Tổng thống Philippines sang Việt Nam nhằm 'thanh minh và trấn an' dư luận
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 04:56, 29/09/2016
Chiều ngày 28.9, ông Duterte, Tổng thống Philippies đã đáp máy bay xuống sân bay Nội Bài, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam. Ngay trong tối nayôngsẽ gặp gỡ Cộng đồng doanh nghiệp Philippines tại Việt Nam.
Lễ đón chính thức ông Duterte sẽ diễn ra vào sáng ngày 29.9 tại Phủ Chủ tịch, do Chủ tịch nước Trần Đại Quang chủ trì. Trong ngày, Tổng thống Duterte sẽ hội kiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới về chuyến thăm này của Tổng thống Philippines, GS Ngô Vĩnh Long, nhà nghiên cứu lịch sử, chính trị(Đại học Maine, Mỹ) cho rằng, mục đích chuyến thăm này là củng cố quan hệ với Việt Nam trên các vấn đề kinh tế, thương mại, và an ninh khu vực -trong đó vấn đề Biển Đông là cốt lõi.
Ông Ngô Vĩnh Long cho biết, chuyến thăm một phần vì những tuyên bố “hàm hồ” của Tổng thống Duterte trước đó khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã rút ra khỏi Philippines làm cho thị trường chứng khoán cũng như GDP giảm gần 2,5%. Thêm vào đó, nhiều nước ASEAN cũng như Mỹ đang nghi ngại là đường lối của ông Duterte có thể gây phương hại đến hợp tác trên lãnh vực an ninh chung trong khu vực.
“Do đó, chuyến thăm của ông Duterte cũng sẽ được dùng để thanh minh và trấn an dư luận về chính sách của ông ta trong các lĩnh vực vừa đề cập ở trên” – ông Long nói.
Về vấn đề Biển Đông, nhiều người kỳ vọng Việt Nam và Philippies sẽ thảo luận sâu thêm. Tuy nhiên, trước đó, tại Hội nghị Thượng định ASEAN ở Lào, Tổng thống Philippines nói không có ý định đưa vấn đề tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc ra trong các cuộc thảo luận cùng với các nước ASEAN khác.
Nói về điều này, ông Long cho biết, phán quyết của Toà án Thường trực PCA là một thắng lợi rất lớn cho Philippines nói riêng và cho các nước khác trong khu vực cũng như trên thế giới nói chung, nhất là trong việc ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc. Đây là thành quả của nhiều năm vận động chính trị và dư luận của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
“Tại Mỹ, một nước đồng minh quan trọng nhất của Philippines, nếu không có phản ứng mạnh mẽ và nhất quán của lưỡng viện Quốc hội trong hai năm qua thì Trung Quốc đã có thể nuốt luôn hết Scarborough Shoal rồi. Bây giờ không lẽ đã thắng thế trước PCA và dư luận quốc tế mà Philippines lại bỏ đi tất cả mà nhân nhượng Trung Quốc để gây tổn hại cho chính mình về lâuvề dài hay sao?” – ông Long nhấn mạnh.
Cũng theo ông Long, hồ sơ Biển Đông và chủ đề Biển Đông sẽ được thảo luận trong chuyến đi thăm Việt Nam lần này, tuy nhiên, thảo luận ở mức độ nào thì khó biết trước.
Về phản ứng của Trung Quốc trong chuyến thăm này của Tổng thống Philippies, ông Long nhận định rằng Trung Quốc sẽ không có phản ứng gì vì chuyến đi này trong tạm thời có lợi cho Trung Quốc để suy tính và điều chỉnh chính sách của mình đối với Philippines và Việt Nam cũng như ở Biển Đông.
Được biết, thời gian qua, quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Philippines đã có những bước tiến mạnh mẽ. Hợp tác kinh tế hai nước phát triển tích cực, kim ngạch thương mại năm 2015 đạt gần 3 tỉ USD và 7 tháng đầu năm 2016 đạt 1,72 tỉ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2015.
Bên cạnh đó, hợp tác quốc phòng phát triển thực chất và ngày càng mở rộng. Hai bên tổ chức đối thoại chính sách cấp Thứ trưởng quốc phòng lần thứ 2 vào tháng 4.2016, tích cực triển khai các thoả thuận đã ký kết về hợp tác quốc phòng, đường dây nóng giữa Cục Cảnh sát Biển Việt Nam (nay là Bộ Tư lệnh) và Bộ Tư lệnh phòng vệ bờ biển Philippines, tăng cường hợp tác và chia sẻ thông tin giữa Hải quân nhân dân Việt Nam và Hải quân Cộng hoà Philippines, giao lưu trên đảo Song Tử Tây và Song Tử Đông giữa hải quân hai nước (3.2012).
Trước chuyến đi, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose cũng cho đây là dịp để Tổng thống tăng cường liên minh chiến lược giữa hai nước. Dự kiến sẽ bàn về việc đẩy mạnh thương mại và đầu tư hai chiều, thúc đẩy các hoạt động văn hóa chung cũng như gia tăng trao đổi trong lĩnh vực nông nghiệp và đánh bắt.
“Các nhà lãnh đạo cũng dự kiến trao đổi quan điểm về các vấn đề quốc tế và khu vực. Quan hệ giữa hai nước đã phát triển và ngày càng sâu sắc kể từ khi quan hệ chính thức được thiết lập năm 1976”, ông Jose nói.
Tổng thống Duterte dự kiến cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc gìn giữ hòa bình, ổn định, an ninh khu vực trong cuộc gặp với Chủ tịch nước Việt Nam, trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông chưa được giải quyết.
“Và điều đó sẽ diễn ra trong bối cảnh chúng tôi tái khẳng định cam kết mạnh mẽ đối với việc giải quyết hòa bình các tranh chấp và tuân thủ luật pháp”, phát ngôn viên Jose nói.
Trí Lâm