Tăng lương = tăng thất nghiệp?

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 06:13, 17/09/2016

Lương tối thiểu tăng sẽ kéo theo nguy cơ các doanh nghiệp trốn đóng BHXH sẽ tăng. Người lao động sẽ phải chuyển sang lao động phi chính thức, không tham gia BHXH hoặc nếu không sẽ mất việc làm.

“Lương tối thiểu tăng quá cao làm cho doanh nghiệp không đủ quỹ tiền lương để trả cho người lao động, vì vậy nhiều người lao động bị mất việc. Bên cạnh đó, tốc độ tăng việc làm mới trong tương lai giảm do doanh nghiệp sẽ phải thu hẹp sản xuất…”. PGS-TS Nguyễn Thị Lan Hương nhận định như vậy trong hội nghị về tiền lương tối thiểu và an sinh xã hội, diễn ra ngày 16.9, do Viện Khoa học lao động và xã hội tổ chức.

Theo bà Hương, việc điều chỉnh lương tối thiểu sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt việc giảm, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tăng cao. Vì vậy, bà Hương cho rằng khi điều chỉnh tiền lương tối thiểu cần phải cân nhắc các yếu tố kinh tế khác có liên quan. Đặc biệt là khả năng chi trả của doanh nghiệp, các tác động về việc làm, thất nghiệp, thu nhập, tiền lương trước và sau khi điều chỉnh tiền lương tối thiểu…

Trước đó, khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ghi nhận đời sống của người lao động hiện nay hết sức khó khăn. Trong đó, có 20% người lao động thu nhập không đủ sống và chỉ có 8% người lao động làm việc có tích lũy, số còn lại phải sống chật vật…

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xác định việc tăng lương hằng năm gây khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay đời sống của người lao động gặp quá nhiều khó khăn nên Liên đoàn muốn có một lộ trình nhất quán là đến năm 2018 mức lương tối thiểu vùng phải đảm bảo được mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ…

Liên quan đến vấn đề trên, đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho rằng việc tăng lương tối thiểu vùng trong những năm qua đều tính đến các yếu tố trên. Cụ thể, Bộ LĐ-TB&XH đang trình Chính phủ xem xét mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 (tăng 180.000-250.000 đồng so với thời điểm hiện tại là năm 2016, tùy theo từng vùng) đã tính đến các tác động về việc làm, thất nghiệp, điều kiện sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn còn khó khăn.

Bên cạnh đó, việc tăng lương tối thiểu vùng còn phải tính đến bối cảnh năm 2016 thực hiện Luật BHXH, doanh nghiệp sẽ phải đóng BHXH, y tế, thất nghiệp cho người lao động trên cả mức lương và phụ cấp lương (thay vì chỉ đóng trên mức lương như hiện nay). Đồng thời tính đến mức độ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp (dự báo tăng bình quân khoảng 0,3%-0,5%), trong đó ngành dệt may, da giày tăng khoảng 1,7%-2,7%...

Theo đại diện Bộ LĐ-TB&XH, việc tăng lương nhằm từng bước bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Nếu mức đề xuất tăng lương 2017 được Chính phủ thông qua, được áp dụng từ 1.1.2017, sẽ bảo đảm khoảng 94% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.

Theo dự báo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nếu tiền lương tối thiểu thực tế lên 3% sẽ có khoảng 10.000 lao động bị giảm đóng/trốn đóng BHXH trong ngắn hạn và khoảng 30.000 lao động khác bị giảm đóng trong dài hạn. Tương tự, nếu tăng lương tối thiểu thực tế lên 5% sẽ có khoảng 17.000 lao động bị giảm đóng/trốn đóng BHXH trong ngắn hạn và khoảng 51.000 lao động khác bị giảm đóng trong dài hạn… Các lao động này sẽ phải chuyển sang lao động phi chính thức, không tham gia BHXH hoặc nếu không sẽ mất việc làm.

PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương

Tiêu điểm

Lương tối thiểu là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương. Quy định mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có sử dụng lao động theo hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động.

Viết Long - Pháp luật TP.HCM

Theo Pháp luật TP.HCM