Đừng đem con ra biện hộ cho việc không dám ly hôn!
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 17:09, 09/10/2016
Ngay cả khi trò chuyện với những đứa con, nhiều người không khỏi thương hại cháu bé ra mặt: “Tội nghiệp con! Bố mẹ mày thật là vô tâm!”.
Tôi nghĩ, nếu gọi là “nghĩ cho con” thì phải nghĩ ngay từ khi mới lấy nhau, khi vừa ốm nghén, khi chăm con, nuôi con cơ. Nếu xác định đủ bố đủ mẹ sẽ tốt cho con thì phải đi học cách lắng nghe nhau, cách chấp nhận nhau, cách dung hòa để cho con một cuộc sống bình an và êm ấm, chứ không phải chỉ đơn giản là níu giữ cho con 1 tờ giấy đăng ký kết hôn của ba mẹ.
Nhà bạn tôi, ba mẹ bất hòa nhiều chục năm nay, từ nhỏ cô bạn đã thường chứng kiến bố mẹ mình cãi nhau, đánh nhau ầm ĩlàng trên xóm dưới. Hàng xóm láng giềng tới xem vòng trong vòng ngoài. Ông giữ tiền lương của ông, bà giữ tiền của bà, có hai đứa con, mỗi người xí một đứa. Ở cùng nhà nhưng suốt mấy chục năm toàn ăn riêng, ngủ riêng.
Hai đứa con được biến thành hai họng súng để ông bà chĩa vào nhau. Ông nói xấu bà với con, bà gièm pha, lôi đủ chuyện thâm cung bí sử của ông ra chứng minh cho con thấy rằng ông là hạng người xấu xa, vô trách nhiệm.
Rồi ông kéo bạn đi rình mẹ bạn ngoại tình. Rồi mẹ kéo bạn lên cơ quan bố, tới nhà sếp để kể, để kiện, cho họ thấy chồng đã tệ bạc, bỉ ổi thế nào. Bạn thành nhân chứng sống, là khán thính giả bất đắc dĩ giữa hai chiến tuyến. Bố bạn thì chì chiết bạn: “Rồi mày lại khốn nạn giống mẹ mày thôi!”.
Lúc nào về nhà là bạn cũng dỏng tai lên cảnh giác, sợ ba mẹ lại cãi cọ, rồi to tiếng dần lên, rồi xáp lá cà. Rồi những ngôn từ xấu xí nhất, những chuyện riêng tư kín đáo nhất bị vung ra đám đông. Nhưng hai ông bà không ly dị. Dứt khoát là không ly dị. Vì lý do, cho con có đủ bố đủ mẹ!
Bạn ghét từ đọc báo tới xem tivi, bạn ghét tất cả những hình quảng cáo gia đình tình cảm, dịu dàng. Họ đang giả vờ đấy. Đừng tin. Báo chí đang bốc phét đấy. Sau màn hình họ cũng nghiến răng trèo trẹo rồi ném bụp bát cơm vào mặt nhau đấy!
Tôi vẫn nhớ nguyên cảm giác bàng hoàng, đau xót trong vụ em Phan Minh Mẫn giết cha. Mẹ em cắn răng chịu đựng cho chồng bạo hành bao nhiêu năm giờ khóc ròng ân hận vì cái vỏ bọc hôn nhân chị cố níu giữ đã đẩy con chị vào tội giết người.
Nhiều người vợ sống khổ sở cả đời, nhưng cứ suốt ngày kêu vì con cái, vì danh dự, vì không muốn làm cha mẹ buồn.
Người xưa cũng đã dạy: Không biết thương mình thì trời tru đất diệt. Trên máy bay, bạn luôn luôn được hướng dẫn lúc ứng xử với sự cố: “Nếu bạn đi cùng em bé, khi có sự cố bạn phải đeo mặt nạ cho mình trước, rồi mới đeo cho em bé”. Điều này là khoa học, vì nếu bạn không còn sống thì em bé cũng rất khó để cứu được.
Con cái cần ba mẹ là dĩ nhiên, nhưng là cần ba mẹ tử tế và yêu thương nhau, còn nếu ba mẹ đang hủy hoại nhau, bầu không khí trong nhà mỗi ngày một ô nhiễm, thì tốt nhất là chia tay nhau đi!
Một cuộc hôn nhân đổ vỡ, cũng như phần cơ thể đã bị hoại tử, cắt thì đau, rồi sau đó mang tiếng què cụt, thì buồn, nhưng mà cứ để như vậy, mang tiếng đủ đầy mà đau đớn khôn nguôi, làm di căn ảnh hưởng cả tới những bộ phận đang lành lặn khác.
Trên tất cả, chính mình chứ không ai khác, bạn có nghĩa vụ và trách nhiệm tự thiết kế cuộc đời mình. Đừng lôi con cái hay cha mẹ hay dư luận ra để biện hộ cho việc không dám ly dị hay phải sống chung để chịu đựng mụ vợ/ gã chồng. Ly hôn vì mưu cầu một cuộc sống lành mạnh hơn, tốt đẹp hơn, đó cũng là hành động hướng thiện.
Tôi không ủng hộ gian lận ngay trong nhà mình, không đồng tình hạnh phúc dối trá. Tôi nghĩ, bằng những cách ứng xử đàng hoàng, sòng phẳng với cuộc đời mình, bạn chính là đã và đang dạy con bài học lớn nhất.
Thu Hà/ Trí thức trẻ