Cần quản lý khai thác tốt khi dầu khí còn 56 năm, vàng còn 21 năm... là cạn

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 06:42, 14/09/2016

Hiện nay, chính sách thuế tài nguyên của nước ta còn nhiều bất cập nên đã tạo kẽ hở để doanh nghiệp có cơ hội tránh thuế và trốn thuế.

Hiện nay, Việt Nam đứng thứ 7 về khai thác dầu thô ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đóng góp 2,3% tổng sản lượng thiếc, 1,8% tổng sản lượng xi măngvà 1% tổng sản lượng Barite trên thế giới vào năm 2012.

Số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ ra Việt Nam đã khai thác 42,6 triệu tấn than, 3 triệu tấn quặng sắt, 3 triệu tấn Appatite, 193 nghìn tấn Mangan và nhiều loại khoáng sản khác với sản lượng lớn vào năm 2013.

Theo đó, trong tương lai gần, nguồn tài nguyên khai thác của nước ta sẽ cạn kiệt khi dầu khí còn 56 năm khai thác, Barite còn 21 năm, sắt còn 72 năm, Mangan còn 41 năm, Niken còn 45 năm, thiếc còn 19 năm, đồng còn 35 năm, chì còn 21 năm, kẽm còn 17 năm, vàng còn 21 năm...

Do vậy, các chuyên gia kinh tế góp mặt tại tọa đàm đều đồng thuận cho rằng, thời gian khai thác không còn nhiều nên nước ta cần tận dụng nhanh chóng và triệt đểnguồn này để tăng thu ngân sách một cách hợp lý, mặt khác cũng tránh được tình trạng lãng phí, dư thừa. Để làm được điều này, sáng kiến EITIđược cho là giải pháp tối ưu nhất.

Những chiêu trò trốnthuế

Phát biểu tại tọa đàm "Việt Nam tham gia sáng kiến minh bạch trong công nghiệp khai thác (EITI): Cơ hội hay rào cản?" diễn ra ngày 13.9 tại Hà Nội, bàTrần Thanh Thủy, Điều phối viên Liên minh khoáng sản cho biết, khai khoáng ở Việt Nam là lĩnh vực có mức độ rủi ro cao do tính phức tạp về chính trị, tài chính và kỹ thuật.

Các khoản thu như thuế tài nguyên chủ yếu dựa trên sản lượng, chất lượng, giá bán và thuế suất. Trong khi đó, các doanh nghiệp đã lợi dụng nhiều hình thức trốn, tránh thuế như: khai báo sản lượng, chất lượng thấp hơn thực tế; không khai báo đầy đủ về các kim loại quý hiếm thu hồi được. Doanh nghiệp tìm mọi cách thiết lập giá bán thấp hơn thực tế, kê khai khống các chi phí, lợi dụng chính sách ưu đãi thuế và chuyển giá.

Từ đó đã dẫn tới tình trạng đầu tư nhà nước thiếu hiệu quả, thu ngân sách không tương xứng với quy mô khai thác khoáng sản. Cụ thể, năm 2011, Nhà nước thu được khoảng 7.954 tỉ thuế tài nguyên ngoài dầu khí, chiếm khoảng 1,1% ngân sách. Năm 2012, Nhà nước thu được khoảng 6.539 tỉ thuế tài nguyên dầu, chiếm khoảng 0,9% ngân sách. Năm 2013, Nhà nước thu 7.462 tỉ thuế tài nguyên ngoài dầu, chiếm khoảng 1% ngân sách.

Theo đánh giá, mức thất thu trong khai thác tài nguyên chiếm khoảng từ 5 - 25% GDP. GDP từ ngành khai thác năm 2014 của Việt Nam là 426.184 tỉ đồng. Tổng thất thu khai thác khoáng sản và dầu khí ước tính khoảng 21.000 tỉ đồng.

Trước thực tế này, bà Thủy cho rằngViệt Nam cần nhanh chóng áp dụng các sáng kiến quốc tế về quản lý thuế. Cụ thể, sáng kiến minh bạch trong công nghiệp khai thác (EITI) đã được áp dụng ở 51 quốc gia gồm nhiều quốc gia phát triển như Anh, Mỹ, Na Uy. EITI là sáng kiến cam kết rất mạnh mẽ, nguyên tắc là doanh nghiệp và các cơ quan chính phủ cùng công khai các thông tin trên chuỗi giá trị công nghiệp khai thác từ cấp phép, khai thác, quản trị doanh nghiệp nhà nước, nộp ngân sách và quản lý ngân sách. Các số liệu này được đối chiếu và đưa vào báo cáo EITI. EITI tạo cơ chế so sánh, đối chiếu thông tin hiệu quả giữa các doanh nghiệp và qua đó hỗ trợ quản lý thu.

Giúp tăng thu ngân sách

Bà Thủy đưa ví dụ cụ thể, năm 2010, Zambia đã khai thác và chế biến 700.000 tấn đồng kim loại. Tổng giá trị sản xuất đạt 5,2 tỉ USD (giá trung bình 7.500 USD/tấn). Tuy nhiên, thông qua báo cáo EITI, quốc gia này đã phát hiện nguồn thu chính phủ từ khai khoáng chỉ đạt 400 triệu USD, tương đương chiếm 0,77% tổng giá trị sản xuất; trong đó 50% số thu là này từ 1 doanh nghiệp đóng góp, mặc dù ở nước nàycó rất nhiều doanh nghiệp khai thác khoáng sản.

Cũng thông qua sáng kiến này, Chính phủ Nigeria đã xác định được 560 triệu USD cần truy thu từ lĩnh vực dầu khí. Nhờ giải quyết lỗ hổng được xác định thông qua EITI, Chính phủ Nigeria ước tính tiết kiệm được 1 tỉ USD ngân sách hàng năm.

Tính đến thời điểm hiện tại, thế giới đã có 51 quốc gia đang thực thi EITI; 305 báo cáo EITI cấp quốc gia đã được công bố với tổng giá trị dòng tiền lên tới 1.900 tỉ USD. Rất nhiều quốc gia, từ quốc gia phát triển như: Mỹ, Anh, Na Uy, Pháp, Đức... tới các quốc gia phụ thuộc lớn vào tài nguyên như các quốc gia châu Phi hay khu vực ASEAN (Indonesia, Philippines, Myanmar, Đông Timor) đều đã chính thức cam kết tham gia hoặc xác định được các cơ hội cải thiện chính sách và nâng cao hiệu quả thu ngân sách. Cụ thể, như đã đề cập ở trên, Nigeria đã tránh thất thu được 1 tỉ USD mỗi năm từ khai thác khoáng sản nhờ sáng kiến này.

Sáng kiến minh bạch trong công nghiệp khai thác (EITI)

Hơn 50 quốc gia đã tham gia EITI, trong đó có nhiều quốc gia phát triển như: Anh, Mỹ, Na Uy...

Hơn 80 công ty dầu khí và khoáng sản hàng đầu thế giới, hơn 90 tổ chức tài chính và hơn 400 tổ chức xã hội dân sự trên thế giới đã ủng hộ và tham gia EITI. Hơn nữa, nhiều tổ chức quốc tế, các hội nghị G20, G8 đều ủng hộ các quốc gia tự nguyện thực thi sáng kiến EITI. Trong khu vực Đông Nam Á có Đông Timor, Indonesia, Philippinesvà Myanmar đã tham gia EITI.

EITI sẽ hỗ trợ quản trị tốt tài nguyên khoáng sản nhờ minh bạch cấp phép, cải thiện chính sách, dự báo thu... Đối với thu ngân sách, EITI sẽ giúp thúc đẩy phối hợp giữa các bên liên quan; tạo ra một cơ sở dữ liệu đồng bộ từ cấp phép, khai thác, tiêu thụ, xuất khẩu, giá bán... đến nộp thuế; cung cấp đủ thông tin để phục vụ đối chiếu, so sánh và từ đó xác định được các vấn đề; tạo ra cơ chế tự giám sát giữa những người nộp thuế và cơ quan thu thuế; qua đó sẽ góp phần thay đổi hành vi của người nộp thuế.

Việt Nam đã tiếp cận EITI từ năm 2007. Tuy nhiên sau gần 10 năm xem xét, Việt Nam vẫn chưa cam kết tham gia EITI. Hiện nay, sáng kiến này vẫn đang trong quá trình chờ Bộ Công thương xem xét.

Tuyết Nhung

tuyetnhung