Nông nghiệp: Campuchia tiến lên, Việt Nam tụt xuống
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 04:35, 28/09/2016
Ngành nông nghiệp và hệ thống lương thực Việt Nam đang đứng trước một bước ngoặt là bắt buộc phải chuyển đổi để phát triển, không thể chạy theo khối lượng số lượng để rồi hối tiếc và rồi chỉ vẫn mãi nỗi lo lắng cạnh tranh với Lào và Campuchia.
Lo lắng trước bước ngoặt
Việt Nam là một trong 2 nước trên thế giới (gồm cả Trung Quốc) có nông nghiệp chuyển đổi rất nhanh trong quá khứ. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp và hệ thống lương thực Việt Nam đang đứng trước một bước ngoặt từ phát triển về số lượng sang chất lượng. Lịch sử cho thấy chỉ có khoảng 30-40 nước vượt qua được “cây cầu” này để phát triển lên một trình độ mới - ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược PT-NNNT (IPSARD) chia sẻ.
Tại buổi công bố "Báo cáo phát triển Việt Nam 2016 - Chuyển đổi nông nghiệp Việt Nam: Tăng giá trị, giảm đầu vào", các chuyên gia cho rằng trên thực tế Việt Nam rất thiếu thương hiệu nổi tiếng về nông sản, kể cả đối với mặt hàng thế mạnh là gạo.
Câu chuyện Việt Nam tụt hạng trong xuất khẩu gạo thời gian gần đây, mất hợp đồng ở các thị trường truyền thống, trong khi gạo Thái Lan vẫn ở đẳng cấp cao, còn gạo Campuchia ngày càng tiến lên khẳng định vị thế... đang phản ánh nỗi lo về sự tụt hậu trong nông nghiệp của Việt Nam.
Nông sản Việt Nam xuất khẩu nhiều nhưng không có tên tuổi trên thế giới. |
Bên cạnh đó, những lần ùn tắc trong xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc như dưa hấu, chuối, lợn hơi... ở cửa khẩu cho thấy một sự bất lực kéo dài.
Ông Oussmane Dione, Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB) thì cho rằng nông nghiệp Việt Nam tạo ra sản phẩm nhưng cũng kèm theo cái giá phải trả về môi trường. “Đã đến lúc không thể làm theo cách cũ được nữa. Tốc độ tăng trưởng đã giảm sút, nông nghiệp dễ bị tổn thương trước các hiểm họa thời tiết”.
Hiện tượng nhiễm mặn, tình trạng hạn hán tại khu vực ĐBSCL , tốc độ biến đổi khí hậu quá nhanh, rồi tình trạng thực phẩm nhiễm độc trên khắp cả nước... đang ảnh hưởng rất mạnh tới khả năng cạnh tranh của nông nghiệp Việt.
Giải pháp nào?
Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, nông nghiệp Việt Nam phải đảm bảo tăng trưởng trên 3% thì mới đảm bảo công nghiệp hóa hiện đại hóa. Điều này đòi hỏi ngành nông nghiệp phải vượt ra khỏi cánh cổng trang trại, có tầm nhìn dài hơn, phải có sự phối hợp giữa các ngành.
Kể câu chuyện rượu Tequila của Mexico, ông Tuấn cho biết các nước giờ đây không chỉ còn thuần túy sản xuất sản nông nghiệp mà còn gắn với văn hóa, du lịch, gắn với các giá trị văn hóa tầm cỡ thế giới.
“Nói tới Tequila là người ta biết đến Mexico và nói tới Mexico là người ta nhớ tới Tequila. Đây là biểu tượng của đất nước này và biến nó thành mặt hàng có tốc độ tăng nhanh nhất thế giới”.
Trong khi các nước tìm những hướng đi rất mới, nhanh chóng dịch chuyển cơ cấu sản phẩm hay đầu tư cho chiến lược xây dựng thương hiệu, thì Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi xuất khẩu nông sản thô.
Trong hơn 1 thập niên qua, Ấn Độ ứng phó với sự cạnh tranh (như với Việt Nam) trong lĩnh vực đồ gia vị xuất khẩu một cách rất ấn tượng. Các doanh nghiệp nước này chuyển hướng sang các sản phẩm có giá trị gia tăng cao như sản phẩm tiêu dùng có thương hiệu, bao bì, cũng như các loại dầu, tinh dầu hương liệu. Với hàm lượng tri thức và công nghệ cao, các sản phẩm trên đã thay thế hạt tiêu trở thành mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Ấn Độ về giá trị.
Còn với Đài Loan, trong nhiều thập kỷ qua, các doanh nghiệp ở đây đã chuyển từ sản phẩm thô sang sản phẩm đóng hộp và sau đó từ sản phẩm đóng hộp sang đông lạnh, chế biến thức ăn sẵn để có khả năng cạnh tranh cao hơn.
Theo các chuyên gia, sự phát triển của ngành nông nghiệp rất cần sự vào cuộc của Chính phủ nhưng theo hướng giảm chỉ đạo, tăng kiến tạo. Nhà nước khuyến nông nhưng không nên đóng vai trò cầm tay chỉ việc mà là định hướng: tăng cường đầu tư nhà nước vào cơ sở hạ tầng trong lĩnh vực nông nghiệp, tạo sức hấp dẫn ở lĩnh vực này ở nhiều mặt từ các chính sách về đất đai, tín dụng, giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Theo V.Hà/VNN