Giải Nobel Kinh tế 2016: Chiếc phong vũ biểu mang tên 'Hợp đồng'

Quốc tế - Ngày đăng : 08:55, 11/10/2016

Khác với hầu hết các giải thưởng Nobel trong các lĩnh vực còn lại, giải Nobel Kinh tế không chỉ mang ý nghĩa là một thành tựu đột phá trong một lĩnh vực, mà nó còn đóng vai trò những chiếc phong vũ biểu báo hiệu những xu hướng và tình trạng của nền kinh tế toàn cầu ở thời điểm hiện tại hoặc trong tương lai gần. Và năm nay, chiếc phong vũ biểu đó mang cái tên “Hợp đồng”.

Một sự kiện quan trọng đối với lĩnh vực kinh tế, cả về khía cạnh nghiên cứu học thuật lẫn ứng dụng thực tế, đó là việc giải Nobel Kinh tế 2016 đã có chủ. Theo đó, giải thưởng danh giá trong lĩnh vực kinh tế năm nay đã được Viện Hàn lâm khoa học hoàng gia Thụy Điển trao cho hai cá nhân là giáo sư Oliver Hart của Đại học Harvard và giáo sư Bengt Holmstrom của Viện công nghệ Massachusetts (MIT) với những đóng góp quý báu cho lý thuyết về hợp đồng.

Khác với hầu hết các giải thưởng Nobel trong các lĩnh vực còn lại, giải Nobel Kinh tế không chỉ mang ý nghĩa là một thành tựu đột phá trong một lĩnh vực, mà nó còn đóng vai trò những chiếc phong vũ biểu báo hiệu những xu hướng và tình trạng của nền kinh tế toàn cầu ở thời điểm hiện tại hoặc trong tương lai gần. Và năm nay, chiếc phong vũ biểu đó mang cái tên “Hợp đồng”.

Một điểm chung của các giải Nobel Kinh tế trong những năm qua, đó là hầu hết những công trình giành được giải thưởng danh giá này đều có tính ứng dụng rất cao trong thực tế, khi mà các tác giả đều hướng nghiên cứu của mình đến việc giải quyết các vấn đề nóng đang hiện hữu trong nền kinh tế thế giới. Hầu hết các học giả đạt giải Nobel Kinh tế đều là các nhà kinh tế chủ trương ứng dụng các lý thuyết của mình tới gần hơn quá trình hoạch định chính sách của những chính phủ trên khắp thế giới, điển hình như ilton Friedman, James Tobin, Paul Krugman hay Von Hayek.

Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, những công trình giành được giải thưởng này ngoài việc đưa ra những lý thuyết mới mang tính đột phá, thì còn có xu hướng mang tính giải pháp cho các vấn đề mang tính toàn cầu trên khía cạnh kinh tế. Năm 2015, công trình nghiên cứu về phân tích tiêu dùng, nghèo đói và trợ cấp xã hội của giáo sư Angus Deaton đến từ Đại học Princeton giành được giải Nobel Kinh tế trong một năm mà thế giới bị chao đảo bởi những cuộc di cư khổng lồ giữa các châu lục. Nguyên nhân của việc nàykhông chỉ xuất phát từ tình trạng chiến tranh và bất ổn, mà còn vì khoảng cách giàu nghèo đang ngày càng lan ra rộng hơn trên khắp hành tinh.

Cuốn sách thuộc diện nổi tiếng nhất của giáo sư Deaton là “The Great Escape” (Cuộc đào thoát vĩ đại) có nội dung chủ đạo là vẽ nên bức tranh toàn cảnh của tình trạng chênh lệch giàu nghèo, còn trong nghiên cứu giành giải Nobel của mình vị giáo sư này cũng chỉ ra rằng yếu tố then chốt nhất để xóa đói nghèo trên thế giới thì trước hết phải hiểu bản chất của nó một cách rõ ràng nhất. Không hiểu rõ bản chất của đói nghèo, sẽ không thể giải quyết nó một cách tận gốc, và vì thế cũng sẽ không thể chấm dứt nguyên nhân gây ra những cuộc di cư khổng lồ trên thế giới.

Những nghiên cứu về lý thuyết hợp đồng của hai đồng tác giả nhận được giải thưởng Nobel Kinh tế năm nay cũng tương tự như vậy. Nền kinh tế toàn cầu được cấu tạo bởi các hợp đồng, các nền kinh tế hiện đại được gắn kết với nhau bởi các hợp đồng, vì thế nghiên cứu mang tính căn bản và cốt lõi về hợp đồng sẽ giúp nền kinh tế thế giới vận hành tốt hơn. Đặc biệt là trong bối cảnh một xu hướng mới đang xuất hiện trong nền kinh tế thế giới là việc thiết lập các hiệp định thương mại tự do quy mô lớn.

Năm 2016 được xem là điểm mốc bắt đầu cho xu hướng mới ấy, khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được ký kết và chỉ còn chờ được các nước thành viên thông qua. Nó là điểm khởi đầu cho một loạt các hiệp định thương mại tự do lớn khác như TTIP, RCEP...Thế giới trong tương lai gần sẽ được gắn kết bởi các hiệp định thương mại tự do, và nó được kỳ vọng sẽ tái định hình nền kinh tế toàn cầu theo một cách mới.

Những công cụ lý thuyết mới do hai giáo sư Hart và Holmstrom thiết lập vì thế sẽ có giá trị rất lớn trong việc hiểu các hợp đồng và tổ chức trong thực tế, cũng như các cạm bẫy tiềm năng trong thiết kế hợp đồng. Đâyvốn là điều đặc biệt cần thiết khi các nền kinh tế đang tiến vào một tương lai nơi các hiệp định thương mại – vốn dĩ là những hợp đồng quy mô cực lớn – có hiệu lực mang tính chi phối.

Nó đồng thời cũng giúp những nền kinh tế đang có cái nhìn tương đối kỳ thị với vấn đề thương mại tự do bớt lo ngại hơn về những cạm bẫy có thể gặp phải và tự tin hơn khi có ý định tham gia. Sự ác cảm với TPP ở Mỹ hiện nay một phần lớn xuất phát từ những tác động không mấy tích cực với nền kinh tế do các hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và với Trung Quốc gây ra. Công trình đạt giải Nobel Kinh tế của hai giáo sư đến từ hai trường đại học Mỹ vì thế có thể sẽ cung cấp cho xã hội Mỹ một cái nhìn khác tích cực hơn về vấn đề này.

Trên thực tế, công trình nghiên cứu về lý thuyết hợp đồng của hai giáo sư Oliver Hart và Bengt Holmstrom đã được thực hiện từ những năm 1970, với mục đích giúp các công ty thiết kế các hợp đồng bồi thường cho người lao động. Nó được mở rộng phạm vi trên nhiều lĩnh vực khác sau đó như quản trị doanh nghiệp và cả hoạch định chính sách của các chính phủ. Nhưng chỉ đến khi thế giới đang chuẩn bị bước vào một thời kỳ mới với các hiệp định thương mại mang tính toàn cầu xuất hiện ngày càng nhiều, thì các lý thuyết về hợp đồng mới bắt đầu chứng tỏ vai trò cực kỳ hữu dụng của nó. Ngoài việc cung cấp một công cụ hữu dụng cho các vấn đề thương mại quốc tế, thì lý thuyết hợp đồng của Hart và Holmstrom cũng được kỳ vọng sẽ cải thiện mạnh mẽ các vấn đề nội tại trong mỗi nền kinh tế, như những quyết định của các chính phủ và khu vực kinh tế tư nhân, nơi hợp đồng đóng vai trò nền tảng cho việc vận hành.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg/The Saigon Times, CafeF)

Nhàn Đàm