Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Sinh viên phải học các môn bằng Tiếng Anh để hội nhập

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 08:01, 18/09/2016

Ngày 17.9, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị thông báo kế hoạch triển khai giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025 của Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020”.

Chia sẻ về kết quả, đặc biệt phân tích kỹ những vấn đề còn tồn tại trong việc dạy học ngoại ngữ cũng như trong triển khai Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 trong thời gian qua, theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, hiện nay chúng ta vẫn chưa chú trọng đúng mức tới thực tế, thực hành, nên nhiều học sinh, sinh viên đáp ứng chuẩn, thi đạt điểm cao nhưng khi gặp người nước ngoài vẫnlúng túng trong giao tiếp.

"Chúng ta hướng tới học ngoại ngữ để phục vụ công việc, phục vụ cuộc sống chứ không phải học để thi lấy điểm cao. Từ đó định hướng việc dạy học của giáo viên.” – Bộ trưởng nêu quan điểm.

Người đứng đầu ngành giáo dục cũng cho rằng, đội ngũ giáo viên có vai trò quan trọng nhất trong dạy và học ngoại ngữ. Việc áp dụng theo khung năng lực ngoại ngữ châu Âu 6 bậc có tài liệu nhưng vẫn nặng lý thuyết, nhẹ thực hành.Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã đưa ra giải pháp trong thời gian tới như tập trung đào tạo đội ngũ giáo viên, nhất là các trường sư phạm, nếu những thầy cô yếu quá, khả năng đạt chuẩn quá xa thì chuyển công tác khác.

Cũng trong buổi họp, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định: Phải đưa Tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai tại Việt Nam vì hiện nay trên toàn thế giới các công dân đều giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ phổ biến này. Nếu thời gian này, ngànhgiáo dục không chú trọng và đặt mục tiêu thì sẽ không bao giờ thực hiện được giao lưu, toàn cầu hóa cho xã hội.

Giờ cố gắng tiếng Anh làm sao là ngoại ngữ thực sự, đến thời gian nào đó trở thành ngôn ngữ thứ hai. Tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai là một ý tưởng đưa ra có tính chất định hướng. Đối với bậc phổ thông hoặc với những người không đi nước ngoài, sẽ dùng chuẩn theo khung tham chiếu châu Âu. Đối với những người có nhu cầu cao hơn, sẽ dùng luôn các chứng chỉ quốc tế như TOEFL, IELTS.

Hãy đặt mục tiêu lớn hơn nữa đó chính là không phải để sinh viên bước vào trường đại học mới bắt đầu học tiếng Anh mà hãy để sinh viên bước vào trường để học toàn bộ các môn bằng Tiếng Anh.

Về phía Bộ GD-ĐT, lãnh đạo Bộ đã yêu cầu Vụ Hợp tác quốc tế tìm kiếm giảng viên tình nguyện bản ngữ để hỗ trợ các trường; đề nghị Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020,xây dựng cơ sở học liệu về học Ngoại ngữ,lựa chọn học liệu, tài liệu chuẩn, tốt nhất trên thế giới, nhiều nước đã sử dụng có hiệu quả để sinh viên có thể truy cập học bất cứ lúc nào.

Dạ Thảo

Haiyen