Nhà máy thép bên sông Vu Gia: Quảng Nam trấn an, Đà Nẵng lo ngại

Sự kiện - Ngày đăng : 16:53, 09/10/2016

Tỉnh Quảng Nam vừa có công văn gửi Bộ TT-TT khẳng định dự án nhà máy thép Việt Pháp đang có chủ trương cho đặt ở đầu thượng nguồn sông Vu Gia không ô nhiễm như Formosa Hà Tĩnh. Trong khi đó, thay mặt nhân dân và chính quyền Đà Nẵng, chủ tịch thành phố này đã có công văn gửi tỉnh Quảng Nam bày tỏ quan ngại về dự án ấy.
          

Chính quyền khẳng định ô nhiễm "nằm trong giới hạn cho phép"

Nhà máy thép Việt Pháp đang hoạt động tại Cụm công nghiệp (CCN) Thương Tín (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) được Sở KH-ĐT tỉnh này cấp giấy đăng ký kinh doanh ngày 25.8.2009. UBND tỉnh Quảng Nam cấp giấy chứng nhận đầu tư thời hạn 50 năm từ năm 2011. Thời gian xây dựng từ năm 2010 đến cuối năm 2011; từ 2012 đến nay, nhà máy đi vào hoạt động.

Công nghệ chủ yếu của nhà máy là lò cảm ứng trung tần (hoạt động bằng nguồn điện). Nguyên liệu sản xuất ra phôi thép là 100% sắt phế liệu + phụ gia; công suất 48.000 tấn/năm.

Theo UBND TX.Điện Bàn, nhà máy sản xuất thép Việt Pháp tại CCN Thương Tín là một trong số 12 cơ sở thuộc đối tượng di dời trên địa bàn thị xã. Trong thời gian qua, người dân xung quanh khu vực vực CCN Thương Tín phản đối nhà máy này gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự khu vực và hoạt động sản xuất của nhà máy.

Theo kế hoạch di dời nhà máy do Công ty Thép Việt Pháp đưa ra có đề nghị nhà nước hỗ trợ nguồn kinh phí gần 124 tỉ đồng thì mới có điều kiện tổ chức thực hiện. Với số tiền đề nghị hỗ trợ nêu trên, UBND TX.Điện Bàn cho hay không có khả năng về ngân sách để bồi thường, hỗ trợ di dời.

Hiện nay, theo đề nghị của Công ty Thép Việt Pháp, UBND huyện Nam Giang, Ban Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp (UBND tỉnh Quảng Nam) đã có chủ trương cho phép nghiên cứu đầu tư xây dựng nhà máy luyện cán thép Việt Pháp tại thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang; khu vực đầu nguồn sông Vu Gia, chảy về TP.Đà Nẵng.

Tỉnh Quảng Nam cho rằng nhà máy này hoạt động trong khu dân cư nên gây ra ô nhiễm về tiếng ồn. Sở TN-MT tỉnh nhiều lần lấy mẫu khí thải để phân tích, kết quả là "các thông số đều nằm trong giới hạn cho phép".

Do đó, ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam mới đây đã có công văn gửi Bộ Thông tin - Truyền thông khẳng định dự án được đầu tư tại thôn Hoa chủ yếu sản xuất các loại phôi thép dùng nguyên liệu là sắt thép phế liệu để nấu, không sử dụng quặng và than cốc. Do đó, "so sánh việc ô nhiễm môi trường giữa nhà máy luyện cán thép Việt Pháp với Formosa Hà Tĩnh và Formosa Đồng Nai là không có cơ sở, nên đã dẫn đến hiểu lầm về mức độ ô nhiễm của nhà máy luyện cán thép Việt Pháp".

Đà Nẵng lo ngại

Trong một diễn biến khác, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng vừa có công văn gửi UBND tỉnh Quảng Nam bày tỏ sự quan ngại về dự án nhà máy thép trên sông Vu Gia này.

Ông Thơ cho hay, qua phản ảnh của các cơ quan thông tấn báo chí, UBND TP.Đà Nẵng được biết UBND tỉnh Quảng Nam đã đồng ý chủ trương cho phép đầu tư Dự án nhà máy luyện cán thép Việt Pháp quy mô 180.000 tấn/năm tại thôn Hoa (thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang) thuộc lưu vực sông Vu Gia, con sông hiện cung cấp khoảng 250.000m3 nước/ngày đêm cho nhà máy nước Cầu Đỏ (TP.Đà Nẵng), chiếm 99% nhu cầu nước sạch tại Đà Nẵng.

Chính quyền và nhân dân Đà Nẵng hết sức quan ngại việc UBND tỉnh Quảng Nam cho phép đầu tư dự án nói trên tại vị trí nhạy cảm đầu nguồn nước của lưu vực sông Vu Gia bởi sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nguồn nước cấp sinh hoạt cho Đà Nẵng.

Theo nội dung tại khoản 4, phần IV, mục A Kết luận số 26-KL/TUQN-TUĐN ngày 27.4.2016 giữa Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam và Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về nội dung hợp tác, hỗ trợ giữa tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng trong thời gian sắp tới thì: “Các dự án phát triển kinh tế - xã hội có tác động đến nguồn nước lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn phải được xem xét, lấy ý kiến của hai địa phương và các cơ quan trung ương có liên quan”.

Vì vậy, UBND TP.Đà Nẵng đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam cung cấp, chia sẻ các thông tin liên quan đến dự án, đặc biệt ảnh hưởng của dự án đến môi trường lưu vực sông Vu Gia để có cơ sở giải thích cho nhân dân TP.Đà Nẵng được biết.

Lê Đình Dũng

   

Lê Đình Dũng