Khủng hoảng ngân hàng châu Âu có đi theo vết xe đổ của Mỹ?
Quốc tế - Ngày đăng : 06:30, 04/10/2016
Một cơn sóng gió mới đang ập đến đối với nền kinh tế thế giới, đó là cuộc khủng hoảng mà các ngân hàng châu Âu đang phải đối mặt ở thời điểm hiện tại. Sau khi một số ngân hàng lớn nhất ở Ý rơi vào tình trạng nguy kịch vì mất cân đối thanh khoản nghiêm trọng, thì đến lượt một trong những ngân hàng lớn nhất châu Âu là Deutsche Bank gặp sự cố.
Ngân hàng thuộc diện lớn nhất của Đức này đang được cho là tiệm cận một tình trạng nguy hiểm: kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh, giá cổ phiếu đang ở mức thấp nhất trong vòng 20 năm qua, giá trị vốn hóa bị đánh giá chỉ còn chưa đầy 20 tỉ USD và phải đối mặt khoản tiền phạt lên tới 14 tỉ USD mà Bộ Tư pháp Mỹ sắp công bố chính thức. Một sự sụp đổ của Deutsche Bank nếu xảy ra có thể xem như tương đương với sự sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers – nguồn cơn gây ra cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ và khủng hoảng kinh tế thế giới 2008. Cách đây 8 năm, người Mỹ đã kéo kinh tế thế giới vào khủng hoảng, và lần này liệu có đến lượt người Đức?
Những gì đang diễn ra với Deutsche Bank, một trong những ngân hàng lớn nhất nước Đức – nền kinh tế số một châu Âu, đang khiến cả thế giới phải ngỡ ngàng. Từ chỗ là tập đoàn ngân hàng lớn nhất nước Đức, có tổng tài sản trên sổ sách được định giá lên tới 1.800 tỉ euro (tương đương 2.000 tỉ USD và bằng một nửa quy mô của nền kinh tế Đức), nhưng giờ đây ngân hàng có vai trò sống còn với nền kinh tế Đức và Liên minh châu Âu (EU) này lại đang ở trong một tình thế hiểm nghèo. Mức nợ xấu tăng cao cùng lợi nhuận sụt giảm nghiêm trọng đang khiến Deutsche Bank đứng đầu danh sách các ngân hàng ở châu Âu có nguy cơ sụp đổ.
Cụ thể, ngân hàng này đã mất một nửa giá trị vốn hóa của mình chỉ trong giai đoạn từ đầu năm đến nay, cổ phiếu của Deutsche Bank đã giảm tổng cộng 45%, lợi nhuận trong quý 2/2016 sụt giảm tới 98%. Hồi tháng sáu năm nay, Qũy tiền tệ quốc tế (IMF) đã liệt Deutsche Bank vào diện những ngân hàng có nguy cơ lớn nhất trong nền kinh tế thế giới, và sự kiện mới nhất đang đẩy ngân hàng lớn nhất nước Đức xuống bùn đen là việc Bộ Tư pháp Mỹ đã yêu cầu trả 14 tỉ USD để dàn xếp vụ điều tra về chứng khoán đảm bảo bằng tài sản thế chấp trong giai đoạn 2005-2007.
Một sự sụp đổ của Deutsche Bank nếu xảy ra, được đánh giá là sẽ có tác động tương đương và thậm chí còn lớn hơn những gì mà sự sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers gây ra cách đây 8 năm. Việc ngân hàng Lehman Brothers tuyên bố phá sản vào giữa tháng 9.2008 với khoản nợ lên đến 613 tỉ USD được xem là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ và sau đó là cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới.
Trên thực tế, toàn bộ hệ thống ngân hàng Mỹ tại thời điểm đó đang gặp khủng hoảng nghiêm trọng về thanh khoản, ngoài Lehman Brothers thì khá nhiều các ngân hàng hàng đầu của Mỹ cũng gặp vấn đề như Bear Stearns với khoản tài sản lên tới 9.000 tỉ USD. Việc Lehman Brothers tuyên bố phá sản chỉ đóng vai trò như một sự khởi động cho chuỗi Domino đã được lập trình mà thôi.
Những gì đang xảy ra ở EU cũng gần tương tự như vậy. Trong vòng 7 tháng đầu năm 2016, giá cổ phiếu của các ngân hàng lớn nhất châu Âu đã sụt giảm tới 20%, lợi nhuận sụt giảm còn nợ xấu thì tăng cao chóng mặt. Điển hình là các ngân hàng Italia, khi tổng nợ xấu đã lên tới 198 tỉ euro, và nếu tính tất cả các khoản nợ khó đòi thì có lên mức 360 tỉ euro (tương đương 20% GDP của Italia), chiếm 1/3 tổng nợ xấu của các ngân hàng EU. UniCredit, ngân hàng lớn nhất Italia, có giá trị vốn hóa hiện chỉ còn khoảng 12 tỉ euro trong khi có tổng nợ xấu lên tới 51 tỉ euro.
Hai trong số các ngân hàng lớn nhất Italia là Vicenza và Siena đang ngấp nghé bờ vực phá sản. Một sự sụp đổ của Deutsche Bank nếu diễn ra có thể hoàn toàn khởi động cho một chuỗi Domino tới các ngân hàng lớn khác ở châu Âu, nhất là khi tầm ảnh hưởng của Deutsche Bank tới kinh tế châu Âu lớn hơn nhiều so với của Lehman Brothers với kinh tế Mỹ.
Hiện tại, nguy cơ là rất lớn nhưng giải pháp có thể cứu nguy cũng không hẳn là không có. Là ngân hàng lớn nhất của Đức đồng thời là một trong những ngân hàng chủ chốt tại EU, Deutsche Bank được đánh giá là có nhiều lợi thế và giải pháp hơn Lehman Brothers để giải nguy. Trước hết, các bảng cân đối tài chính của Deutsche Bank hiện nay không quá nguy ngập như Lehman Brothers cách đây 8 năm, các nguồn tài trợ cho ngân hàng của Đức cũng nhiều và đa dạng hơn, đảm bảo khả năng huy động tài chính trong trường hợp khẩn cấp lớn hơn. Ngoài ra, Deutsche Bank có một lợi thế rất lớn là quyền truy cập vào tài khoản cứu trợ khẩn cấp của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, và đây là điều mà Lehman Brothers đã không có vào giữa tháng 9.2008.
Ngoài ra, trong trường hợp tất cả các giải pháp trên không có tác dụng, vẫn còn một lá chắn cuối cùng là sự hỗ trợ và giải nguy của chính phủ Đức. Dù Bộ trưởng Tài chính Đức và một số nghị sĩ nước này đã tuyên bố sẽ không xem xét việc chấp nhận một gói cứu trợ cho Deutsche Bank ở thời điểm hiện tại, nhưng tuyên bố đó chỉ giữ vai trò như một thông điệp đảm bảo tình trạng sức khỏe của ngân hàng này chưa đến mức phải hỗ trợ mà thôi. Một sự sụp đổ của Deutsche Bank nếu xảy ra sẽ đồng nghĩa với một thảm họa cho kinh tế Đức nói riêng và EU nói chung, vì thế chẳng có lý do gì Berlin và Brussel lại có thể làm ngơ cả.
Nhàn Đàm (theo Bloomberg)