Tòa án Hình sự quốc tế sẽ xét xử hành vi hủy hoại môi trường
Quốc tế - Ngày đăng : 06:07, 18/09/2016
Ngày 15.9, Tòa án Hình sự quốc tế đã công bố tài liệu định hướng chính sách dày 18 trang về chọn lựa các trường hợp và thứ tự ưu tiên. Đây là lần thay đổi định hướng chủ chốt đánh dấu một kỷ nguyên mới của công lý toàn cầu về đấu tranh bảo vệ môi trường và đất đai.
Gillian Caldwell, giám đốc điều hành chống tham nhũng của tổ chức môi trường Global Witness, trong một tuyên bố cho biết: “Quyết định hôm 15.9 của Tòa án Hình sự quốc tế cho thấy thời đại “kim bài miễn tử” đã đến hồi kết thúc”.
Ông giải thích: “Từ nay, các ông chủ và các nhà chính trị đồng lõa đã tịch thu đất đai bằng vũ lực, cạo trọc rừng nhiệt đới hay đầu độc nguồn nước sắp tới sẽ phải ra trước tòa án The Hague tương tự như bọn tội phạm chiến tranh và bọn độc tài”.
Global Witnesslà tổ chức phi chính phủ và tổ chức phi lợi nhuận quốc tế được thành lập năm 1993 nhằmmục tiêu chống lại tình trạng bóc lột tài nguyên thiên nhiên và tham nhũng trên phạm vi toàn cầu.Tổ chức này cũng quan tâm đặc biệt đến các vấn đề về vi phạm nhân quyền. Global Witness hiện có trụ sở tại London (Anh) và Washington, D.C (Mỹ).
Hồ sơ đầu tiên mà công tố viên Tòa án Hình sự quốc tế Fatou Bensouda, tác giả tài liệu định hướng chính sách nêu trên, phải xem xét là vụ kiện các viên chức Campuchia và các nhà doanh nghiệp chiếm đất năm 2014.
Theo hãng luật Global Diligence ở London đại diện cho 10 nguyên đơn trong vụ nêu trên,Campuchia là một trong những quốc gia có hình ảnh tồi tệ nhất về các nhà lãnh đạo tịch thu đất đai.
Từ năm 2002, các vụ tịch thu đất đai đã làm ảnh hưởng đến khoảng 830.000 dân thường và buộc 350.000 người phải rời bỏ nhà cửa để sống trong cảnh nghèo đóitrong khi các nhà đầu tư và các chính trịgia tham nhũng vun vén tiền đầy túi.
Luật sư Richard Rogers, một đối tác của hãng luật Global Diligence, nói với báo The Guardian (Anh): "Sự thay đổi ở đây không xem vụ chiếm đất tự thân là tội ác nhưng chuyện cưỡng ép trục xuất hàng loạt phát sinh từ hành vi chiếm đất rốt cuộccó thể bị xét xử như tội ác chống nhân loại”.
Ông cũng cho rằng việc chiếm đất đã góp phần làm biến đổi khí hậu vì phá rừng thông thường là một phần trong hành vi chiếm đất.
Sự kiện thay đổi chính sách của Tòa án Hình sự quốc tế cũng tương tự như hai phán quyết của Tòa Trọng tàiThe Hague công bố ngày 12.7 về Biển Đông. Phán quyết đầu tiên bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc. Phán quyết thứ hai lên án Trung Quốc phá hoại môi trường nghiêm trọng đối với các rạn san hô cũng như hành động bồi đắpxây đảo nhân tạo nhằm củng cố yêu sách chủ quyền.
Tòa án Hình sự quốc tế được thành lập theo Quy chế Rome vào năm 1998 để xét xử tội ác diệt chủng, tội ác chống nhân loại, tội ác chiến tranh và tội ác xâm lược. 139 quốc gia đã ký kết Quy chế Rome và Hội đồng Bảo an LHQ có thể đưa các vụ có liên quan ra trước Tòa án Hình sự quốc tế.
Nguyên Huy