ADB cho Việt Nam vay 4,3 tỉ USD để phát triển giai đoạn 2017-2019
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 15:53, 11/10/2016
Thông tin trên được nêu ra trong buổi họp báo công bố Chiến lược đối tác quốc gia 2016-2020 nhằm hỗ trợ Việt Nam thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 5 năm tới của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), diễn ra vào sáng 11.10.
Hàng loạt thách thức
Các chuyên gia của ADB nhận xét rằng Việt Nam đã đạt được những thành tựu kinh tế - xã hội ấn tượng, có những tiến bộ nhanh chóng trong giảm nghèo và nâng cao chất lượng y tế và giáo dục. Tuy nhiên, Việt Nam cần phát triển nền kinh tế thị trường năng động hơn, có khả năng cạnh tranh trên toàn cầu và mang lại tăng trưởng bền vững và công bằng.
Một số vấn đề của Việt Nam hiện nay được ADB chỉ ra là năng suất thấp và phân bổ nguồn lực không hiệu quả, bất bình đẳng trong tiếp cận cơ sở hạ tầng và dịch vụ xã hội có chất lượng…
Cùng với đó, Việt Nam cũng đang bắt đầu phải đối mặt với hàng loạt thách thức mới và phức tạp hơn như sử dụng tài nguyên không bền vững và biến đổi khí hậu, tăng trưởng đang gây thiệt hại về môi trường, giảm dần dân số trong độ tuổi lao động, đồng thời các nhóm nghèo vẫn còn tồn tại, đặc biệt là ở vùng sâuvùng xa, vùng nông thôn.
Trong khi đó, mục tiêu tăng trưởng của Việt Nam được dự đoán là không đạt. Chỉ còn vài tháng nữa là kết thúc năm 2016, tình hình chắc chắn sẽ không có gì thay đổi.
Nói về vấn đề tăng tưởng, ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam cho biếtquan trọng nhất không phải là tốc độ tăng trưởng mà là sự ổn định trong tăng trưởng.
“Nhiều quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh sau một thời gian sẽ chững lại, những quốc gia này có nhiều “vấn đề” hơn so với những quốc gia tăng trưởng ổn định, bền vững. Quan trọng là tốc độ tăng trưởng không cao nhưng duy trì ổn định, tăng trưởng mà không để kinh tế rơi vào tình trạng quá nóng mới là điều cần quan tâm” - ông Eric Sidgwick nói.
Bên cạnh đó, nợ công của Việt Nam đang tăng nhanh cũng là thách thức không nhỏ. Ông Aaron Batten, chuyên gia của ADB lại đưa ra gợi ý để Việt Nam có thêm nguồn ngân sách để phát triển. Theo vị chuyên gia này, Việt Nam vẫn còn dư địa để nguồn thu từ thuế tăng lên.
Vị chuyên gia nóiViệt Nam không cần phải tăng thuế suất hay áp dụng các loại thuế mới mà hãy tăng thêm các diện thu thuế. Rà soát kỹxem các đối tượng trong diện đóng thuế đã đóng đủ hay chưa, nhất là các doanh nghiệp lớn. Cùng với đó là giảm bớt diện miễn thuế vì càng ít người đóng thuế thì số thuế phải đóng của mỗi người sẽ cao hơn.
“Hãy nhìn vào các biện pháp miễn thuế xem nó ảnh hưởng đến ngân sách như thế nào và rà soát xem có cần thiết hay không” – ông Aaron Batten cho biết.
Theo vị chuyên gia này, Việt Nam cũng cần giảm chi thường xuyên, chú trọng vào hiệu quả của chi đầu tư để nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách.
Một vấn đề đau đầu khác của Việt Nam là nợ xấu. Các chuyên gia của ADB cũng thẳng thắn chỉ ra rằng nợ xấu đã đưa về VAMC và chỉ nằm ở đó chứ chưa xử lý được. Vấn đề là phải giải quyết được nợ xấu này chứ không phải để ở đó là xong.
Theo đó, các ngân hàng thương mại trong tời gian tới cần thực hiện tiêu chuẩn về an toàn vốn, phân loại và quản lý các khoản vay một cách hiệu quả hơn. Cần có nhiều hơn những thay đôi về hành lang pháp ý để xử lý nợ xấu ở VAMC.
“Để thực hiện được điều đó, Việt Nam cần không khoan nhượng với tham nhũng. Tiền của ADB không phải là của chúng tôi mà là của các quốc gia cổ đông nên chúng tôi phải giải trình từng khoản chi. Do đó, nếu phát hiện các doanh nghiệp vay vốn phía Việt Nam tham nhũng thì chúng tôi sẽ dừng hợp tác với doanh nghiệp đó”- Aaron Batten nói.
Cho vay 4,3 tỉ USD
Để giúp Chính phủ Việt Nam giải quyết những thách thức này, ADB sẽ hỗ trợ những khoản đầu tư nhằm đạt được 3 trụ cột chiến lược: Thúc đẩy tạo việc làm và khả năng cạnh tranh; tăng cường cơ sở hạ tầng và cung cấp dịch vụ đồng đều hơn; cải cách tính bền vững môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu.
Vì lý do Việt Nam chuyển đổi từ quốc gia có thu nhập trung bình thấp sang quốc gia có thu nhập trung bình đòi hỏi những cải thiện về hiệu quả chi tiêu công và đầu tư nhiều hơn cho khu vực tư nhân, ADB sẽ hỗ trợ cả 2 vấn đề này, giúp tăng quy mô đầu tư của khu vực tư nhân thông qua phương thức hợp tác công -tư, đồng thời tăng cường tiếp cận kiến thức và công nghệ mới.
“Chia sẻ trithức sẽ đóng vai trò quan trọng trong chiến lược mới của ADB dành cho Việt Nam, với trọng tâm là tăng cường môi trường thuận lợi cho kinh doanh, thúc đẩy minh bạch tài khóa và trách nhiệm giải trình của khu vực công” – ông Eric Sidgwick nhấn mạnh thêm.
Cụ thể, về nguồn lực dự kiến cho chiến lược mới, ADB đề xuất cho Việt Nam vay 4,3 tỉ USD trong giai đoạn 2017-2019 từ nguồn cho vay ưu đãi và nguồn cho vay thông thường của ADB.
Theo đó, ADB sẽ duy trì mức cho vay chính phủ khoảng 1 tỉ USD mỗi năm, hỗ trợ kỹ thuật và viện trợ không hoàn lại khoảng 5-7 triệu USD mỗi năm; đồng tài trợ từ các đối tác phát triển và các quỹ khí hậu khoảng 1,4 tỉ USD. Đồng thời, ADB huy động sự hỗ trợ lớn hơn từ các quỹ khí hậu toàn cầu.
Hoàng Long