Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: 'Tôi cũng hư và nhảm nhí đi nhiều'
Văn hóa - Ngày đăng : 21:35, 09/09/2016
Trong cuộc phỏng vấn mới nhất, nhà văn được xem là hiện tượng của văn đàn Việt Nam chủ yếu nói chuyện về “đạo”. Ông thừa nhận, “tôi cũng hư và nhảm nhí đi nhiều”.
- Thời buổi này mà nói về “đạo”, nghe có vẻ hơi xa xỉ, thưa nhà văn Nguyễn Huy Thiệp?
+ Trong cả xã hội, chắc là chỉ có mỗi nhà văn còn nói điều đó. Những người làm nghề khác, họ để ý làm gì? Nhà văn cũng có những nhầm lẫn nhưng họ luôn thức tỉnh con người hướng về cái đạo đó. Không có nhà văn nào viết ra chân lí cả. Bản thân tôi đôi khi cũng nhầm lẫn nhưng tôi vẫn viết để đánh thức bạn đọc của tôi, để họ có ý thức hướng về đạo. Không phải họ sẽ đi chùa, xây tượng là đạo. Mà tìm đạo trong chính nội tâm của mình.
Tôi viết văn cũng là quá trình đi tìm bản thân tôi, đi tìm đạo. Cái cao nhất của đạo chính là Chân - Thiện - Mỹ. Tất cả chúng ta đều đi tìm đạo. Đều đang mò mẫm. Trong lúc đi tìm, nhiều lúc tôi cũng buồn, cũng vui, cũng có lúc dở hơi, cũng có lúc hoan hỉ, kiêu ngạo. Đủ mọi trạng thái. Tôi nghĩ, làm nghề viết văn cũng như học đạo. Muốn lập công ở đời, phải tu luyện. Muốn tu luyện, phải tu tâm trước đã.
- Nghĩa là nhà văn Nguyễn Huy Thiệp viết văn để đi tìm “đạo”?
+ Nói thế thì to tát quá. Mỗi người có một cái nghề. Tôi viết văn trước hết là để kiếm sống. Trong các nhà văn Việt Nam, theo tôi dược biết, có ít người viết sống được bằng nghề. May mắn của tôi cho đến giờ phút này, sách vẫn được in và tái bản liên tục. Chưa kể, thỉnh thoảng có người vì yêu quý, còn cho tôi cái này cái kia. Nhiều lúc cũng tham lắm nên nhận nhưng cũng có nhiều thứ người ta cho rất to, tôi không dám nhận. Ở đời rắc rối là thế.
- Sau khi bán tác quyền cho NXB Trẻ với giá nửa tỷ, ông tuyên bố gác bút. Ông tuyên bố vậy nhưng có phải vậy không, thưa ông?
+ Viết đến lúc nên nghỉ thì nghỉ thôi, chứ nghề văn hay hớm gì đâu. Đó là cái nghề khắc nghiệt và cô đơn nhất. Kiếm sống bằng nghề viết không dễ dàng chút nào. Tạo hóa thế. Phải chấp nhận hết. Nhiều người nhìn tôi, cứ tưởng ông Thiệp danh tiếng như thế nên ông ấy chắc sung sướng lắm. Không cẩn thận, bị “nhục” ngay trong nhà ấy chứ. Nếu mình không có tiền, không có một giá trị nào đó để người ngoài, vợ con nhìn vào thì như thế nào? Chẳng lẽ để vợ hầu ư? Văn nghệ sỹ là những người ưa tự do. Mình mà sống không có đạo, không có đức, không có sự hi sinh nào thì mình sẽ trở thành người như thế nào? Đâu có đơn giản. Tu luyện đi theo đạo ở đây không chỉ trong viết lách mà còn trong cả đời sống thường nhật của mình. Lão Tử bảo “tri túc bất nhục”. Tôi biết đến đâu là đủ, là nên dừng. Đó là điều quan trọng nhất.
- Nhưng có phải nhà văn nào cũng băn khoăn về chữ “đạo” đâu, thưa ông?
+ Tất nhiên, trong số những nhà văn, không phải ai cũng băn khoăn về “đạo”. Những nhà văn u hoài về “đạo”, là do giời đày. Là sứ mạng họ phải đi.
- Nếu là giời đày, thì phải đi cho đến hết sự đày ải đó chứ?
+ Không phải. Khi bản thân mình là một thứ vô đạo, giời cũng bỏ mình mà đi.
- Tức là nhà văn Nguyễn Huy Thiệp là người vô đạo nên giời thôi đày?
+ Có lẽ thế. Tôi cũng hư nhiều, cũng nhảm nhí đi nhiều. Nghề văn có phải cái nghề béo bở gì đâu.
- Tiền và hai chữ “tri túc” có phải là lí do khiến ông quyết định dừng lại con đường chữ nghĩa?
+ Đó cũng là một trong những lí do. Lí do cơ bản nhất có lẽ đã đến lúc tôi tỉnh rồi. Giời đày, giời cho mình trạng thái mê mê tỉnh tỉnh. Nên mình viết, làm đủ thứ. Việc này cũng giống như tình yêu. Khi yêu, là lúc ta điên rồ nhất. Khi tỉnh ra rồi, tự nhiên lại thấy sợ.
Trong cuộc đời của mình, cũng có những thứ tôi muốn giấu nhẹm đi chứ. Ở đời nó là thế. Giống như đôi bàn tay mình, có phải có trái. Nếu còn sức, tôi muốn làm tuyển tập Nguyễn Huy Thiệp, trong đó có một số điều, tôi sẽ phải bỏ đi hoặc sửa lại.
Tập phê bình văn học "Giăng lưới bắt chim" của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp được tái bản lần thứ 4.
+ Nhiều khi lời chê khó nghe. Nhưng người xưa có nói, người chê mình là thầy của mình. Con người ta dễ kiêu ngạo lắm. Nghề văn lại là thứ nghề ảo tưởng nhất. Chữ nghĩa cũng ảo. Không cẩn thận, mình tự mê hoặc mình lúc nào không hay. Rồi sinh ra hỗn láo, kiêu ngạo. “Lợi” và “danh” dễ làm hư con người. Nhiều người không biết đâu.-Xin hỏi, những ý kiến trái chiều về tác phẩm của ông, ông có bận tâm nữa không?
Với những ý kiến trái chiều đó, tôi vẫn phải cảm ơn. Vì nó khiến tôi bớt kiêu căng, hợm hĩnh đi.
- Nhìn bề ngoài, tôi không nghĩ ông cũng có lúc kiêu căng, hợm hĩnh đấy, thưa ông?
+ Có chứ, ai mà chẳng tham sân si. Tôi cũng có lúc tham lam, ghen tị, ngu si. Con người là thế. Tôi cũng lắm thói hư tật xấu lắm. Đủ trò chứ. Ví dụ, tôi thích tiền, thích phụ nữ… Tuy nhiên, mình làm sao giữ được mình trong khuôn khổ nào đó. Tôi giữ được gia đình, mái ấm của mình. Mà bảo vệ gia đình không phải chuyện đơn giản đâu. Người đàn ông sợ vợ không phải vì sợ điều này điều kia. Anh ta sợ chính mình. Sợ mình không xứng đáng, không có chút giá trị nào. Nếu không cẩn thận, còn gây ảo tưởng. Rất khổ. Nghề viết văn lại là nghề dễ gây hiểu nhầm. Tôi viết văn nên tôi biết, ngôn ngữ là thứ tráo trở nhất trần đời.
- Nhưng người ta thường nói, văn là người. Bây giờ, nhà văn nói ngôn ngữ là thứ tráo trở nhất, xin hỏi ông, tôi phải hiểu như thế nào cho đúng?
+ Nếu nghe theo điều này hay những điều tương tự, có ngày thành bọn điên. Nhưng có những điều không nghe không được. Cuộc đời là thế. Câu “Văn là người” đó có cái đúng và cũng có cái sai. Phải đo với thước đo Chân - Thiện - Mĩ. Đây là thời có nhiều thứ suy đồi. Đạo đức, giá trị đi xuống. Con người phải tu luyện, tu tâm là vì thế.
- Xin cảm ơn nhà văn! Kính chúc ông dồi dào sức khỏe!
Theo Đậu Dung/CAND