Người dân Mỹ có thực sự ghét các hiệp định thương mại tự do?
Quốc tế - Ngày đăng : 08:04, 29/09/2016
Cuộc tranh luận trực tiếp nảy lửa đầu tiên giữa hai ứng cử viên cho chiếc ghế tổng thống Mỹ nhiệm kỳ sắp tớilà ôngDonald Trump và bàHillary Clinton đã kết thúc với nhiều dư âm đáng chú ý, và vẫn đang tiếp tục là chủ đề nóng được khai thác triệt để. Tuy nhiên, có một vấn đề dường nhưbị bỏ qua: không phải ông Trump và bà Hillary luôn xung khắc với nhau trong mọi chủ đề. Có một chủ đề được đồng thuận gần như tuyệt đối trong cuộc tranh luận: Các hiệp định thương mại tự do. Sự đồng thuận hiếm hoi giữa hai ứng cử viên tổng thống trong chủ đề này cho thấyvấn đề các hiệp định thương mại tự do đang giữ vai trò sống còn đối với chiến dịch tranh cử của cả ông Trump lẫn bà Hillary, đến mức chỉ cần nói khác đi một chút cũng sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Nhưng, liệu người dân Mỹ có thực sự ghét các hiệp định thương mại tự do đến thế hay không?
Quả thực, các hiệp định thương mại tự do gần như là chủ đề duy nhất cả hai ứng cử viên tổng thống tỏ ra tán đồng với nhau trong buổi tranh luận trực tiếp đầu tiên. Sự khác biệt duy nhất giữa hai ứng cử viên và đồng thời cũng là lập luận được ông Trump sử dụng để tấn công đối thủ của mình, đó là tố cáo việc bà Hillary trước khi phản đối Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thì lại có xu hướng ủng hộ mà thôi. Còn bà Hillary thì phủ nhận thẳng thừng sự tố cáo đó bằng câu trả lời ngắn gọn: “Chưa bao giờ”. Sự đồng thuận này về thái độ tẩy chay các hiệp định thương mại tự do này trên thực tế đã bắt đầu diễn ra từ khi chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ mới bắt đầu, và ngay cả những người ban đầu có xu hướng ủng hộ TPP như bà Hillary cũng buộc phải quay sang thái độ phản đối để thu hút sự ủng hộ của cử tri. Sự thay đổi lập trường đó có vẻ như đang cho thấy thái độ phản đối và tẩy chay các hiệp định thương mại đang ngày càng phổ biến và lan rộng trong xã hội Mỹ. Nhưng thực tế liệu có đúng như vậy?
Các nghiên cứu và thăm dò dư luận đối với người dân Mỹ được tiến hành từ thời điểm đầu năm, cũng là lúc chiến dịch tranh cử tổng thống bắt đầu, lại đang cho thấy những kết quả không như nhiều người vẫn nghĩ. Đa số người dân Mỹ vẫn đang có thái độ lạc quan về lợi ích của thương mại tự do, dù khá lặng lẽ. Chẳng hạn như, cuộc thăm dò diễn ra hồi đầu năm do ViệnGallup tiến hành cho kết quả phần lớn người dân Mỹ coi thương mại quốc tế là một cơ hội hơn là một thách thức. Hai cuộc thăm dò mới nhất do hai hãng tin uy tín là Wall Street Journey và Washington Post cũng cho kết quả tương tự, đa số cử tri Mỹ có thái độ khá rộng rãi với các vấn đề thương mại quốc tế.
Điều tương tự cũng diễn ra trong nội bộ hai chính đảng lớn nhất nước Mỹ. Trong suốt những năm 2000, đảng Cộng hòa vượt trội hơn đảng Dân chủ về số lượng các nghị sĩ ủng hộ các vấn đề thương mại. Sự thay đổi diễn ra khi ông Barack Obama đắc cử vào năm 2008, ông vốn là người ủng hộ triệt để các hiệp định thương mại tự do và đảng Dân chủ dần chiếm ưu thế về sự ủng hộ với các vấn đề thương mại. Ở thời điểm hiện tại, việc nhiều nghị sĩ của đảng Cộng hòa chuyển sang phản đối các hiệp định thương mại chủ yếu là vì lý do chính trị như một sự phản đối chính sách ủng hộ thương mại của đảng Dân chủ mà thôi.
Khảo sát mới nhất được Đại học Harvard thực hiệncũng cho thấy một thực tế, thái độ của người dân Mỹ về vấn đề các hiệp định thương mại là tương đối đa dạng. Chẳng hạn, đa số người dân Mỹ có thái độ tích cực trong vấn đề thương mại với hầu hết các nước trên thế giới, trừ Trung Quốc và Mexico. Nói cách khác, cử tri Mỹ không thực sự hài lòng về các đối tác thương mại đang gây ra nhiều kết quả bất lợi cho nền kinh tế như thâm hụt thương mại hay mất việc làm do làn sóng dịch chuyển sản xuất. Chẳng hạn như trong mối quan hệ kinh tế-thương mại với Trung Quốc, hiện Mỹ đang phải chịu một khoản thâm hụt lên tới khoảng 300 tỉ USD mỗi năm, đồng thời người lao động Mỹ đã mất hàng triệu việc làm vào tay Trung Quốc trong những năm qua. Theo thống kê của ôngDonald Trump, chỉ tính riêng trong giai đoạn 2001-2008 Mỹ đã mất khoảng 2,4 triệu việc làm vào tay Trung Quốc, chưa tính đến khoảng thời gian 2 nhiệm kỳ của tổng thống Obama mà theo ông Trump là khiến cho tình hình càng trở nên tồi tệ hơn. Điều tương tự cũng xảy ra đối với Mexico, Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) khiến cho rất nhiều doanh nghiệp Mỹ chuyển cơ sở sản xuất sang Mexico và xuất khẩu hàng hóa ngượcvào thị trường Mỹ. Chỉ tính riêng trong năm 2015, thâm hụt thương mại của Mỹ với Mexico đã lên tới 49 tỉ USD, và theo thống kê Mỹ đã mất khoảng 4-6 triệu việc làm vào tay Mexico kể từ thời điểm NAFTA được ký kết năm 1994 đến nay.
Điều này có nghĩa là, phần lớn cử tri Mỹ không phản đối các hiệp định thương mại tự do như TPP hay TTIP (Hiệp định đối tác xuyên Đại Tây Dương), miễn là không phải với các đối tác như Trung Quốc hay Mexico. Thực tế đã chứng minh rằngthương mại tự do giữa Mỹ với hầu hết các quốc gia khác đem lại sự phân bố lành mạnh các ngành sản xuất theo hướng có lợi cho cả hai bên. Chỉ trong trường hợp Trung Quốc (và phần nào đó là Mexico) thì nguyên tắc won-won này mới bị phá vỡ do cấu trúc kinh tế và thương mại có phần khác lạ của Trung Quốc. Việc Trung Quốc tận dụng tối đa lợi thế nhân công giá rẻ và đông đảo của mình, cũng như đẩy mạnh hết mức có thể chính sách tăng trưởng dựa trên xuất khẩu, đã khiến cho nền kinh tế Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề mà điển hình là thâm hụt thương mại rất lớn và mất đi số lượng việc làm quá nhiều trong quan hệ thương mại với nước này. Kinh nghiệm không mấy sáng sủa trong quan hệ thương mại với Trung Quốc là lý do khiến làn sóng phản đối các hiệp định thương mại nói chung gia tăng tại Mỹ theo một kiểu cách có phần “vơ đũa cả nắm”.
Vậy, vì sao các ứng cử viên tổng thống hiện tại như ông Trump hay bà Hillary lại có xu hướng phản đối các hiệp định thương mại, khi phần lớn cử tri Mỹ lại không? Lý do chủ yếu là vì tranh thủ sự ủng hộ của bộ phận không nhỏ cử tri bị ảnh hưởng từ các kết quả tiêu cực mà thương mại tự do đem lại, chủ yếu là những người thất nghiệp hoặc đang phải làm việc bán thời gian có thu nhập thấp. Theo thống kê hiện có khoảng 6-7 triệu người Mỹ đang phải làm việc một nửa thời gian và muốn một công việc toàn thời gian hơn, trong khi tỷ lệ thất nghiệp vẫn đang ở mức 5% - khoảng gần 15 triệu người. Rõ ràng đây là một bộ phận cử tri không hề nhỏ, và có thể lấy được sự ủng hộ của họ bằng cách hứa hẹn tăng việc làm thông qua các biện pháp cứng rắn với Trung Quốc và Mexico, hoặc ít nhất cũng là cam kết không để mất thêm việc làm bằng cách phản đối các hiệp định thương mại như TPP.
Nhàn Đàm (theo Bloomberg)