Đề nghị kiểm toán và xử lý tài chính đối với Vinafood 2
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 11:36, 27/09/2016
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, ngày 26.9. Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã có ý kiến chỉ đạo về phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2).
Cụ thể, Phó thủ tướng Chính phủ đề nghị Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán kết quả xác định giá trị doanh nghiệp và xử lý các vấn đề tài chính đối với Tổng công ty Lương thực miền Nam, hoàn thành trước ngày 1.12.2016.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ vừa yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Tổng công ty Lương thực miền Nam khẩn trương thoái vốn nhà nước ở các đơn vị mà Tổng công ty đã góp vốn theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; sớm trình Thủ tướng Chính phủ phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Lương thực miền Nam.
Trước đó, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng yêu cầu các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện nghiêm việc giám sát tài chính tại Công ty mẹ - Tổng công ty Lương thực miền Nam như ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các văn bản số 8081/VPCP-KTTH ngày 6.10.2015 và số 812/VPCP-KTTH ngày 2.2.2016; kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc của Tổng công ty, bảo đảm việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước theo đúng quy định.
Phó thủ tướng yêu cầu Tổng công ty Lương thực miền Nam khẩn trương xử lý các tồn tại trước đây; đề xuất, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan liên quan kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện. Sớm hoàn thành việc thoái vốn và cổ phần hóa Tổng công ty theo đúng tiến độ, kế hoạch đã được duyệt.
Theo đó, căn cứ vào đặc điểm và tình hình thực tế, Vinafood 2 chọn hình thức cổ phần hóa là kết hợp vừa bán bớt một phần vốn Nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.
Vốn điều lệ của Vinafood 2 – Công ty cổ phần dự kiến là 5.000 tỉ đồng, được chia thành 500 triệu cổ phần, với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần, trong đó, Vinafood 2 phát hành thêm gần 16,5 triệu cổ phần (gần 165 tỉ đồng) để bổ sung vào vốn điều lệ. Cổ đông Nhà nước sẽ nắm giữ 65% số cổ phần (tương đương 3.250 tỉ đồng), nhà đầu tư chiến lược trong nước là 25% (1.250 tỉ đồng), bán đấu giá cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài 8,95%.
Phần còn lại, cổ đông sẽ là cán bộ công nhân viên, tổ chức Công đoàn Tổng công ty. Toàn bộ cổ phần tại thời điểm thành lập là cổ phần phổ thông.
Ông Huỳnh Thế Năng, Tổng Giám đốc Vinafood 2 cho biết, mặc dù đã thực hiện các biện pháp xử lý và thu hồi nợ. Tuy nhiên, trong cơ cấu 5.000 tỉđồng vốn điều lệ vẫn còn gần 600 tỉ đồng “nợ khó đòi” từ Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xuất nhập khẩu thương mại Võ Thị Thu Hà, Công ty Tập đoàn Thịnh Phát Kon Tum… đồng thời, có khoảng 500 tỉ đồng đầu tư sai vào lĩnh vực thủy sản. Các khoản nợ, đọng này được hình thành từ trước năm 2013 và được công bố công khai cho các nhà đầu tư có quan tâm.
Trước đó, kết quả xác định giá trị doanh nghiệp tại thời điểm cuối tháng 3.2015 cho thấy, giá trị thực tế của Công ty mẹ là 14.277 tỉ đồng và giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại Công ty mẹ là 4.980 tỉđồng.
Sau nhiều năm kinh doanh thua lỗ, công ty mẹ Tổng công ty Lương thực miền Nam đã bắt đầu có sự tăng trưởng dương. Theo báo cáo hợp nhất của công ty trong năm 2015 thì lợi nhuận sau thuế đạt gần 156 tỉ đồng (đã có kiểm toán). Báo cáo tài chính trong 6 tháng đầu năm 2016 lợi nhuận của Vinafood 2 cũng đạt hơn 100 tỉ đồng.
Được biết, riêng trong lĩnh vực lúa gạo, việc cổ phần hóa các tổng công ty lương thực được kỳ vọng sẽ giúp tăng tính cạnh tranh, tăng cường hiệu quả của hoạt động xuất khẩu gạo khi tất cả các doanh nghiệp đều được cạnh tranh bình đẳng hơn.
Theo các chuyên gia, hiện không có nhiều doanh nghiệp được xuất khẩu gạo vào các thị trường tập trung là Philippines, Indonesia, Cuba và Iraq. Tại các thị trường này, thường Vinafood 1 và Vinafood 2 được đăng ký đấu thầu bán gạo, các doanh nghiệp khác không được xuất khẩu.
TríLâm