Vì sao NSND Thanh Tòng khóc nức nở trong đêm đăng quang của Quế Trân cách đây 20 năm?

Văn hóa - Ngày đăng : 06:00, 05/10/2016

Nhân sự “ra đi” về cõi vĩnh hằng của NSND Thanh Tòng vì bạo bệnh ở tuổi chưa già lắm đã gây xúc động cho giới nghệ sĩ sân khấu yêu thích loại hình cải lương tuồng cổ mà ông đã có công lớn đào tạo cho các thế hệ con cháu trong gia tộc mình được nổi danh đến ngày nay…

Tôi xin đăng tặng bạn đọc yêu mến ngành sân khấu cải lương tuồng cổ một bài báo cũ tôi viết lúc cháu Quế Trân đoạt Huy chương vàng giải Trần Hữu Trang gần 20 năm qua, lúc Thanh Tòng mới được Nhà nước phong tặng NSƯT để cảm nhận một nghệ sĩ vừa làm cha vừa làm thầy dạy con vì sao phải khóc nức nở lúc con mình đăng quang trên sân khấu. Nhưng tiếc lúc đó báo tôi cộng tác không có “đất rộng” để đăng bài báo này. Nay tôi muốn giới thiệu trên Tạp chí DDVN coi như nén tâm hương tưởng niệm NSND Thanh Tòng.

Có thể nói, tất cả khán giả của màn ảnh nhỏ Đài truyền hình TP.HCM khi xem buổi phát hình lại Lễ phát giải Trần Hữu Trang năm 98 - 99 tại Nhà hát Hòa Bình cho 2 diễn viên triển vọng đoạt giải Quế Trân và Hữu Quốc đều bị xúc động mạnh với sự xuất hiện hình ảnh của NSƯT Thanh Tòng ngồi ở hàng ghế giám khảo đã khóc nức nở, khóc ngon lành, kéo dài hàng chục phút… khi nhìn lên sân khấu thấy con gái mình là Quế Trân được hai người dẫn chương trình công bố đoạt Huy chương vàng với số điểm cao nhất. Thanh Tòng nhiều lần dùng tay gạt nước mắt, đè lên môi mình cho bớt run, bớt xúc động… Vừa để chia sẻ nỗi vui mừng của một người cha trong giờ đăng quang của con, vừa để tìm hiểu do đâu mà NSƯT Thanh Tòng không nén nổi xúc động của mình với niềm vui lớn đó…, khiến cho hàng triệu khán giả của màn ảnh truyền hình cũng bị xúc động lây… nên sáng ngày 22/4/1999, chúng tôi đã phỏng vấn Thanh Tòng qua điện thoại kéo dài hơn 15 phút.

Khóc vì nhiều nguyên nhân

Với giọng nói nhẹ nhàng ứng xử lưu loát, Thanh Tòng cho biết không riêng anh, mà tất cả người cha, người mẹ, người thân nhân nào của những diễn viên đoạt giải cũng phải rơi nước mắt vì quá mừng cho con cái mình đạt được đến giờ phút này. Có điều những giọt nước mắt của những bậc làm cha mẹ của các diễn viên đoạt giải trước Quế Trân, ống kính của máy truyền hình không phát hiện được đó thôi. Để nói về mình thì Thanh Tòng cho biết, sự xúc động mạnh đến phát khóc của anh hôm ấy có nhiều nguyên nhân: • Khóc vì nghệ thuật: Trước hết, Thanh Tòng cho biết: “Vì vừa là người cha, vừa là người thầy (đạo diễn) ngày đêm dẫn dắt cho con trên bước đường theo nghề nghiệp truyền thống của 5 đời trong gia đình, nên khi thấy con đạt được nghệ thuật ca diễn ngày nay, nhất là diễn “tròn vai” các lớp trên sân khấu trong ngày đăng quang của nó nên tôi phải khóc. • Khóc vì nghề nghiệp: Lý giải cho sự khóc “thoải mái” của mình trong nỗi mừng vui khi con được trao tặng Huy chương vàng giải Trần Hữu Trang, NSƯT Thanh Tòng cũng chua xót cho biết: “Cũng may, ngày nay trên cả nước đều có đài truyền hình - chuyển tải hình ảnh buổi lễ phát giải và các lớp diễn “báo cáo” tài năng của từng nghệ sĩ được đoạt giải cho công chúng cả nước xem, và giúp cho Ban giám khảo tránh được những tai tiếng “chọn người chưa tương xứng”.

Tuy nhiên, ai là cha mẹ thân nhân của các tài năng triển vọng đoạt giải Trần Hữu Trang từ những năm gần đây cũng cảm thấy buồn khi nghĩ đến tương lai của con cái mình sau ngày được lãnh giải thưởng của nghề nghiệp, đã không còn nhiều đoàn hát đua nhau đến mời ký hợp đồng để quảng cáo rầm rộ trên báo chí nhằm nâng tầm mức cuốn hút khán giả đến xem đoàn hát vừa có huy chương vàng như thời các anh, chị: Thanh Nga, Ngọc Giàu, Thanh Thanh Hoa, Tấn Tài, Bạch Tuyết, Thanh Tú, Thanh Sang, Lệ Thủy… Nếu ngày nay môi trường sân khấu còn được hoạt động rộng rãi, tuồng tích dồi dào cộng với phương tiện hiện đại phổ biến hình ảnh tài năng trẻ ngày nay chắc chắn sẽ đủ sức kế thừa và thay thế được lớp nghệ sĩ tài danh của giải Thanh Tâm trong 2 thập niên 50 - 60, khi thế hệ nghệ sĩ này đã không còn thích hợp ở các vai trẻ nữa…”.

Khóc vì truyền thống gia đình: Nhắc lại truyền thống gia đình trong 5 đời đi theo nghề ca hát, Thanh Tòng cho biết bà cố của anh là nữ nghệ sĩ Vĩnh Xuân, ông nội của anh là nghệ sĩ Hai Thắng (Bầu Thắng), cha của anh là nghệ sĩ Minh Tơ. Lấy từ cái mốc của đời mình (đời thứ tư) trở về trước, Thanh Tòng kể về cách “truyền nghề” cho con cái của 3 đời tổ phụ như sau: “Từ bà cố, ông nội đến cha ngày xưa đều dạy nghề cho con cháu bằng… rầy la, mắng chửi, roi đòn. Đêm nào ra sân khấu hát “hư vai” thì kể như sau đêm hát đó người con, người cháu hát hỏng vai ấy sẽ bị nát đòn, nhẹ lắm cũng bị chửi mắng - theo quan niệm “Dạy con cho roi cho vọt”.

Nhớ lại lời kể của cha, nhớ lại những lần bị đòn, bị mắng chửi vì vai hát “chưa đạt”, chỉ vì sợ khán giả chê mà cha mẹ phải “hành hạ” con mình với lòng mong muốn cho con cái mau được trưởng thành trong nghề nghiệp mà tôi tủi thân nên càng khóc nhiều. Giá như ông cha mình mà còn sống đến ngày nay để nhìn con cháu được bước lên đài vinh quang của nghề nghiệp, tên tuổi được vang danh cả nước bằng những huy chương, giải thưởng, bằng khen khích lệ chứ không phải bằng roi đòn… thì sẽ thấy lại sự “bất công” của mình, của một người nghệ sĩ thời tiền bối dành cho thế hệ con cháu. Và chắc chắn rằng các ông bà sẽ còn khóc nhiều hơn tôi khi thấy xã hội đất nước ngày nay vẫn dành cho giới nghệ sĩ sự tôn trọng và ưu ái lớn lao nhằm để bảo tồn cho một bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc đã hình thành ngót một thế kỷ qua - dầu hiện trạng của nghề hát xướng nhìn chung vẫn còn nhiều bi quan và khó khăn để vực cho nó trở lại thời vàng son…”.

Huỳnh Công Minh / Duyên dáng Việt Nam

DDVN