Lợi ích nhóm, bảo kê trong quản lý phân bón như ‘bom nổ chậm’

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 15:56, 28/09/2016

Theo ông Nguyễn Hạc Thúy, Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, hệ thống lợi ích nhóm, bảo kê của các lực lượng thi hành công vụ đã tiếp tay cho gian thương. Các thành phần này như “bom nổ chậm” phá hoại luật pháp, bóp méo sự thật, gây thiệt hại cho hàng chục triệu nông dân và nền nông nghiệp.

Tại hội thảo “Lập lại trật tự thị trường phân bón Việt Nam” diễn ra ngày 28.9 tại Hà Nội, các chuyên gia cho rằng tình hình sản xuất phân bón giả, kém chất lượng hiện gây thiệt hại lớn, bức xúc trong nhân dân. Đáng nói, tình hình này không những không giải quyết được mà còn phát triển ngày càng tinh vi hơn.

Sản xuất phân bón như múc đất đem bán

Theo ông Nguyễn Hạc Thúy, Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, cả nước có 63 công ty, tổ hợp sản xuất kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng bán ra trên 48 tỉnh, thành. Chỉ tính riêng thiệt hại do phân bón giả, phân bón kém chất lượng gây ra thì mỗi năm Việt Nam mất đi khoảng 2 tỉ USD.

"Sản xuất phân bón hiện nay không khác nào múc đất bán cho nông dân, nhiều vụ bắt giữ phân bón giả được chứa trong các bao bì nhãn mác của các doanh nghiệpuy tín nhưng nếu quy định hàm lượng dinh dưỡng trên giấy phép bao bì NPK là 53%, qua kiểm tra chỉ đạt gần 3%. Phân bón giả được thu giữ là đất vì bản thân đất tự nhiên ở nước ta rất nhiều vùng tự nó có hàm lượng dinh dưỡng tương tự như... phân bón giả", ông Thúy nêu cụ thể.

Còn theo báo cáo của Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), bình quân mỗi năm phát hiện khoảng 4.000 vụ vi phạm về sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng. Cùng với đó, nhiều tổ chức, cá nhân không được cấp phép vẫn sản xuất phân bón, các kênh phân phối gây sức ép về giá thành…

Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chỉ rõ, tình hình sản xuất phân bón giả, nhái nhãn mác, thương hiệu của các doanh nghiệp nổi tiếng tràn lan. Có đến 50% số mẫu phân bón không đạt tiêu chuẩn như đăng ký. Các đối tượng này đánh vào tâm lý ham rẻ của người dân vùng sâu, vùng xa để bán phân bón giả trục lợi.

“Nạn phân bón giả đang trực tiếp tác động đến tâm tư của hàng triệu người nông dân. Những thiệt hại này không ai bù đắp được, đòi hỏi các bộ, ngành phải có giải pháp đủ mạng về cơ chế, nâng cao hiệu quả quản lý, lập lại trật tự thị trường phân bón” – ông Lại Xuân Môn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam nói.

Tuy nhiên, rất nhiều vụ việc được nêu ra nhưng cơ quan chức năng không xử lý dứt điểm, điển hình như vụ làm giả phân bón của Công ty Thuận Phong (Đồng Nai). Vụ việc được Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo389 phát hiện, các bộ, ngành, Văn phòng Chính phủ đã kết luận là phân bón giả nhưng Đồng Nai vẫn không xử lý.

“Thật trớ trêu, vụ việc chưa được Thủ tướng kết luận thì tỉnh Đồng Nai đã làm theo luât riêng, coi thường phép nước khi tự ý cho dỡ niêm phong và tha, chỉ xử lý hành chính, coi thường kết luận của các bộ, ngành. Cách “tiền trảm hậu không tấu” này có nên cho là điển hình của lợi ích nhóm không” – ông Nguyễn Hạc Thúy nêu rõ.

Cũng theo ông Thúy, hệ thống lợi ích nhóm, bảo kê của các lực lượng thi hành công vụ, tham gia tiếp tay cho gian thương. Các thành phần này như “bom nổ chậm” phá hoại luật pháp, bóp méo sự thật, gây thiệt hại cho hàng chục triệu nông dân và nền nông nghiệp trong thời gian qua. Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sau khi kiểm tra 11 trung tâm khảo nghiệm kiểm định cũng đã phát hiện 100% đơn vị vi phạm các quy định.

Cần cán bộ có “lương tâm, trình độ”

Theo ông Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Nông nghiệp nhiệt đới, muốn chống nạn phân bón giả thì phải có con người thật, con người có lương tâm, có trình độ, có trách nhiệm.

“Phải tái cơ cấu nhân lực của ngành phân bón để khôi phục sự lành mạnh của thị trường. Tăng trưởng niềm tin của người dân còn quan trọng hơn tăng trưởng số lượng nhà máy và sản lượng phân bón”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Còn theo ông Nguyễn Như Cường, Phó cục trưởngCục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Nghị định 185/2013 về xử phạt các hành vi buôn bán hàng giả và Nghị định 115/2016 của Chính phủ về xử phạt hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả quy định rằng, phân bón giả chỉ được xác định khi 30% số phân bón được khẳng định giả và 70% số phân bón kém chất lượng. Nhưng các nước trên thế giới thì chỉ cần 10% phân bón giả thì đã xác định là phân bón giả rồi.

“Cơ chế xử phạt của chúng ta vừa thấp vừa yếu. Như vậy rất khó ngăn chặn nạn phân bón giả. Nếu chúng ta có những chế tài xử phạt nghiêm minh thì không doanh nghiệp nào dám làm phân bón giả nữa" – ông Cường nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Cường còn cho rằng các văn bản quản lý về phân bón hiện đang có nhiều bất cập, sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý còn chưa chặt chẽ. Cụ thể, tại Nghị định 202 của Chính phủ, Bộ Công Thương quản lý phân bón vô cơ còn phân bón hữu cơ thuộc trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp đều sản xuất cả 2 loại. Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong quá trình thanh tra, kiểm tra không được kiểm tra các doanh nghiệp này.

“Nghị định này không hợp lý và chúng tôi cho rằng cần phải sửa lại, trong đó giao cho 1 bộ thống nhất quản lý chung, không thể để quản lý mặt hàng phân bón mà hai bộ cùng quản lý. Như vậy sẽ không có ai chịu trách nhiệm” – ông Cường nhấn mạnh.

Cũng theo ông Cường, muốn thanh tra phải lập đoàn liên ngành, tuy nhiên, trên thực tế việc thành lập và tiến hành kiểm tra rất khó thực hiện, mất nhiều thời gian.

Trí Lâm

Trí Lâm