Xuất hiện nhiều vụ thảm sát là do hung thủ nghĩ sẽ trốn được tội

Sự kiện - Ngày đăng : 05:03, 29/09/2016

Liên tiếp trong thời gian gần đây xảy ra hàng loạt vụ thảm sát, giết cùng lúc nhiều người thân trong một gia đình. Điều này không chỉ khiến dư luận hoang mang, lo lắng mà còn đặt ra một vấn đề thực tế, phải chăng đây là hệ lụy của tác động xã hội khiến phần “con” trỗi dậy hơn phần “người” hay còn những điều gì khác nữa?

Những vụ thảm sát ở Bình Phước, Yên Bái... hay gần đây nhất là vụ thảm sát ở Cao Bằng, Quảng Ninh... cho thấy nguyên nhân dẫn đến động cơ giết hàng loạt người thân trong cùng một gia đình chỉ là những mâu thuẫn nhỏ, thậm chí chẳng có mâu thuẫn gì.

Một tranh cãi nhỏ xung quanh đường dẫn nước lên rẫy mà Tẩn Láo Lở đã dìm chết chị Mẩy rồi giết luôn cả con gái 2 tuổi, người cháu 6 tuổi và đứa bé mới 28 ngàytuổi của chị Mẩy. Vụ thảm sát đã làm rúng động ở Lào Cai và cả nước.

Hay mới đây vụ sát hại 4 bà cháu ở tỉnh Quảng Ninh, hung thủ là một người thân quen với gia đình, chỉ vì gia đình không có tiền cho mượn 50 triệu đồng để trả nợ mà ra tay sát hại cả 4 bà cháu một cách dã man...

Từ những xung đột hết sức nhỏ nhặt về chuyện cái mương dẫn nước của Tẩn Láo Lở hay mượn 50 triệu đồng của hung thủ Doãn Trung Dũng nhưng người nhà không cho đã ra tay sát hại nhiều người thân trong gia đình là một hành động man rợ, máu lạnh. Điều gì đã thúc đẩy những con người ấy man rợ và máu lạnh đến như vậy?

Nhận định về hành vi mượn tiền nhưng người nhà không cho mượn, hung thủ Doãn Trung Dũng đã ra tay sát hại cả 4 bà cháu, chuyên gia tâm lý TS Huỳnh Anh Bình - Giám đốc Trung tâm hướng nghiệp TP.HCM nói điều thúc đẩy hung thủ ra tay máu lạnh như trên có thể do hung thủ đã sử dụng ma túy quá liều, vì ma túy đá làm kích động tâm lý tội phạm.

Tuy nhiên, xét ở khía cạnh khác thì những vụ thảm sát gần đây có nguồn gốc từ xã hội, chuẩn mực đạo đức, kiến thức văn hóa... TS Huỳnh Anh Bình cho rằng việc hung thủ ra tay sát hại cùng lúc nhiều mạng người như thế có xuất phát từ yếu tố xã hội. Các yếu tố xã hội như: phim ảnh, tệ nạn xã hội... đã ít nhiều tác động đến tâm lý của hung thủ. Đây được xem là tội phạm có nguồn gốc xã hội.

Nhìn những vụ sát hại vừa qua, chúng ta có thể thấy rằng nếu một người bình thường sẽ không thể nào thực hiện được những hành vi như vậy. Bởi đơn giản, một người bình thường luôn được điều chỉnh bởi các yếu tố về đạo đức chuẩn mực xã hội, kiến thức, văn hóa... Những điều chỉnh trên giúp cho những con người bình thường luôn suy nghĩ cái gì cần làm và cái gì không nên làm. Điều đó cũng có nghĩa rằng, một người bình thường sẽ không hành động man rợ như vậy.

Theo TS Huỳnh Anh Bình, tâm lý tội phạm giết người, nhất là giết cùng lúc nhiều ngườithường có tâm lý không ổn định hoặc bị kích động thúc đẩy giết người.

Phân tích của chuyên gia tâm lý Huỳnh Anh Bình cho thấy cơ chế tâm lý tội phạm. Yếu tố thúc đẩy tội phạm hành động là ý thức việc trốn tội của họ sẽ thành công. Bên cạnh đó còn do sự di dân, cơ chế quản lý thường trú lỏng lẻo của các cơ quan chức năng làm cho ý thức tội phạm về việc thoát tội góp phần làm xuất hiện nhiều hung thủ máu lạnh, nhiều vụ thảm sát.

Để có thể ngăn ngừa những người được cho là có tâm lý bất ổn hay bị kích động này, chuyên gia tâm lý Huỳnh Anh Bình cho rằng cần phải có một giải pháp tổng thể, trong đó tập trung vào 3 vấn đề chính: quản lý xã hội, giáo dục và pháp luật.

Đối với pháp luật, các cơ quan chức năng cần tăng cường khung hình phạt với những trường hợp giết người man rợ. Điều này khiến cho hung thủ cảnh giác được hành vi phạm tội của mình sẽphải chịu những hình phạt như thế nào giúp họ ý thức hơn khi hành động. Chính tội phạm luôn suy nghĩsẽ trốn tội thành công nên các cơ quan chức năng cần phải có cơ chế quản lý chặt chẽ trong vấn đề tạm trú, thường trú của người dân; đồng thời điều tra, xử lý tội phạm một cách nghiêm túc góp phần làm cho các đối tượng dừng lại không thực hiện hành vi phạm tội.

Tuy nhiên gốc rễ của việc hạn chế tội phạm chính là biện pháp giáo dục. Phòng bệnh hơn chữa bệnh, cần phải xây dựng, tăng cường các biện pháp mạnhtính phòng ngừa.

Hồ Quang

Hồ Quang