Thừa nhận vội vã, TP.HCM nói không cấm triệt để việc dạy thêm
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 05:43, 30/09/2016
Thông tin trên được ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND TP.HCM cho biết tại cuộc họp báo diễn ra ngày 29.9 do chính ông chủ trì.
Theo ông Hoan, việc dạy thêm, học thêm nhằm vào 2 mục đích chính là bồi dưỡng để nâng cao năng lực cho học sinh yếu và đào tạo học sinh giỏi tham gia vào các cuộc thi lớn của thành phố, quốc gia. Việc này xuất phát từ nhu cầu có thật của học sinh, phụ huynh muốn các em có kiến thức, sánh ngang với bạn bè.
Tuy nhiên, quá trình quản lý dạy thêm, học thêm có nhiều yếu tố tác động làm vấn đề này trở nên phổ biến. Một số phụ huynh lo sợ con cái bị tiêm nhiễm bởi các thông tin trên internet, do đó dành hết thời gian bắt các em học thêm. Việc học từ mục đích cung cấp thông tin, kiến thức dần trở thành một loại dịch vụ và một loại hình kinh tế. Từ đây, dạy thêm, học thêm tràn lan, phát sinh những tiêu cực gây bức xúc trong dư luận. Việc dạy thêm, học thêm tràn lan, tiêu cực đã ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe của học sinh, vì thế cần phải có những biện pháp để chấn chỉnh.
“Chúng ta dạy thêm, học thêm đáp ứng được yêu cầu của học sinh, phụ huynh nhưng có nhiều yếu tố như không công bằng giữa các học sinh học thêm và không học thêm. Học thêm từ việc phụ giờ thành việc chính, thời gian học nhiều hơn, lượng cung cấp thông tin nhiều hơn. Vấn đề này đã tạo ra tiêu cực, thậm chí cơ sở dạy thêm không đầu tư tới nơi tới chốn, không đạt chuẩn, giáo viên không đạt yêu cầu, học phí cao. Ai cũng đua nhau mở lớp dạy thêm, có giáo viên dạy từ trường này qua trường kia. Tiêu cực này nên xem xét và xử lý”, ông Hoan nói.
Trước thực trạng này, ông Hoan cho rằng TP.HCM nhận thức được chủ trương cấm dạy thêm, học thêm là cần phải làm và kiên quyết, thế nhưng quá trình triển khai phải có lộ trình.
“Do tinh thần quyết tâm cao nhưng chưa lường trước được nên gây bức xúc trong xã hội. Việc làm nhanh, làm mạnh như vừa qua đã nảy sinh nhiều vấn đề, gây bức xúc, tạo ra ức chế tâm lý trong xã hội. Thành phố chưa chuẩn bị được tâm lý cho đội ngũ quản lý, giáo viên, phụ huynh và học sinh. Đây là bài học của thành phố, bởi một quyết định tác động đến xã hội phải xem xét, lường trước, nhưng trong quyết định này chúng ta chưa chuẩn bị tâm lý.
Thành phố cũng chưa chuẩn bị chu đáo cơ sở vật chất cho trường học. Quá trình làm có nhiều khó khăn, chưa tạo ra được sự thống nhất trong đội ngũ, cấp dưới xử lý còn lúng túng”, ông Hoan nhận định.
Theo Chánh văn phòng UBND TP.HCM, thành phố không cấm hoàn toàn hoạt động dạy thêm, học thêm mà chủ trương sẽ cấm dạy thêm, học thêm tràn lan, tiêu cực theo đúng tinh thần Thông tư 17 của Bộ Giáo dục – Đào tạo. Quá trình triển khai sẽ dựa trên những điều kiện cụ thể để thực hiện có lộ trình.
Về giải pháp, trước mắt, TP.HCM sẽ chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý nhà nước dạy thêm, học thêm trong trường học, ngoài trường học. Song song đó là xây dựng cơ chế, chính sách chăm lo cho đời sống giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất cho trường học, đổi mới cách thi cử… Vấn đề sách giáo khoa riêng thì thành phố đang xin Chính phủ để xây dựng một chương trình dạy và học phù hợp với điều kiện thành phố. Sở Giáo dục – Đào tạo sẽ có tham mưu cụ thể cho lãnh đạo thành phố.
Phan Diệu