực hiện chế độ ăn kiêng đúng cách theo hướng dẫn của bác sĩ nên đường huyết ổn định, không cần phải chích Insulin. Nhờ đó đến tuần thứ 39 của thai nhi chị sinh hạ được bé trai khỏe mạnh, cân nặng 3,3kg.

“Khi thai nhi được 12 tuần tuổi tui đến Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM kiểm tra đường huyết thường quy thì cho kết quả bình thường. Thai kỳ diễn tiến bình thường cho đến tuần thứ 20 tăng cân 1.5kg mỗi 4 tuần. Tuy nhiên từ tuần 20 đến tuần 24 tui đột ngột tăng cân nhanh, 4kg trong4 tuần.Thấy bất thường ở tuần thứ 24 các bác sĩ ở đây chỉ định tui thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose để tầm soát tiểu đường thì cho kết quả bị đái tháo đường thai kỳ”, chị Th. kể.

Không may mắn như chị Th. chị T. (25 tuổi, quê Tiền Giang, tạm trú ở TP.HCM) đã phải đau đớn nhìn đứa con trong bụng 34 tuần tuổi chết một cách tức tưởi. Dù đã gần 6 tháng trôi qua, nhưng chị T.vẫn chưa hết nguôi ngoai vì nỗi đau xé lòng khi đứa con 34 tuần tuổi trong bụng phải chết lưu mà chị không hề hay biết.

Theo chị T.khi thai ở tuần thứ 12 chị đến khám tại một bệnh viện phụ sản ở TP.HCM. Tại đây, các bác sĩ cho thử đường huyết thì nói chị bình thường. Tuy nhiên đến tuần thứ 23 chị đến Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM để khám thai, các bác sĩ chỉ định thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose để tầm soát tiểu đường thì phát hiện bị đái tháo đường thai kỳ.

“Lúc đó tui không hiểu sự nguy hiểm của đái tháo đường thai kỳ như thế nào. Dù các bác sĩ ở đây có đề nghị tui đến bác sĩ chuyên khoa Nội tiết để điều chỉnh lượng đường nhưng tết vừa rồi về quê đón tết tui quên bẵng luôn chuyện ấy. Qua tết quay lại TP.HCM, tui đến Bệnh viện Đại học Y dược để tái khám. Lúc này các bác sĩ phát hiện đa ối, thai to và chỉ định sử dụng Insulin đường tiêm ngay để điều chỉnh lượng đường nhưng không kịp. Ngay chiều ngày hôm đó, tui thấy thai nhi không máy nữa nên siêu âm thì phát hiện thai vừa chết lưu ở tuần thai thứ 34, cân nặng 3,5 kg”, chị T. nhớ lại.

Nên tầm soát đái tháo đường thai kỳ

Theo bác sĩ Lê Thị Kiều Dung – Trưởng khoa Phụ Sản, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, thời gian gần đây, các trường hợp thai phụ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ được phát hiện tại đây khá nhiều. Điều này cho thấy mối nguy cơ về đái tháo đường thai kỳ có thể xảy ra ở bất kỳ thai phụ nào.

Thống kê của Hiệp hội Sản phụ khoa thế giới (FIGO) tỷ lệ mắc đái tháo đường thai kỳ ngày càng gia tăng, chiếm khoảng 16% trên tổng số các bà mẹ mang thai. Đái tháo đường thai kỳ có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Sở dĩ phụ nữ mang thai thường xuất hiện đái tháo đường thai kỳ theo bác sĩ Dung là do sự thay đổi nội tiết của cơ thể mẹ trong thai kỳ đưa đến tăng đề kháng với Insulin, làm cơ thể không thể điều chỉnh được lượng đường trong máu.

“Khi bị đái tháo đường thai kỳ, người mang thai tăng cân quá mức, trên 2kg mỗi tháng rất dễ gây béo phì. Những thai phụ mắc đái tháo đường thai kỳ thường dễ bị đa ối tăng khả năng sảy thai và sinh non, tăng nguy cơ cao huyết áp, tiền sản giật, sản giật gấp 4 lần... đặc biệt là dễ băng huyết sau sinh.”, bác sĩ Dung cho biết.

Cũng theo bác sĩ Dung khi thai phụ bị đái tháo đường thai kỳ rất dễ gây dị tật cho thai nhi nếu không điều trị đúng cách. Thường những trường hợp này thai nhi dễ bị rối loạn tăng trưởng (hoặc quá to, hoặc quá nhỏ) gây sinh khó và sang chấn lúc sinh như: trật khớp vai, gãy xương đòn, liệt đám rối thần kinh cánh tay... Bé sơ sinh dễ bị suy hô hấp do phổi chậm trưởng thành khi có tình trạng tăng đề kháng với Insulin, thậm chí thai nhi có thể bị chết lưu đột ngột do đường huyết tăng quá cao. Trong trường hợp nếu sinh ra bình thường đứa bé dễ bị béo phì, đái tháo đường, cao huyết áp...

Bên cạnh đó, những thai phụ mắc đái tháo đường thai kỳ sau khi sinh cũng để lại nhiều di chứng, đặc biệt là sẽ bị bệnh đái tháo đường suốt đời về sau, tỷ lệ chiếm khoảng 20%. Đồng thời còn để lại rất nhiều di chứng sau này đối với thai phụ như: cao huyết áp, suy tim, bệnh mạch vành gây đau thắt ngực dẫn đến nhồi máu cơ tim đột tử,bệnh mạch máu não, bệnh mạch máu, bệnh lý võng mạc do tổn thương các mao mạch ở võng mạc có thể đưa đến mù mắt, bệnh lý ở thận như tổn thương vi thể ở cầu thận gây xơ cứng cầu thận và đưa đến suy thận...

Phân tích những yếu tố nguy cơ khiến các thai phụ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ bác sĩ Dung đã chỉ ra những trường hợp có nguy cơ cao mắc chứng bệnh này là những người có người thân bị đái tháo đường, mang thai trên 40 tuổi, béo phì, tiền căn thai kỳ bị đái tháo đường thai kỳ, tiền căn sinh con to, tiền sử sinh con có dị tật bẩm sinh, sử dụng thuốc như corticosteroids, thuốc kháng virus...

“Đái tháo đường thai kỳ có thể gây nguy hiểm cho mẹ và thai nhi, chính vì vậy việc tầm soát đái tháo đường thai kỳ là rất cần thiết. Tất cả phụ nữ có thai nên thực hiện nghiệm pháp dung nạp đường huyết (OGTT) uống 75 gram glucose để tầm soát đái tháo đường thai kỳ. Khi có thai, các thai phụ nên ăn đủ chất như: thịt, cá, trứng, sữa, rau quả tươi... để cung cấp đủ dinh dưỡng nhưng không nên ăn nhiều.Thai phụ cần hạn chế ăn nhiều đường, tinh bột, chất béo, đặc biệt không nên uống nhiều nước mía có nguy cơ làm tăng chỉ số đường huyết trong thai kỳ”, bác sĩ Dung khuyến cáo.

Hồ Quang

Hồ Quang