FTA Việt Nam - Liên minh kinh tế Á-Âu: Đừng quên bài học AEC
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 14:40, 13/10/2016
Một sự kiện khá quan trọng diễn ra trong nền kinh tế những ngày gần đây là việc Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) chính thức có hiệu lực từ ngày 5.10, theo đó mở toang cánh cửa tiếp cận với một trong những thị trường lớn nhất thế giới cho các doanh nghiệp Việt Nam. FTA Việt Nam - EAEU vì thế được kỳ vọng sẽ trở thành đòn bẩy cho tăng trưởng của nền kinh tế khi thị trường EAEU (bao gồm 5 nước thành viên là Nga, Belarus, Kazakhstan, Kyrgystan và Armenia) có dân số lên tới 192 triệu người và tổng GDP lên tới 2.200 tỉ USD, và Việt Nam thì có lợi thế quan trọng là một trong những nước đầu tiên ký FTA với liên minh kinh tế mới được thiết lập này. Tuy nhiên, bất chấp những lợi thế khá lớn mà FTA với EAEU đem lại cũng như tiềm năng lớn của nó, thực tếFTA Việt Nam - EAEU được đánh giá là có nhiều trở ngại hơn hẳn so với một số thỏa thuận thương mại Việt Nam đã ký kết và có hiệu lực trước đó, mà Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) là ví dụ điển hình. Khi chúng ta còn chưa thắng được trên thị trường sân nhà, thì đừng quá kỳ vọng về một chiến thắng ở thị trường quá xa xôi.
Về lý thuyết, FTA mà Việt Nam ký kết với EAEU là một FTA song phương thế hệ mới, được đánh giá có nhiều điểm tích cực vượt trội so với các FTA thế hệ cũ. Điều này thể hiện khá rõ ở những quy định chủ chốt như thuế quan cho hàng hóa xuất khẩu, và xét theo tiêu chí này thì FTA với EAEU có vẻ như đang đem lại rất nhiều thuận lợi cho hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này. Theo số liệu thống kê trong báo cáo của Bộ Công Thương, ngay khi hiệp định có hiệu lực vào ngày 5.10, gần 60% dòng thuế hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang EAEU sẽ được đưa về 0%, trong đó có nhiều mặt hàng chủ lực của chúng ta như dệt may có thuế suất 15% nay được đưa về 0%, tương tự là với các mặt hàng như da giày, thủy hải sản chế biến, các sản phẩm nhựa... Ngoài gần 60% dòng thuế được bỏ ngay cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, thì 25% dòng thuế khác sẽ được xóa bỏ theo lộ trình, 13% khác nằm trong nhóm không cam kết.
Mức độ cắt giảm thuế mạnh mẽ (hầu hết các dòng thuế được bỏ đều đưa về mức 0%) và trên phạm vi rộng như vậy (gần 60% dòng thuế sẽ được bãi bỏ) được kỳ vọng sẽ thúc đẩy kim ngạch thương mại hai chiều tăng lên đột biến. Theo tính toán của Ủy ban Kinh tế Á-Âu, việc thành lập khu vực thương mại tự do giữa Liên minh kinh tế Á-Âu với Việt Nam có thể làm tăng kim ngạch song phương từ mức 4 tỉ USD hiện nay lên mức 8-10 tỉ USD trong tương lai (theo CafeF). Tác động thúc đẩy trao đổi thương mại sẽ càng lớn, nhất là khi Việt Nam là một trong những nước đầu tiên ký FTA thế hệ mới với EAEU, đồng nghĩa với việc có nhiều cơ hội để chiếm lĩnh thị trường giàu tiềm năng này.
Tuy nhiên, bất kể những lợi thế đáng kể đó, thì FTA với EAEU được đánh giá là khó khăn cho Việt Nam hơn nhiều so với hầu hết các FTA khác mà chúng ta đã ký kết trong thời gian vừa qua (một số đã có hiệu lực). Trước hết, dù được coi là một FTA thế hệ mới, nhưng ngoài vấn đề giảm thuế thì FTA Việt Nam - EAEU lại có rất nhiều điểm không thuận lợi như các FTA thế hệ mới khác, gây khó dễ và cản trở đáng kể cho phía Việt Nam. Điển hình nhất là chứng nhận xuất xứ cho các sản phẩm xuất khẩu, thay vì doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ mà một số FTA thế hệ mới gần đây có xu hướng sử dụng, thì EAEU lại quy định áp dụng quy trình chứng nhận xuất xứ qua một cơ quan có thẩm quyền do Nhà nước quy định – một đặc điểm thường được các FTA thế hệ cũ sử dụng. Ngoài ra còn hàng loạt các rào cản phi thuế quan khác được đánh giá là gây trở ngại đáng kể cho hàng hóa của Việt Nam, như quy định “áp dụng biện pháp phòng vệ ngưỡng” đối với 180 dòng thuế (vừa đặt ngưỡng giới hạn về số lượng hàng nhập khẩu, lại vừa là một động thái phòng vệ thương mại) được đánh giá là rào cản lớn cho hàng hóa nhập khẩu. Và đáng chú ý nhất là trong danh sách các mặt hàng bị áp dụng biện pháp phòng vệ ngưỡng khó chịu này, lại có những sản phẩm chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, đồ gỗ. Gạo không nằm trong danh sách này nhưng lại bị giới hạn số lượng, chỉ được xuất khẩu tối đa 10.000 tấn/năm (theo The Saigon Times) – một con số quá thấp.
Ngoài những khó khăn về nội dung các quy định của FTA, còn vô số các trở ngại khách quan khác đang chờ đợi doanh nghiệp Việt Nam nếu họmuốn tiếp cận thị trường EAEU. Điển hình nhất là khoảng cách địa lý quá lớn khiến cho chi phí và thời gian vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam sang thị trường này bị đội lên rất nhiều. So với các nước có thỏa thuận thương mại với EAEU như Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc và gần nhất là Nhật Bản, thì Việt Nam thua kém khá xa về mọi mặt trong việc xâm nhập, cạnh tranh tại thị trường 5 nước thành viên của Liên minh kinh tế Á-Âu này. Không những khoảng cách địa lý từ các quốc gia trên đến EAEU gần hơn, thuận tiện vận chuyển hơn, mà hàng hóa của những nước này cũng có tính cạnh tranh cao hơn vì hầu hết có nền kinh tế phát triển hơn so với Việt Nam, nhất là khi thị trường các nước EAEU từ trước đến nay lại không phải là thị trường truyền thống và tiềm năng nhất với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Sẽ dễ dàng hơn trong việc hình dung ra những khó khăn mà Việt Nam sẽ phải đối mặt khi FTA với EAEU có hiệu lực, đó là so sánh với một thỏa thuận thương mại khác có hiệu lực trước đó: Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) có hiệu lực từ đầu năm 2016. So với EAEU, AEC rõ ràng là một thỏa thuận thương mại có nhiều thuận lợi hơn rất nhiều cho Việt Nam, thị trường đông dân hơn, tiềm năng hơn, khoảng cách địa lý ngắn và sự tương đồng về văn hóa và sản phẩm hàng hóa. Nhưng kể từ khi AEC có hiệu lực đến nay đã gần 1 năm,hiện Việt Nam vẫn chưa thể coi là đã giành được ưu thế với các nước trong khu vực được, thậm chí tình hình đang trở nên tệ hơn khi mức nhập siêu từ ASEAN của chúng ta đang tăng lên đáng báo động.
Một thỏa thuận thương mại thuận lợi ngay tại khu vực được xem là sân nhà như AEC Việt Nam còn không thắng nổi, thì khó có thể kỳ vọng nhiều vào một FTA đầy khó khăn và bất trắc với một thị trường xa xôi cách chúng ta hàng ngàn dặm. Mọi thỏa thuận thương mại đều có lợi ích trên giấy, chỉ có thiệt hại là thật. FTA với EAEU có thể là một cơ hội, nhưng chỉ có thể tận dụng được nó nếu như Việt Nam không quên bài học với AEC.
Nhàn Đàm