Mang nợ hàng tỉ đồng vì… sáng chế
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 14:27, 12/10/2016
Gian nan thương mại hóa sản phẩm
Xuất phát từ chính đời sống lao động, các nhà sáng chế không chuyên đã cho ra đời nhiều sản phẩm máy móc phục vụ đắc lực cho thực tiễn sản xuất. Trong đó, không ít sáng kiến, sáng chế đã được cấp văn bằng bảo hộ và có lượng tiêu thụ nhất định. Tuy nhiên, như đốm lửa lóe sáng rồi vụttắt, hầu hết những nhà sáng chế gặp phải vô số rào cản trong việc thương mại hóa sản phẩm của mình.
Chia sẻ với báo điện tử Một Thế Giới, ông Nguyễn Hữu Trọng (Tây Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội), tác giả của sáng chế giúp tiết kiệm 40% nhiên liệu cho xe máy cho biết hiện đang lao đao trong hàng tỉ đồng nợ nần vì đầu tư cho sáng chế này nhưng không thể thương mại hóa được sản phẩm của mình.
Sáng chế của ông Trọng hoạt động với nguyên lý dùng nguồn nhiệt của ống xả để bắt ngược lên sấy nóng xăng trước khi xăng vào buồng đốt, xăng được sấy nóng khi hóa hơi sẽ cháy hoàn toàn. Qua nhiều lần thử nghiệm, thiết bị của ông Trọng có thể giúp xe máy đi 100km chỉ hết 1 lít xăng. Thiết bị đã được cấp bằng sáng chế độc quyền tại Cục sở hữu trí tuệ năm 2010 và ông đã sáng chế luôn dây chuyền sản xuất thiệt bị này.
Mất khoảng 7 năm với hàng tỉ đồng vay mượn để đầu tư, mày mò sáng chế dây chuyền sản xuất, đến khi được cấp bằng sáng chế nhưng không thương mại hóa được sản phẩm, xưởng sản xuất đành đắp chiếu, phủ bụi trong sự cay đắng của người thợ máy tài hoa…
“Tiền đó toàn là vay mượn bạn bè, anh em, chứ nếu vay ngân hàng thì chắc không sống nổi đến giờ. Thỉnh thoảng vẫn có người đến lắp thiết bị, có người lắp đến cái thứ 3 và rất khen, nhưng rồi cũng không vực dậy được” – ông Trọng nói.
Không chỉ ông Trọng, ông Vũ Hồng Khánh (Hải Phòng) nổi danh một thời vì chiếc ô tô chạy bằng nước lã từ Hải Phòng lên Hà Nội cũng đành gác lại giấc mơ thương mại hóa sản phẩm, dù nhiều đối tác nước ngoài đặt vấn đề chuyển giao. Do đó, những sáng chếchứa bao tâm huyếtvà tiền bạccủa ông Khánh cũng đành nằm phủ bụi.
Ông Trọng, ông Khánhchỉ là ví dụ nhỏ trong rất nhiều nhà sáng chế không chuyên gặp khó khăn trong việc thương mại hóa sản phẩm của mình. Hầu hết các nhà sáng chế đều cho rằng khó khăn nằm ở việc chứng nhận bản quyền, nguồn vốn và chuyển giao công nghệ, định giá sản phẩm. Dù hàng năm đều có các hội chợ, triển lãm cho những nhà sáng chế không chuyên tham gia nhưng điều này chưa đủ để đưa sản phẩm phổ biến ra thị trường.
Rõ ràng, cơ quan chức năng cần có nhiều giải pháp hơn nữa để tạo điều kiện cho các nhà sáng chế không chuyên có cơ hội phát triển sản phẩm của mình, làm giàu bằng chính sáng chế đó và thúc đẩy khát khao sáng tạo trong nhân dân.
Về vấn đề này, cơ quan chức năng cũng như giới chuyên gia đã nhiều lần lên tiếng và lời khuyên cho các nhà sáng chế là cần không ngừng hoàn thiện sản phẩm để đạt được hiệu quả sử dụng cao nhất, tiện lợi nhất và có giá thành cạnh tranh nhất có thể. Sau đó, các nhà sáng chế có thể tìm kiếm, hợp tác với doanh nghiệp để huy động vốn, nguồn lực khác phát triển sản phẩm của mình gắn với thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, để làm theo được lời khuyên này là điều không hề đơn giản đối với các nhà sáng chế.
Cần tư duy như một doanh nhân
Ở một góc độ khác, anh Nguyễn Hải Châu,nhà sáng chế và cải tiến máy nông nghiệp đã thương mại hóa thành công sản phẩm trong nhiều năm nay,cho rằngtrong số những “Nhà sáng chế không chuyên” mà truyền thông và xã hội Việt Nam đang vinh danh có rất ít những người thật sự là nhà sáng chế (inventor). Họ mới chỉ là “người cải tiến” (innovator).
Theo anh Châu, nhà sáng chế phải là người có sản phẩm được cấp bằng sáng chế. Mà sản phẩm được cấp bằng phải có các tiêu chuẩn bảo hộ sáng chế như: có tính mới so với trình độ kỹ thuật trên thế giới, có trình độ sáng tạo, và có khả năng áp dụng công nghiệp…
Nhiều trường hợp, theo anh Châu, cơ quan cấp phép tra cứu thấy sản phẩm đó không có tính mới so với các sản phẩm khác. Nghĩa là sản phẩm đó mới chỉ ở mức độ cải tiến, nên không được cấp bằng bảo hộ sáng chế. Vậy là sản phẩm hữu ích đó không được pháp luật bảo vệ bản quyền và rất dễ bị làm theo. “Nhà sáng chế nghiệp dư” nếu không có hệ thống kinh doanh đủ mạnh thì sản phẩm dễ mất vào tay đối thủ cạnh tranh.
“Dù là nhà sáng chế thực sự thì tỷ lệ thành công trên thị trường cũng rất nhỏ, khó thương mại hóa. Bởi vì sản phẩm mới đạt yếu tố về công dụng, kỹ thuật còn về thương mại thì chưa” – anh Châu nói.
Lý giải cho điều này, anh Châu cho rằng, nếu tác giả đặt giá thương mại quá thấp không đủ chi phí của kênh phân phối, marketing, hấp dẫn các nhà đầu tư tài chính… Còn đặt giá quá cao thìtriệt tiêu lợi thế cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại…
Một điều khốc liệt hơn nữa, nếu giá cao do sản phẩm mới rất hữu íchvẫn nhiều khách mua thì lại thúc đẩy đối thủ cạnh tranh lao vào nghiên cứu đưa ra các sản phẩm có tính năng tương tự nhưng không vi phạm bằng sáng chế. Đa số đối thủ của các nhà sáng chế nghiệp dư là các công ty lớn có rất nhiều lợi thế, nên sẽ bóp chết sản phẩm của nhà sáng chế nghiệp dư trong thời gian rất ngắn.
“Theo tôi, để các sản phẩm của các nhà sáng chế nghiệp dư thành công thì trong thời gian đợi cấp bằng sáng chế, nhà sáng chế cần nghiên cứu tìm đối tác để phát triển thương mại hoá sản phẩm. Vẫn phải giữ được bí quyết chính của công nghệ, nhưng vẫn phải cung cấp cho đối tác các thông tin về sản phẩm cần hợp tác phát triển” – anh Châu nói.
Bên cạnh đó, anh Châu cho rằng phải tìm được đối tác có thế mạnh về kinh doanh đúng nhóm sản phẩm đã sáng chế. Đặc biệt cần nghiên cứu thị trường, phân tích thế mạnh, yếu của đối tác để đàm phán giá trị góp vốn của sản phẩm sáng chế.
Một điều quan trọng khác, nếu nhà sáng chế thấy có thể tự kinh doanh sản phẩm của mình thì cần tự học về kinh doanh, học về khởi nghiệp, tìm mời các nhân viên có kiến thức kinh nghiệm về các lĩnh vực nhà sáng chế chưa có như marketing, tài chính kế toán, quản trị sản xuất, quản trị kinh doanh… Thực sự số nhà sáng chế nghiệp dư tự kinh doanh thành công rất ít vì tư duy về kỹ thuật khác xa tư duy về kinh doanh.
Hoàng Long