Chuyện vui buồn của những nghệ sĩ già trong trung tâm dưỡng lão

Văn hóa - Ngày đăng : 11:33, 05/10/2016

Trong tâm thức người Việt Nam, việc phụng dưỡng cha mẹ để thể hiện chữ hiếu, lòng biết ơn công lao dưỡng dục, sinh thành đã trở thành một đạo hiếu ngàn đời bất di bất dịch. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, nhiều người già luôn thấy lạc lõng giữa cuộc sống hối hả khi con cháu họ luôn phải tất tả ngược xuôi với công việc, học hành.

Có những cụ già tâm sự rằng họ cảm thấy cô đơn chính trong ngôi nhà của mình. Cũng có nhiều cụ ốm đau, bệnh tật, tai biến... mà ở nhà không có người chăm sóc... Vì nhiều lý do ấy, họ đã chọn phương án tối ưu là vào sống cùng cộng đồng những người đồng cảnh ngộ trong các trung tâm chăm sóc người cao tuổi.

Nhân dịp kỉ niệm 25 năm ngày Quốc tế Người cao tuổi (1/10/1991 - 1/10/2016), với mong muốn mang đến cho công chúng một góc nhìn chân thực về cuộc sống của người già, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Trung tâm chăm sóc người cao tuổi Bách Niên Thiên Đức tổ chức triển lãm "Chuyện tuổi già".

Thật là tuổi già chẳng chừa một ai. Chúng tôi đã gặp lại những gương mặt quen thuộc của điện ảnh nước nhà một thời vang bóng: Nghệ sĩ Trần Phương, Lịch Du và Tuệ Minh, họ là những diễn viên học cùng nhau tại lớp diễn viên điện ảnh khóa I (1959-1962).


Nghệ sĩ ưu tú Lịch Du thời trẻ


Trong câu chuyện nửa đùa, nửa thật, nhà thơ Vũ Quần Phương chia sẻ rằng, ông cũng phải tham quan dần mô hình trung tâm dưỡng lão, bởi vì ông và vợ, dù đang sống trong một ngôi nhà cao rộng, đủ đầy, các con quan tâm hỏi han chu đáo. Nhưng có một thực tế là các con ông hiện đang định cư ở Mỹ và họ chưa biết có trở về Việt Nam hay không, thì mô hình dưỡng lão để ông và vợ hướng tới có khi lại phù hợp trong điều kiện hoàn cảnh già yếu, không có người chăm sóc.Từ nhân vật trong những bức hình được triển lãm, chúng tôi tìm về Trung tâm chăm sóc người cao tuổi Bách Niên Thiên Đức. Đi cùng tôi là hai nhà thơ nổi tiếng Vũ Quần Phương và Phan Thị Thanh Nhàn.

Tại Trung tâm ở Đông Ngạc - Từ Liêm, NSND Tuệ Minh, 82 tuổi, ngồi trên chiếc xe lăn. Trước khi vào trung tâm dưỡng lão, bà bị một trận tai biến khá nặng.

Bà vốn là diễn viên của Đoàn văn công Trung ương từ năm 15 tuổi trong vai trò là một diễn viên kịch, hát chèo và múa. Bà có giọng nói mượt mà, biểu cảm, trẻ trung, nên được Xưởng phim Việt Nam tuyển làm công việc lồng tiếng. Nhưng dường như con người diễn viên trong bà vẫn thổn thức, khao khát, nên bà đã có cơ hội để có được vai diễn nhỏ trong bộ phim "Chung một dòng sông".Với tuổi tác và ốm đau, không dễ dàng nhận ra gương mặt người diễn viên nổi tiếng một thời với những vai diễn như chị Thơm trong "Một ngày đầu thu" (đạo diễn Huy Vân, Hải Ninh); chị Y trong "Nguyễn Văn Trỗi" (đạo diễn Bùi Đình Hạc); Hương trong "Vợ chồng anh Lực" (đạo diễn Trần Vũ); Thương trong "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm" (đạo diễn Hải Ninh); chị bán gạo trong "Em bé Hà Nội" (đạo diễn Hải Ninh); Xơ Xuyên trong "Ngày lễ thánh" (đạo diễn Bạch Diệp)...

Sau này, khi đã nổi tiếng với nhiều vai diễn chính, nghệ sĩ Tuệ Minh chia sẻ rằng, bà vẫn không quên được ấn tượng của cái "vai không thành vai" ấy khi bà hăng hái chạy trên cánh đồng khô nứt nẻ, ngã lên ngã xuống dưới ánh nắng chói chang...

Sau này, bà được nhiều người trong giới văn chương biết đến với tư cách là người vợ đảm đang, hiền thục của nhà văn Nguyễn Đình Thi. Thời còn mạnh khỏe, bà đã chia sẻ với báo chí về cuộc gặp gỡ với nhà văn Nguyễn Đình Thi: "Tôi và nhà văn Nguyễn Đình Thi gặp nhau từ trong kháng chiến chống Pháp. Anh Thi gửi bà mẹ vợ và 2 con nhỏ mồ côi mẹ cho đoàn tôi, khi anh đi chiến dịch Điện Biên Phủ.

Tôi coi anh Thi như một người anh cả. Chính anh Thi đã gả chồng cho tôi, một người chồng có học, tử tế, có tâm hồn nghệ sĩ... Sau này, khi tôi và anh Thi đã sống cùng nhau, anh đã thổ lộ, anh mến em ngay từ trong kháng chiến, nhưng anh cảm thấy mình không có quyền tỏ tình với em vì em còn trẻ quá, còn anh thì góa vợ, lại có thêm mấy đứa con nữa... Anh Thi là một ông anh tốt, chân thành. Và tôi tin tưởng anh. Anh đã tâm sự với tôi bao điều.

Nghệ sĩ Đức Lưu (trái) tới thăm nghệ sĩ Tuệ Minh ở trung tâm dưỡng lão.
                

Chuyện anh yêu ai, vì sao anh lấy vợ, vì sao anh đã sống như thế... Tôi chỉ thấy thương cho ông anh mình. Lúc đó, tôi chưa có khái niệm anh Thi là một người tài. Tôi thương anh bằng tình cảm của một cô em gái. Tôi nghĩ về anh ấy như về một người đàn ông trông có vẻ vững vàng trong mọi chuyện nhưng hóa ra lại có nhiều nỗi niềm đến thế. Mà phải nói rằng, anh Thi là một người rất dịu dàng... Anh Thi bao giờ trò chuyện với tôi cũng rất nhỏ nhẹ. Có lần, anh hỏi tôi: "Em đã đọc Kiều chưa?". Tôi đỏ mặt trả lời: "Chưa ạ". Anh bảo: "Ấy chết, em phải đọc Kiều đi chứ".

Thế là tôi tìm "Truyện Kiều" đọc, anh mình đã bảo thì mình phải làm, không lần sau gặp, biết nói với anh thế nào! Anh ấy là một người chồng mà khi còn sống, tôi chưa cảm thấy hết được tất cả tình cảm của anh ấy. Chỉ khi anh ấy qua đời rồi, tôi mới cảm nhận được hết tôi đã bị mất một điều to lớn thiêng liêng thế nào. Tôi cảm thấy một nỗi thiếu hụt khủng khiếp và đau đớn. Tôi cứ nghĩ, giá người chết đi là mình chứ không phải anh thì có lẽ mình sẽ dễ chịu hơn...".

Sau khi nhà thơ Nguyễn Đình Thi mất, NSND Tuệ Minh ở với hai người con gái của mình. Hiện nay, người con gái thứ nhất vẫn ở cùng bà, nhưng người con gái thứ hai thì đang ở Pháp. Ngày bà bị tai biến, bà vẫn ở trong căn phòng của mình, có người giúp việc trông nom, nhưng rồi thấy mẹ buồn, cô đơn, sức khỏe càng ngày càng yếu hơn nên người con gái thứ hai đã trở về Việt Nam và đưa mẹ vào sống trong trung tâm dưỡng lão để có người chăm sóc về mọi mặt được đủ đầy.

Ngày mới vào trại, bà không nói được gì, mắt không mở ra được, gầy gò ốm yếu. Nhưng hôm nay, khi chúng tôi vào thăm, bà đã nói chuyện dù được rất ít, chậm rãi và phải rất lắng nghe mới hiểu được những từ ngữ phát âm của bà. Dù không nói được nhưng bà còn nhớ được hết tất cả những bạn bè đến thăm. Khi tôi hỏi bà có thích bài thơ nào mà nhà thơ Nguyễn Đình Thi làm tặng không, bà gật đầu nói nhỏ nhẹ: "Có, bài Nhớ em".

Cũng có ảnh trong cuộc triển lãm này, là NSND Trần Phương. Ông mới vào Trung tâm dưỡng lão Bách Niên Thiên Đức được vài tháng. NSND Trần Phương nổi tiếng với các vai diễn như A Phủ trong "Vợ chồng A Phủ" (đạo diễn Mai Lộc, Hoàng Thái); Khoa trong "Chị Tư Hậu" (đạo diễn Phạm Kỳ Nam); Đoàn trong "Bình minh trên rẻo cao" (đạo diễn Trần Đắc); Anh Lực trong "Chuyện vợ chồng anh Lực" (đạo diễn Trần Vũ); Cán bộ an ninh trong bộ phim của chính mình đạo diễn "Săn bắt cướp"...

Trong câu chuyện từng kể với báo chí, NSND Trần Phương đã chia sẻ: "Tôi sinh ra trong một gia đình nhà quê, bố làm thợ may, mẹ buôn bán ở chợ Thái Nguyên. Điện ảnh là một cái gì đó thật xa vời. Tôi may mắn được anh ruột của anh Phạm Duy là cụ Phạm Duy Nhượng, là thầy giáo văn hóa của tôi. Ông cụ cũng lãng mạn lắm. Ông mê sân khấu, tổ chức những buổi biểu diễn, và cho tôi làm diễn viên, như vở "Lưu Bình - Dương Lễ". Rồi làm quen dần với nghệ thuật sân khấu. Sau này, tôi được cụ Thế Lữ dạy về sân khấu và được ở gần với các cụ, tôi học được ở các cụ rất nhiều điều. Thế Lữ là người dạy tôi rất nhiều, rồi tự mày mò, học hành mà tìm ra. Làm phim cũng giống như cuộc đời, phải sống với nó và nó ngấm vào máu mình lúc nào không biết. Rồi tôi đi theo cách mạng, Thái Nguyên giải phóng, con trai Thái Nguyên đi làm thợ".

"Số tôi rất may, tôi lại được làm thợ tiện cho ông Trần Đại Nghĩa, ông ấy luôn có những ý nghĩ rất lạ lùng. Tôi hỏi ông: “Bác đi Đức, đi Pháp, bác thấy những người thợ bên đó giỏi thế nào?”. Ông (Trần Đại Nghĩa) hóm hỉnh: “Không có ai giỏi bằng cháu đâu! Số tôi may thế, làm ở lĩnh vực nào cũng được gặp những người nổi tiếng...”.

Rồi do một lần bất cẩn, tôi bị cụt ngón tay, không làm thợ được nữa, chuyển qua bộ đội, vào Phòng Chính trị khu 1, lại ở chung với Hội Văn nghệ Trung ương, tôi được gặp nhà thơ Tố Hữu và được mời làm thư ký cho ông. Làm phim cũng giống như cuộc đời, phải sống với nó và nó ngấm vào máu mình lúc nào không biết. Đi làm phim, tôi chỉ nghĩ, mình phải sống như thật.

Chính cụ Nguyễn Tuân đã dạy tôi bài học đầu tiên về đóng phim. Cụ ở Tây Bắc về, gặp nhau ở ngã ba Tuần Giáo. Biết tôi đóng A Phủ, cụ hỏi, cậu hiểu thằng A Phủ thế nào? Lúc đó tôi cũng hơi lý thuyết. Cụ cười, cậu đóng phim phải hiểu A Phủ sống thế nào, sinh hoạt ra sao, đi chơi thế nào. Sau đó, tôi sống cùng với người Mông, hiểu phong tục, tập quán của họ, lăn lộn cả năm trời.

Do vậy, tôi mới rút được kinh nghiệm, làm nghệ thuật phải sống với đời, từ đó phả vào nghệ thuật, như thế nghệ thuật mới không giả dối. Rồi sau này, vào vai chồng chị Tư Hậu, năm 1962, tôi chưa biết gì về miền Nam, nên lặn lội với bộ đội tập kết, và vào vai cũng rất Nam Bộ. Mình cứ sống, tìm hiểu đời sống nó phả vào mình rồi trả lại cho nghệ thuật từng vai diễn".

Được biết, NSND Trần Phương có vài người con, nhưng vì những điều kiện, lý do khác nhau, họ không thể chăm sóc bố nên khi thuyết phục ông đồng ý, họ đã đưa NSND Trần Phương đến sống ở trung tâm dưỡng lão để các y tá, điều dưỡng chăm sóc ông đúng theo quy định sức khỏe tuổi già.

Tôi có cuộc trao đổi với chị Trần Phương Thúy, con gái của NSND Trần Phương, chị là đạo diễn phim tài liệu, đã nghỉ hưu. Chị cho biết, ông bị nhiều bệnh, huyết áp, tiểu đường nhưng ở nhà vì con cái không cận kề bên cạnh nên ông thường ăn uống thất thường và không khoa học. Ở nhà vắng người nên chị cũng lo lắng nếu ông có bị làm sao thì không có ai giúp đỡ kịp thời, chuyện gì cũng có thể xảy ra. Sau nhiều lần tìm hiểu và cũng đã từng làm phim về trung tâm chăm sóc người cao tuổi, nên chị tìm đến đây.

Khu ở của NSND Trần Phương còn có NSƯT Lịch Du, người nổi tiếng với những vai diễn như vợ ông Ruôn trong phim "Bình minh trên rẻo cao" (đạo diễn Trần Đắc); vợ Vệ trong “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm" (đạo diễn Hải Ninh); Luông Chăn trong phim "Hai người mẹ" (đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi)...

Cách đây 4 năm, NSƯT Lịch Du đã từng đến sống một thời gian tại trung tâm chăm sóc người cao tuổi, nhưng rồi nhớ nhà, bà lại trở về sống một mình cô đơn. Chồng bà mất đã lâu, bà có một người con gái thì chị đang định cư ở nước ngoài. Bà sống một mình với tuổi già sẽ có nhiều điều bất lợi cho sức khỏe, tuổi tác, nên người con gái đã quyết định đưa mẹ lên trở lại trung tâm dưỡng lão để bà được chăm sóc chu đáo hơn.

Mỗi cuộc đời ở trung tâm dưỡng lão đều có những câu chuyện kể khác nhau. Có buồn, vui, có bất hạnh, có cô đơn, đau khổ... Những nghệ sĩ nổi tiếng được bạn bè tới thăm, hỏi han, chuyện trò, nhưng có những người gần như sống đơn độc trong mái nhà này chỉ có những y tá điều dưỡng hàng ngày chăm sóc. Âu cũng là cái lẽ cuộc đời.

Triển lãm ảnh "Chuyện tuổi già" bằng phương pháp tiếp cận nhân học và photovoice (trao máy ảnh cho nhân vật), những câu chuyện đời thực về cuộc sống của người già được thể hiện qua 3 chủ đề: Ước mơ; Tâm sự tuổi già; Nơi cuộc sống mới bắt đầu sẽ kể lại bằng hình ảnh những tâm sự về niềm vui, hạnh phúc, nỗi buồn và sự cô đơn của các cụ già sống tại Trung tâm chăm sóc người cao tuổi Bách Niên Thiên Đức - nơi Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam chọn để nghiên cứu.

33 người cao tuổi được lựa chọn để họ tự kể câu chuyện về đời mình với những ước mơ và tâm sự của tuổi xế chiều. Những tâm sự giản dị ấy chất chứa những giá trị sống để người xem lắng nghe, suy ngẫm, để ít nhiều rút ra những bài học, những kinh nghiệm cho chính mình.

Theo Trần Hoàng Thiên Kim/ANTG

bai cao