NSƯT Kim Xuân và chồng: Vẫn yêu như thuở đón đưa
Văn hóa - Ngày đăng : 06:00, 04/10/2016
1.Vậy mà, hỏi Kim Xuân nghĩ gì về hai chữ "viên mãn", chị suy nghĩ hồi lâu mới chần chừ đáp: "Tôi hay nghe người ta nói, viên mãn là gia đình hạnh phúc, là con cái thành đạt, là có cháu chắt, là công việc trôi chảy,…
Nhưng tôi nghĩ, không một ai không trải qua những nỗi niềm khó tả. Chẳng hạn như khi tôi cảm thấy đầy đủ về tình cảm thì mẹ tôi qua đời. Ngày trước, khi tôi thấy sự nghiệp đang "vù vù" thì em trai tôi mất. Bao giờ cũng vậy, niềm vui luôn song hành cùng buồn. Hạnh phúc là ngọt đắng, bên cạnh niềm hân hoan luôn kèm theo chút gì đớn đau, mất mát. Thậm chí, nó để lại những khoảng trống không lấp đầy được".
Chị Kim Xuân gặp anh Huy - ông xã chị hiện tại trong lớp văn nghệ quần chúng tại Nhà hát thành phố. Thuở ấy, chị chưa tròn hai mươi, là thành viên tài sắc vẹn toàn của đoàn văn nghệ quận Bình Thạnh; còn anh đang là nhân viên của Sở Giao thông Vận tải, đi học về để đạo diễn cho phong trào văn nghệ cơ quan. So với những cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này, anh Huy hiền lành, ít nói chứ không hay nói lời ong bướm.
Ngày mới yêu, anh vẫn thường đèo chị trên chiếc xe đạp sườn ngang cũ kỹ, tiếng cười rớt lại sau lưng. Khúc khích. Và anh, đã chọn ở bên cạnh chị trong suốt hơn bốn mươi năm, từ ngày ấy đến giờ, lặng lẽ đón đưa chị đi diễn, ra phim trường, đi phỏng vấn, từ xe đạp đến lúc có xe máy.Chính cái tính đó của anh khiến chị rung động. "Hồi đó tôi và anh hay viết thư tay cho nhau, cứ qua lại như thế, đến một lúc nào đó tự dưng cảm thấy cần gặp nhau. Chúng tôi cùng tham gia phong trào văn nghệ ở Nhà văn hóa Thanh niên, cùng đi thăm bạn là thanh niên xung phong ở các nông trường" - Kim Xuân hồi tưởng.
"Nhớ lại thấy vui lắm, có thời điểm chồng tôi mua về nhà một chiếc Yamaha dành cho đàn ông, nhưng "chế biến" lại để tôi có thể sử dụng được, thành ra chiếc xe trông như "lưỡng tính". Anh ấy là dân kĩ thuật mà. Phải chăng là nên có những điều đó thì người ta mới cùng nhau "thấm" được mọi chuyện trong cuộc sống?" - mắt chị lấp lánh.
"Chưa bao giờ anh Huy nghĩ là sẽ cưới một người vợ là diễn viên, vì gia đình anh gốc Huế, gia giáo, cẩn trọng từng lời ăn tiếng nói. Trong khi đó, ba tôi - nghệ sĩ hài Vui Tươi còn sống, ông đã tán đồng ngay từ cái hôm đầu tiên tôi đưa anh về ra mắt gia đình. Má tôi lặng lẽ nhưng gật đầu đồng ý".
Hai năm yêu nhau, anh chị về chung một nhà. Tiệc cưới nghèo chỉ có bánh ngọt, nước trà. Tối mời họ hàng bữa tiệc mặn đơn sơ từ những món thực phẩm bà con mang từ quê lên phố.
"Tôi làm dâu người Huế nên được dạy nhiều thứ. Vất vả ở chỗ tôi làm công việc mà một gia đình người Huế khó chấp nhận ở con dâu. Một người phụ nữ đi đêm về hôm, sáng không dậy sớm được. Có những khi tôi đi tập ở đoàn kịch của Phước Sang, hai giờ sáng mới về, thử hỏi nhà nào chịu nổi cảnh đó. Phải lâu lắm, cha mẹ chồng tôi mới thông cảm, hiểu được cho tôi những nỗi khó khăn đó. Đến giờ, tôi hạnh phúc mỗi khi nghe mẹ chồng hay chị chồng nói với mọi người trong niềm tự hào: “Tôi là mẹ chồng, chị chồng của Kim Xuân” - chị bộc bạch.
2.19 tuổi, Kim Xuân được chấm vào đoàn Cửu Long - một trong những đoàn kịch uy tín nhất thập niên 80. 20 tuổi, chị có vai chính đầu tiên trong vở Tình ca của tác giả Ngô Y Linh, do NSƯT Út Bạch Lan vừa tốt nghiệp chuyên ngành đạo diễn ở Liên Xô về dàn dựng.
Từ đó, chị "bắt duyên" luôn vai chính trong hàng loạt vở diễn gây tiếng vang thời bấy giờ như: Cái bình cổ, Cô gái ngồi trên gốc cây gãy, Đôi bông tai, Tình yêu dành cho hai người, Ký ức,… Vai chính nhưng nghèo do đồng lương dở quá! Diễn suốt tuần, ngó tới ngó lui mà vẫn thiếu trước hụt sau.
Như nhiều nghệ sĩ cùng thời, vợ chồng Kim Xuân mở hiệu bán quần áo ngoài chợ kiếm thêm đồng ra đồng vào đắp đổi qua ngày. Hình ảnh một cô diễn viên chuyên đóng chính kịch và một ông biên kịch lẫy lừng thời đó ngồi bàn chuyện sân khấu, phim ảnh, kịch bản... giữa chợ đông người mua - kẻ bán và chuột chạy dưới chân khắc sâu vào ký ức Kim Xuân.
Được chẳng bao lâu, người ta mua chịu mà ai cũng nghèo, chị chẳng nỡ đòi nên cụt vốn! Thương chị, nhóm hài của nghệ sĩ Bảo Quốc rủ chị theo. "Anh em thương nên giúp để tôi không bỏ nghề thôi chứ tôi biết mình diễn hài như một bông hoa vậy.
Tôi nói với chồng: "Anh có biết không, cảm xúc của người diễn viên chỉ từ tiền mà không phải từ trái tim thì rất nguy hiểm. Lúc đó, anh không còn là người diễn viên nữa mà chỉ còn là người thợ diễn. Nếu diễn hài, thì em chỉ là một con vẹt mà thôi". Tôi biết mình không những cần phải sống, mà còn cần sự phong phú của tâm hồn", chị kể.
Vậy nên, khi tác giả Huỳnh Phúc Điền (sau này là đạo diễn) và đạo diễn Hồng Phúc tìm đến tận nhà mời Kim Xuân đóng vở Cõi tình, chị nhận lời ngay tức khắc vì "kịch bản ấn tượng" quá!
Vở có hai diễn viên chính (nhân vật nam do nghệ sĩ Minh Hoàng thủ diễn và một khách mời vai ông già là công nhân vệ sinh do nghệ sĩ Lê Bình đảm nhận), tính luôn đạo diễn và tác giả kịch bản là 5 người nhưng rinh đến 3 Huy chương Vàng tại Liên hoan Sân khấu toàn quốc tại Quảng Ninh. Sau hội diễn, sân khấu 5B được nhiều người biết tới hơn nhưng đời sống của diễn viên vẫn không mấy khả quan.
Vậy mà, Kim Xuân vẫn miệt mài bám sân khấu và tận hiến. Ngọn lửa được khơi cháy sáng hơn bao giờ hết, tiếp thêm niềm tin cho những ngọn lửa khác. Nhắc đến sân khấu 5B hay Idecaf, có lẽ không quá khi nói NSƯT Kim Xuân là một trong những hạt nhân cơ bản của 2 sân khấu này.
"Sau này tôi và chồng vẫn có những lúc không đồng quan điểm khi nhìn nhận sự việc, chẳng hạn khi tôi muốn tạm dừng đóng phim truyền hình, chồng cũng có ý phản đối nhưng anh vẫn tôn trọng và để tôi có thời gian chứng minh sự lựa chọn của mình", chị cho biết.
Kim Xuân bảo, nếu hỏi chị tiếc nhất điều gì thì câu trả lời của chị là chỉ có một người con. Nhưng biết làm sao được bởi hoàn cảnh túng thiếu khi đó khiến không riêng chị mà còn rất nhiều gia đình thời điểm ấy chọn lựa như vậy. Bậc làm cha làm mẹ nào cũng thường trực nỗi lo sợ con thiếu thốn.3.Giữa những lúc khó khăn của năm 1984, vợ chồng Kim Xuân quyết định có con. Huy Luân, cậu con trai duy nhất của anh chị sinh non nửa tháng vì bị nhau thai quấn cổ, bác sĩ bảo phải đợi thêm 5 năm nữa chị mới mang bầu lại được. Rồi công việc, rồi những khó khăn của cuộc sống cuốn đi miết khiến chị không nghĩ đến chuyện có con nữa.
Ngay như Kim Xuân, dù đã có con nhưng thời gian chị dành cho gia đình vẫn rất hiếm hoi. Chị thường xuyên xa nhà theo đoàn đi diễn, đi quay phim. Con trai chị giật mình tỉnh giấc, thấy dáng cha nhiều hơn bóng mẹ nên thường buồn: "Mẹ chẳng thương mình", "Mẹ yêu nghề hơn yêu mình".
Để an ủi con, ngày nào chị cũng gọi về ân cần hỏi han. Nếu quay gần như Long An, Long Hải, mỗi cuối tuần con không phải đi nhà trẻ, ông xã chị lại đèo con tà tà chạy ra thăm mẹ.
"Nhìn hai cha con vậy, thương lắm! Một gia đình như vậy không gì có thể đánh đổi được" - Kim Xuân chia sẻ!
Con trai chị càng lớn càng hiểu chuyện, thương mẹ nhiều hơn. Rồi như một đưa đẩy, cậu cũng bước chân vào nghệ thuật. Càng làm nghề, cậu càng ngưỡng mộ tình yêu và sức lao động miệt mài của mẹ dành cho nghề, cũng như thấm thía những khoảng thời gian quý báu mẹ chắt chiu cho cậu.
Bận rộn nhưng chưa bao giờ nghệ sĩ Kim Xuân lơ là việc gia đình. Chị luôn cố gắng tranh thủ thời gian, ngày trước là cho chồng cho con, hiện tại là cho gia đình lớn, trong đó có các cháu. Bởi chị thuộc mẫu người ngại nói lời hay ý đẹp. Thay vào đó, anh chị trở thành tấm gương phản chiếu để vợ chồng con lấy đó soi vào. Nền nếp, cẩn trọng, lịch thiệp trong giao tiếp và rất mực yêu thương gia đình.
Chị dành cho anh những lời trân trọng và trìu mến: "Anh Huy chưa bao giờ lớn tiếng với vợ con hoặc cằn nhằn khi gặp khó khăn. Tôi học ở anh cái tính chịu đựng, nhẫn nại. Tôi may mắn khi ông xã hiểu công việc của mình. Anh quan niệm nghề của tôi cũng bình thường như bao nghề khác. Nhưng anh cũng rất hiểu nỗi nhọc nhằn và biết cảm thông với vợ. Anh luôn chú ý giữ bầu không khí trong nhà yên tĩnh mỗi khi tôi đi quay về. Hoặc, tôi thích trồng hoa và ngắm cây cỏ, anh sẽ là người thay tôi chăm sóc chúng".
Tuy nhiên, nếu cuộc đời chỉ bằng phẳng trôi thì người ta chẳng thể thấm được hương vị của hạnh phúc. Như lúc mới yêu, những cuộc hôn nhân đến một giai đoạn nào đó cũng cần thử thách, cũng cần một chút sóng gió để thêm dư vị. Còn vị ngọt hay đắng, nồng đượm hay lạnh nhạt là tùy cách ứng xử của người trong cuộc để giữ gìn và bảo vệ gia đình bấy lâu đã dày công gầy dựng, vun đắp.
Theo Hoàng Linh Lan. ANTG