Bán khoáng sản cho Trung Quốc chế tạo tên lửa, máy bay, liệu Việt Nam còn gì?
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 17:38, 13/09/2016
Sáng kiến minh bạch trong công nghiệp khai thác (EITI) được xem là giải pháp, lựa chọn tốt nhất nhằm sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách lâu dài, giúp tránh các tác động kinh tế và xã hội tiêu cực trong bối cảnh ngành công nghiệp khai khoáng hiện không được quản lý đúng cách. Về sáng kiến này, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương xem xét thực thi để nâng cao hiệu quả của ngành công nghiệp khai thác khoáng sản. Hiện sáng kiến vẫn đang trong giai đoạn xem xét, nhưng theo khảo sát đã có rất nhiều doanh nghiệp mong muốn Bộ Công Thương và Chính phủ đưa ra quyết định chính thức về sự tham gia của Việt Nam vào sáng kiến trong thời gian tới.
Và dĩ nhiên, khi sáng kiến này chưa được thực thi thì vấn đề khai thác khoáng sản ở Việt Nam hiện nay vẫn là bài toán nan giải, bởivì công tác quản lý tài nguyên khoáng sản ở Việt Nam còn tồn tại nhiều vấn đề như: cấp phép tràn lan, đầu tư nhà nước thiếu hiệu quả, thu ngân sách không tương xứng với quy mô khai thác, khai thác trái phép, xuất khẩu trái phép, gây ra các hệ lụy môi trường và xã hội...
Khai thác lãng phí, xuất khẩu trái phép!
Thực tế ấyđược TSNguyễn Thanh Sơn cho là rất lãng phí. Bởi lẽ, nếu tham gia EITI sớm thì Việt Nam có thể đẩy lùi nhu cầu nhập khẩu than sang tới sau năm 2020, nhưng đến năm 2013 đã nhập khẩu than rồi và tính tới năm nay, số lượng nhập khẩu đã lên tới 10 triệu tấn than.
"Chúng ta có rất nhiều than, nhưng đã phải nhập khẩu từ rất sớm, như vậy thì có thể nói đây là một sự phát triển không tối ưu, đó là xuất phát từ việc không minh bạch trong phát triển", TS Nguyễn Thanh Sơn nói.
Chỉ rõ hơn về bất cập này, TS Nguyễn Thanh Sơn cho biếttừ trước tới nayngành khai thác khoáng sản Việt Nam vẫn luôn ở trong tình trạng lỗ, đơn cử như việc tồn đọng 12 triệu tấn than, nhưng toàn là than xấu, không mang đi đâu bán được, còn than đẹp thì bị ăn cắp và mang ra bên ngoài hết. Hoạt động khai thác khoáng sản chủ yếu là cung cấp nguyên liệu cho phía Trung Quốc, chủ yếu khai thác tài nguyên khoáng sản của nước ta bán cho người Trung Quốc, thậm chí còn cung cấp bô xítcho Trung Quốc để họ chế tạo tên lửa, máy bay...
Với mỏNúi Pháo cũng vậy, Việt Nam luôn tự hào Núi Pháo có trữ lượng khoáng sản quýlớn nhất thế giới, và nếu không kể đến Trung Quốc thì mỏ khoáng sản này được xem là đứng đầu bảng thế giới với hơn 60 triệu tấn. Thế nhưng, khai thác vonfram ở đây tới hơn 16 năm nhưng không có một doanh nghiệp nào đầu tư vào môi trường mà chỉ biết khai thác một cách tận diệt.
Một ví dụ khác được chuyên gia Nguyễn Thanh Sơn cho là lãng phí, không minh bạch chính là vấn đề khai thác ở mỏ vàng Phước Sơn với trữ lượng 20 tấn, nhưng Bộ Tài nguyên - Môi trường chỉ cấp cho đối tác khai thác 7 tấn.
"Một mỏ như Núi Pháo, người ta phải đầu tư khai thác được 50 năm, nhưng chúng ta chỉ đầu tư khai thác 16 năm thì lấy đâu ra bảo vệ môi trường, lấy đâu đầu tư vào ngoài lĩnh vực khai thác. Còn với mỏ vàng Phước Sơn, cấp phép khai thác như vậy thì lấy đâu ra nguồn thu. Điều này chứng tỏ từ việc cấp phép đến phê duyệt dự án...đều không minh bạch", vị chuyên gia khẳng định
EITI chống tham nhũng, giúp tăng nguồn thu
Theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam -VCCI), một trong những lợi ích lớn nhất mà sáng kiến EITI mang lại là chống tham nhũng trong ngành khai thác khoáng sản hiện nay tại Việt Nam.
Dẫn theo một khảo sát về các doanh nghiệp tại một địa phương, ông Tuấn cho biếthằng năm các doanh nghiệp này đã nộp một khoản phí thuế cho chính quyền và những khoản phí thuế này sẽ để hỗ trợ cho người dân xung quanh, chịu ảnh hưởng từ việc khai thác khoáng sản của họ. Nhưng cuối cùng, họ không biết nguồn tiền về đâu, trong khi người dân không được hưởng lợi. Chính vì không nhận được hỗ trợ nên người dân địa phương đã ra sức phản đối khiến hoạt động kinh doanh của họ gặp khó khăn, không bền vững.
"Theo đó, vấn đề tham nhũng, lợi ích nhóm ở đây được xem là trở ngại lớn đối với các doanh nghiệp", ông Tuấn cho hay.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Thanh Sơn cũng bày tỏ hiện naycác cơ quan quản lý dường như muốn tạo ra một môi trường kinh doanh "lờ mờ" để dễ quản lý, vì đôi khi minh bạch quá lại không cần đến sự quản lý.
"Tôi cho rằng, thách thức lớn nhất hiện nay là lợi ích nhóm, cơ quan quản lý, không phải ở bản thân ngành hay bộ quy chuẩn của EITI. Theo đó, việc tham gia sáng kiến EITI là rất cần thiết", ông Sơn nhận định
Sáng kiến minh bạch trong công nghiệp khai thác
Tại Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 5.8.2005 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7.2016, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương “báo cáo Thủ tướng Chính phủ về khả năng Việt Nam tham gia Sáng kiến minh bạch ngành khai khoáng trong tháng 8.2016”. Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo “Phải khai thác sử dụng tài nguyên khoáng sản hiệu quả hơn, minh bạch hơn, trách nhiệm hơn. Nhiều nước tham gia Sáng kiến minh bạch ngành công nghiệp khai khoáng giúp các nước giàu tài nguyên tăng thu được hàng trăm triệu USD. Yêu cầu Bộ Công Thương sớm báo cáo về khả năng Việt Nam tham gia sáng kiến này”.
Trước đó, Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 22.7./2016 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội 5 năm 2016-2020 cũng đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trình Chính phủ trong năm 2016 về Đề án tham gia EITI.
Tuyết Nhung