NSND Thanh Tòng và nỗi oan tình đã dứt!
Văn hóa - Ngày đăng : 11:08, 23/09/2016
NSND Thanh Tòng qua đời, bao nhiêu báo chí và khán giả đã tỏ lời tiếc thương. Tôi không nhắc lại nữa. Mà tôi chỉ bồi hồi nhớ lại những ngày tôi gặp gỡ ông để viết bài về ông, về cải lương.
Một mối thân tình, bởi chính tôi cũng là khán giả ái mộ ông qua biết bao vở ông viết và diễn.
Gần 20 năm tôi biết ông. Lần nào cũng trò chuyện với nhau ở căn nhà trên đường Phạm Văn Hai, đi vào một con hẻm đẹp. Một ngôi nhà đẹp. Một cô con gái đẹp. Quế Trân đó. Cô con gái rượu, người duy nhất trong đàn con đã nối nghiệp cha, cho nên ông bố treo hình con gái khắp nhà, phóng to lắm, nhìn cưng lắm. Và hoa mà khán giả tặng Quế Trân mỗi đêm cô đi hát về, cũng để đầy nhà, rực rỡ. Nói thật, vô nhà Thanh Tòng, mà chỉ thấy Quế Trân là vậy đó.
Và nói chuyện một hồi thì ông cũng xoay qua con gái. Lẽ thường thôi, một ông bố bình thường còn “mê” con gái mà, huống chi ông bố nghệ sĩ, có con gái cũng nghệ sĩ. Trong cái tình cha con ấy có cả tình đồng nghiệp, tình đồng chí, tình bạn tri âm tri kỷ nữa. Giống như hồi cha ông còn sống, cũng từng thương yêu ông như thế, cũng có những thứ tình như thế.
Cha ông là nghệ sĩ Minh Tơ, bầu gánh cải lương hồ quảng Minh Tơ, cũng là người thành lập nhóm Đồng ấu Minh Tơ cho con cháu có nơi học nghề. Ông Minh Tơ chú tâm đào tạo Thanh Tòng nhiều nhất trong bầy con, bắt học đủ thứ, từ ca cổ, tân nhạc, nhảy thiết hài, cách dàn dựng, cách viết tuồng, và bắt đóng đủ loại vai văn, võ, mùi, độc, trung, nịnh, lão, điên, còn cho giả gái luôn nữa… Kiểu đào tạo này chỉ có thể dành cho “đệ tử chân truyền” mà thôi. Thanh Tòng bùi ngùi nói: “Vậy mà tôi vẫn chưa học hết nghề của ba. Ông còn biết vẽ cảnh, đánh trống, đánh đàn. Tôi thật sự thần tượng cha mình. Và cảm ơn những ngày khổ luyện. Tôi học lơ mơ là ổng rầy la dữ lắm. Càng lớn, ngẫm lại, tri ân cha vô cùng”.
Một người cha như thế, một cái nôi như thế, hỏi làm sao Thanh Tòng không mê nghề cho được. Nhưng điều mà ông day dứt nhất vẫn là bị người ta định kiến rằng cải lương tuồng cổ của ông là “lai căng”. Lúc ấy ông chưa được phong Nghệ sĩ Nhân dân, chỉ mới là Nghệ sĩ Ưu tú thôi, và thiên hạ vẫn chưa thôi dị nghị về thể loại cải lương mà ông làm chủ soái sau 1975. Ông nói: “Sau 1975, tôi đã từng khóc khi bị nghỉ hát. Không có bà xã tôi can ngăn tôi còn định chết nữa kìa. Rồi trầy trật lắm mới xin phép dựng lại bảng hiệu Minh Tơ. Nhà nước bảo thôi đừng hát tích Tàu, đừng múa may vũ đạo như Tàu, vậy thì “lách” đi, gọi cái tên “tuồng cổ” cho nó xuôi tai. Tôi biết như vậy mình và anh em nghệ sĩ đều bị mất sở trường, nhưng tôi chấp nhận. Vì miễn được hát là tôi được “sống”, nghỉ hát hoài là tôi “chết” thiệt đó. Buồn chịu không nổi. Mà tôi cũng thấy có điểm hay. Nhờ đi họp hành mà tôi như bước ra khỏi cổng đình Cầu Quan, tôi ý thức được vai trò quan trọng của nghệ sĩ, không bị gọi là “xướng ca vô loài” như trước, mà là người góp phần rất lớn trong văn hóa, trong xã hội, trong xây dựng con người. Tôi say mê lao vào viết tuồng sử Việt, tôi nghiên cứu những nhân vật Nguyễn Huệ, Tô Hiến Thành, Trần Quốc Toản, Hồ Huân Nghiệp, công chúa An Tư… và thấy tự hào mình có một kho báu dành cho sân khấu. Tôi viết và dựng với anh em, cho thêm vũ đạo hát bội vào, cho thêm các điệu lý, các bài vọng cổ, bản vắn của cải lương vào… Lãnh đạo duyệt, chịu liền. Mà khán giả cũng chịu luôn. Tôi như hồi sinh. Tuồng cổ phát triển lên từ đó”.
Quả thật, tuồng cổ đã làm nên những tên tuổi sáng chói một thời như Vũ Linh, Tài Linh, Ngọc Huyền, Thanh Thanh Tâm, Thanh Hằng, Vân Hà, Chí Linh, Thoại Mỹ… và sau này còn có cả Tú Sương, Trinh Trinh, Quế Trân, Vũ Luân… Và khi những ngôi sao này bước sang cải lương truyền thống vẫn biểu diễn rất tốt, khán giả say mê ái mộ. Vậy thì công lao của Thanh Tòng đâu có nhỏ.
Nhưng sự đời đâu đơn giản. Khi Thanh Tòng được phong tặng danh hiệu NSƯT người ta đã xì xầm là cải lương tuồng cổ của ông lai căng, sao lại ưu ái ông như thế. Ông tức quá, gửi băng đĩa lên Sở VHTT, lên Trung tâm nghiên cứu cải lương của TP.HCM, nhờ xem giùm tuồng cổ với hồ quảng có giống nhau hay không. Ông đã Việt hóa gần hết, kể cả các giai điệu hồ quảng ông cũng cho nó biến tấu gần với cổ nhạc Việt Nam. Thực sự, có thể xem đó là một “nhánh mới” của cải lương cũng được. Vì bản thân hai chữ “cải lương” đã chứa đựng sự cải cách và dung nạp phong phú rồi. Nhưng lúc đó người ta đâu có nghĩ vậy, và “án oan” vẫn treo trên đầu Thanh Tòng, khiến ông dù nhận danh hiệu NSƯT nhưng vẫn buồn hiu, day dứt.
Trong lúc đó, tài năng ông vẫn nở rộ với cải lương truyền thống. Ông nói: “Thời tôi diễn cho đoàn 284 là tôi vui lắm, vì có những vai rất tâm đắc. Vai cậu Tân (trong vởTô Ánh Nguyệt), vai Chu Phác Viên (vởLôi Vũ), vai Võ Minh Thành (vởĐời cô Lựu). Từ tuồng cổ bước sang tuồng xã hội là một thử thách, tôi lại thích thử thách như thế”. Quả thật khán giả đã khen ngợi Thanh Tòng trong hàng loạt vai xã hội này, không thấy đâu dấu vết của một nghệ sĩ quen với vũ đạo, múa may. Thanh Tòng biết tiết chế trong diễn xuất. Ông chinh phục ngay cả những khán giả khó tính của cải lương truyền thống.
Sau này, vài năm trước khi ông được phong danh hiệu NSND, thì gặp lại nhau tôi đã hỏi: “Anh hết buồn vì người ta định kiến chưa?”. Ông cười rất tươi: “Hết rồi. Em có viết bài về anh, lý giải giùm luôn cho tuồng cổ, chắc người ta cũng hiểu rồi. Một đời anh vậy là mãn nguyện”.
Nhưng rồi ông lại nhăn mặt: “Vẫn còn chỗ chưa mãn nguyện nè. Giờ cái chân bị thấp khớp nặng quá, hết lên sân khấu diễn được rồi. Buồn lắm. Nhớ sân khấu quá đi”. Tôi lắc đầu: “Anh đừng có ráng nghen. Nguy hiểm lắm. Thôi, hát không được thì ngồi làm giám khảo, chỉ dạy cho lớp trẻ được bao nhiêu cũng là quý”. Thanh Tòng cười: “Ừ, thôi chấp nhận!”.
Và bây giờ thì ông đã chấp nhận xa sân khấu vĩnh viễn. Chỉ chia vui với ông vì cái án oan kia đã không còn nữa, để ông ra đi với sự mãn nguyện thực sự.
Theo Hoàng Kim/TNO