'Chiến trường' của đàn ông ở đâu?

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 17:45, 13/09/2016

Không phải ái tình mà công việc mới là “chiến trường” thực sự của đàn ông. Đó là một cuộc “chiến đấu” suốt đời không ngừng nghỉ và đầy tính cạnh tranh. Vinh nhục của người đàn ông ở đó, thành bại của người đàn ông ở đó, vui buồn của người đàn ông ở đó.

“Tôi đang bận quá” là đàn ông đang khoe

Người đàn ông luôn thăng tiến, cương vị ngày càng cao, ấy là người đàn ông thành đạt. Từ hộ kinh doanh thành công ty rồi thành tổng công ty, tập đoàn là cách thành đạt của người đàn ông kinh doanh. Không có cương vị, chức tước gì nhưng xuất sắc trong lĩnh vực mà mình theo đuổi cũng là người thành đạt.

Công việc là ngọn lửa để người đàn ông tôi luyện, khẳng định mình. Đó là môi trường người đàn ông luôn phải cạnh tranh mà trước hết là với những đồng nghiệp cùng giới. Nếu anh lười biếng một chút, anh lơi lỏng một chút, anh bất cẩn một chút là lập tức có người vượt lên và anh đã có thể ở lại phía sau.

Người đàn ông công việc luôn ngập đầu, ấy là người đàn ông đang được khẳng định. Người đàn ông thất nghiệp là người đàn ông đã thất bại. Nếu họ không biết vươn lên từ thất bại thì họ trở thành kẻ bại trận. Đa phần những người đàn ông bại trận hay tìm quên trong rượu chè, cờ bạc.

Đàn bà không mấy người yêu những anh chàng bại trận, cho dù anh ta có đẹp trai đến cỡ nào. Trong khi một cô gái vô công rỗi nghề nhưng xinh đẹp thì vẫn có hàng tá đàn ông theo đuổi. Đó là sự khác biệt rất rõ giữa đàn ông và đàn bà.

Đàn ông rất ghét hai từ “nghỉ hưu”. Vì thế mà hầu hết những người đàn ông đã nghỉ hưu đều muốn được đi làm. Không phải vì tiền, cũng không phải đi làm cho vui mà là vì họ vẫn muốn trực tiếp khẳng định mình. Không gì buồn bằng cảnh người đàn ông về hưu ngày ba bữa ngồi co chân trên giường đọc báo chờ cơm vợ.

Càng không gì buồn hơn cảnh, chồng đã nghỉ hưu mà vợ còn đi làm. Cảm giác mình là người thừa, hành hạ đàn ông. Vì thế, đàn ông không khoe sự nhàn rỗi mà khoe sự bận rộn. Khi người đàn ông nói: “Tôi đang bận quá” thì không phải là anh ta đang than thở mà là anh ta đang khoe.

Năm hết tết đến, người đàn bà tất bật đi mua sắm cho gia đình, cho họ hàng thì người đàn ông tất bận chuẩn bị công việc cho năm sau, đi thăm thú người này người khác, đi chúc tết ông nọ bà kia để duy trì và phát triển công việc. Một năm trôi qua, khi người đàn bà sốt ruột ngồi trước gương vì nhìn thấy mấy sợi tóc bạc trên đầu và vài nếp nhăn xuất hiện trên gương mặt còn người đàn ông thì sốt ruột vì thấy mình làm được ít việc quá trong năm qua. Việc này không được như dự tính, việc kia tiến triển chậm. Những giờ phút đó, cho dù là người đàn ông đang yêu cũng không nghĩ đến người yêu mà họ chỉ nghĩ đến công việc.

Ít khi bằng lòng với cái đã có

Vốn tràn đầy sinh lực và có sẵn bầu máu nóng chinh phục nên đàn ông ít khi bằng lòng với cái đã có. Vì vậy, người đàn ông luôn luôn ước mơ, đặc biệt là trong công việc và khi kiếm tiền. Một người đàn ông vừa làm xong một ngôi nhà, ngôi nhà mà anh ta hằng mơ ước từ khi chắt chiu từng đồng bạc gom góp cho ngôi nhà của mình đến khi ngôi nhà ấy được xây dựng xong xuôi.

Ngày khánh thành nhà, ai đến chia vui cũng tấm tắc khen nhà đẹp nhưng chỉ được một thời gian, chủ ngôi nhà đó đã nghĩ nếu có điều kiện, mình sẽ bán ngôi nhà này đi để mua một mảnh đất to, rộng hơn và xây biệt thự đẹp, tiện nghi hơn, có sân vườn, có gara để ôtô.

Một viên chức quèn, khi tích cực làm việc chỉ mong được leo lên ghế phó phòng để đỡ bị sếp làm chân sai vặt. Nhưng khi leo đến ghế phó phòng thì lại mong được chức trưởng phòng để toàn quyền quyết định mọi việc trong phòng… Thậm chí, có những ông chồng khi đã có tiền, có quyền trong tay thì lại ước mẹ của các con mình là một em chân dài nóng bỏng chứ không phải người vợ nhan sắc bình thường, bụng xồ xề, đêm nào cũng nằm chung giường với anh ta.

Không phải ước mơ nào của đàn ông cũng đáng yêu, càng không phải ước mơ nào của đàn ông cũng thành hiện thực. Vì vậy, những người vợ khôn ngoan biết hướng ước mơ của đàn ông vào những điều tốt đẹp, hữu ích và giúp chồng thực hiện ước mơ đó.

Theo Nhật Linh/Gia đình & XH

Theo Gia đình & Xã hội