Con tin người Na Uy được trả tự do nhờ tiền chuộc?
Quốc tế - Ngày đăng : 17:37, 19/09/2016
Con tin người Na Uy Kjartan Sekkingstad cho biết ông đã sống sót kỳ diệu trong bối cảnh tên bay đạn lạc qua nhiều đợt tấn công của quân đội nhắmvào nhóm khủng bố Abu Sayyaf, thậm chí có lần ba lô của ông đã hứng một viên đạn giúp ông.
Ông kể lại câu chuyện với giọng yếu ớt khi được trao cho đại diện chính phủ tại thị trấnIndanan trên đảo Jolo (Philippines): “Thực sự tôi đã bị đối xử như một nô lệ, bị bắt vác đồ của chúng, luôn luôn bị bạo hành”.
Tiếng gào thét củahai công dân Canada bị xử tử
Trả lời báo chí, ông Sekkingstad cho biết phải chịu đựng áp lực tâm lý khi nhóm khủng bố Abu Sayyaf nhiều lần đe dọa chặt đầu ông.
Hai du khách Canada John Ridsdel và Robert Hall cùng bị bắt chung với ông đã bị bọn Abu Sayyaf chặt đầu sau khi không nhận được khoản tiền chuộc 300 triệu peso (6,5 triệu USD).
Con tin người Na Uy Kjartan Sekkingstad kể lại trong các lần bị hành quyết vào tháng 4 và tháng 6, hai công dân Canada bị còng tay vàbị bịt mắt đưa đi. Ông nói: “Chỗ xử tử vẫn đủ gần để có thể nghe được tiếng gào thét của họ khi điều đó xảy ra”.
Ông Sekkingstad 56 tuổi bị bắt cóc vào tháng 9.2015 tại nơi làm việc là khu resort cao cấp ở Philippines. Sau đó, ông bị bọn Abu Sayyaf đưa đến giam tại đảo Jolo.
Báo NDTV (Ấn Độ) đưa tin theo thông báo của chính phủ Philippines, bọn Abu Sayyaf đã giao ông Sekkingstad cho một thủ lĩnh Hồi giáo nổi dậy tên Nur Misuari. Nhóm này đã hỗ trợ cung cấp chỗ ở trong quá trình ông được trả tự do ngày 17.9 sau một năm bị giam giữ.
Cùng được trả tự do với con tin người Na Uy Kjartan Sekkingstad còn có ba con tin Indonesia.
Ngày 18.9, được một đội cảnh sát tại Jolo hộ tống, thủ lĩnh Misuari bảo vệ ông Sekkingstad và các con tin Indonesia, sau đó giao lạicho cố vấn Jesus Dureza, cố vấn hòa bình của Tổng thống Rodrigo Duterte, trong buổi gặp mặt được hàng trăm tay súng củatổ chức Mặt trận Giải phóng Dân tộc Moro bảo vệ.
Ông Kjartan Sekkingstad phát biểu trong buổi gặp Tổng thống Rodrigo Duterte ngày 18.9 - AP
Na Uy và Philippines bác bỏ đã trả tiền chuộc
Sau đó, ông Sekkingstad và cố vấn Jesus Dureza bay đến thành phố Davao để gặp Tổng thống Rodrigo Duterte. Trong khi đó, ba con tin Indonesia được đưa đến thành phố Zamboanga trên đảo Mindanao để gặp một viên tướng về hưu người Indonesia để sắp xếp đưa họ về nước.
Vẫn chưa rõ ba con tin này có phải là các ngư dân bị bắt cóc khi đang đánh cá tại vùng biển thuộc Malaysia hồi tháng 7 vừa qua hay không.
Trong khi đó, tại buổi gặp mặt báo chí với Tổng thống Duterte, ông Sekkingstad đã cám ơn tất cả những người đã giúp trả lại tự do cho ông.
Hiện thời vẫn chưa rõ có tiền chuộc nào được trả hay không và ai là người trả tiền chuộc.
Báo chí địa phương Philippines trích dẫn phát ngôn của bọn Abu Sayyaf cho biết chúng đã nhận tiền chuộc ông Sekkingstad trị giá 30 triệu peso (khoảng 625.000 USD).Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Na Uy Frode Andersen nói với hãng tin AFP: “Chính phủ Na Uy không hề trả tiền chuộc cho bất kỳ trường hợp nào”.
Người phát ngôn của Tổng thống Duterte cũng khẳng định: “Chính phủ Philippines duy trì chính sách không trả tiền chuộc… Hiện nay, nếu có một bên thứ ba như gia đình nạn nhân chẳng hạn đã trả khoản này thì chúng tôi không hề biết gì về chuyện đó”.
Nhóm khủng bố Abu Sayyaf ra đời trong những năm 1990 nhờ tiền chu cấp từ mạng lưới Al Qaeda của trùm khủng bố Osama Bin Laden. Chúng đóng quântại các đảo miền namPhilippines có phần lớn dân số theo đạo Hồi. Hoạt động bắt giữ con tin đòi tiền chuộc (thường nhắm vào người nước ngoài) là cách để chúng kiếm hàng triệu USD.
Abu Sayyaf đã gây ra nhiều vụ tấn công khủng bố tồi tệ nhất Philippines và bị Mỹ đưa vào danh sách tổ chức khủng bố. Dù bọn cầm đầu Abu Sayyaf đã tuyên thệ trung thành với Nhà nước Hồi giáo (IS) nhưng các nhà phân tích cho rằng Abu Sayyaf thiên về thực hiện tội ác hơn là ý thức hệ về tôn giáo.
Anh Đào