Trung Quốc lo ngại Chủ nghĩa Mao 'phục sinh' trong giới trẻ
Quốc tế - Ngày đăng : 19:08, 10/09/2016
Trên thực tế, Mao Trạch Đông được xem là người khai sinh ra nhà nước Trung Quốc hiện đại, nhưng kỷ niệm 40 ngày mất của ông vào ngày 9.9.2016 đã bị chính quyền Trung Quốc "làm lơ".
Năm nay, lễ kỷ niệm ngày mất của Mao bị kiểm soát một cách chặt chẽ và chính quyền đã cảnh báo chống lại bất cứ ai nắm giữ tư tưởng "cực đoan" của nhà sáng lập Trung Quốc hiện đại.
Điều này phản ánh rằng một thực tế là độ nổi tiếng, ngưỡng mộ của Mao Trạch Đông đang ở đỉnh điểm tính từ khi ông qua đời, thời điểm kết thúc 2 thập niên đầy hỗn loạn tại Trung Quốc mà ngày nay chúng ta biết đến với cái tên Cách mạng Văn hóa.
Nhiều sử gia ước tính rằng trong suốt thời đại Mao cầm quyền, chính quyền của ông đã khiến từ 40 triệu đến 70 triệu người chết vì những chính sách thanh trừng trong những năm 1950 và chính sách kinh tế "Đại nhảy vọt" của ông.
Nhưng đối với nhiều người Trung Quốc hiện đại, đặc biệt là giới trẻ, những người không được dạy và tận mắt chứng kiến những "sai lầm" dưới thời Mao Trạch Đông cầm quyền thì ông đại diện cho một chính quyền công bằng hơn và ít tham nhũng.
"Rất nhiều vấn đề xã hội hiện nay ở Trung Quốc đều bắt nguồn từ sự chệch hướng khỏi tư tưởng của Mao Trạch Đông", Sima Nan, một blogger nổi tiếng và là một thành viên “neo-Maoist” (Tân Maoist) cho biết. Nhưng "trái với những mong muốn và nỗ lực của những người phỉ báng Mao, Mao bây giờ ngày càng được tôn sùng".
Trong vài năm qua, nhiều đền thờ Đạo giáo có thờ phượng Mao Trạch Đông đã mọc trên khắp Trung Quốc. Điều này thật sự rất mỉa mai khi Mao Trạch Đông là người luôn muốn bài trừ các hủ tục "mê tín dị đoan".
Hôm 9.9, hàng chục ngàn người Trung Quốc đổ xô về quê của Mao Trạch Đông để bái lạy và cầu nguyện trước tượng của ông, dưới sự giám sát vô cùng chặt chẽ của cảnh sát.
Những người "hâm mộ" Maocũng bực bội về việc trang thương mại điện tử Alibaba tổ chức một "lễ hội rượu" nhằm thúc đẩy doanh số bán rượu trực tuyến ngay đúng vào ngày 9.9. Trong phát âm tiếng Trung Quốc, chữ "cửu" (số chín) khá giống chữ "tửu" (rượu).
"Chỉ những kẻ vô ơn, phản cách mạng và những kẻ phản bội mới mừng ngày mà nhà lãnh đạo vĩ đại nhất của Trung Quốc ra đi. Không hiểu bọn chúng đến trái đất này để làm gì?", thông điệp đăng trên hai trang web hàng đầu của các nhóm Tân Maoist chỉ trích Jack Ma, ông chủ của Alibaba vì tổ chức "lễ hội rượu" đúng ngày Mao Trạch Đông mất.
Sự căng thẳng trong việc tổ chức kỷ niệm ngày "người cầm lái vĩ đại" qua đời không chỉ bó hẹp trong phạm vi Trung Quốc. Ở hai thành phố lớn của Úc là Sydney và Melbourne, chính quyền địa phương đã hủy hai buổi lễ kỷ niệm cái chết của Mao, bất chấp những người Trung Quốc ở Úc cho rằng việc tôn kính nhà sáng lập Trung Quốc hiện đại không có gì là nhạy cảm.
Các chuyên gia về hiện tượng Tân Maoist nói rằng những nhà lãnh đạo hiện tại ở Trung Nam Hải vô cùng lo lắng đối với phong trào này vì nó thách thức mạnh thể chế cai trị của họ. Một sự thật đang diễn ra là dù được xem là người khai sinh ra nhà nước Trung Quốc hiện đại, tư tưởng chính trị và kinh tế của Mao hiện đang bị chính quyền hiện tại "xếp xó".
Thiên Hà (theo Financial Times)