Thủ tướng: ‘Chấm dứt kiểu tư duy khai thác tài nguyên và lao động giá rẻ’

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 05:15, 13/10/2016

Tại buổi lễ phát động phong trào thi đua “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập - phát triển” tối 11.10, Thủ tướng cho biết Chính phủ đang quyết liệt tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Thủ tướng cho rằng không thể tiếp tục tư duy cách làm cũ, chỉ phát triển dựa trên khai thác tài nguyên thiên nhiên, hay lao động giá rẻ.

Cải cách thể chế là thách thức lớn nhất

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định doanh nghiệp là bộ phận quan trọng tạo ra của cải cho xã hội, tạo ra việc làm và sự thịnh vượng của quốc gia. Hiện nay, Việt Nam ngày càng có nhiều doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu mang thương hiệu Việt đến với thế giới.

Thủ tướng cho biết sẽ phấn đấu đến năm 2020 cả nước có trên một triệu doanh nghiệp và không chỉ tăng lên về số lượng, mà chất lượng hoạt động của doanh nghiệp cũng phải được cải thiện mạnh mẽ. Bởi vì Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới, đòi hỏi nền kinh tế phải có một bước chuyển căn bản về chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh để hội nhập thành công và phát triển bền vững.

Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đánh giá cao tinh thần và quyết tâm của Chính phủ cũng như những nỗ lực của Chính phủ trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, bà Lan cũng nêu ra nhiều thách thức Việt Nam phải đối mặt trong thời gian tới.

Theo bà Lan, trong hàng loạt thách thức đang gặp phải, bà Lan cho rằng thách thức về cải cách thể chế là lớn nhất, là trọng tâm, là điều bức thiết nhất cần thay đổi trong thời gian tới. Trong thể chế thì bao gồm cả các quy định, cả bộ máy nhà nước và các cơ quan liên quan. Cần phải đổi mới để hoạt động cho hiệu quả, phải thực sự vì dân.

Bà Lan cho rằngnhững rào cản cho việc cải cách đã được nêu ra rất nhiều như lợi ích nhóm, tham nhũng… Đã xác định được thách thức thì phải thay đổi và phải thay đổi từ cấp cao nhất. Các nhà lãnh đạo phảitạo được cơ hội thuận lợi cho người dân, cho doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi chứ không chỉ yêu cầu doanh nghiệp nhạy bén, nâng cao khả năng cạnh tranh.

3 đồng hành, 5 hỗ trợ doanh nghiệp

Nói tại buổi lễ, Thủ tướng cũng cho biết Chính phủ đang quyết liệt tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Thủ tướng cho rằng không thể tiếp tục tư duy cách làm cũ, chỉ phát triển dựa trên khai thác tài nguyên thiên nhiên, hay lao động giá rẻ.

“Việt Nam cần phát triển với trình độ cao hơn, bước lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đó là sự phát triển chủ yếu dựa trên sự đổi mới sáng tạo, dựa trên công nghệ tiên tiến và năng suất cao. Để làm được điều này, các doanh nghiệp Việt Nam phải đóng vai trò nòng cốt. Để cụ thể hóa chủ trương này của Chính phủ, tôi đề nghị các bộ, ngành,địa phương trong cả nước thực hiện ‘3 đồng hành, 5 hỗ trợ’ đối với doanh nghiệp”, Thủ tướng yêu cầu.

Theo đó, “3 đồng hành” là đồng hành đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh; đồng hành trong hoàn thiện thể chế, pháp luật,bảo đảm công khai, minh bạch, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp; đồng hành và thực hiện tốt cơ chế đối thoại, tham vấn ý kiến của doanh nghiệp, nhất là trong quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, phát triển kinh tế vùng và địa phương.

“Năm hỗ trợ” là: Hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động; hỗ trợ tạo môi trường thuận lợi, bảo đảm quyền kinh doanh bình đẳng, tiếp cận nguồn lực và cơ hội; hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn với doanh nghiệp; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực.

Việt Nam là “Quốc gia khởi nghiệp”

Tại buổi lễ, Thủ tướng cũng cam kết sẽ lắng nghe doanh nghiệp nhiều hơn, đồng thời kêu gọi mỗi doanh nghiệp, doanh nhân hãy phát huy tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, chung sức, đồng lòng, đoàn kết, thể hiện bản lĩnh chính trị, bản lĩnh trí tuệ để phát triển cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh.

Đáp lại lời kêu gọi này, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cam kết sẽ triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của phong trào thi đua yêu nước mà Thủ tướng đã giao là phải đoàn kết, hợp tác, đổi mới, sáng tạo, phải tuân thủ luật pháp, phải liêm chính, thực hiện đầy đủ trách nhiệm xã hội và văn hóa kinh doanh”.

Đồng thời ông Lộc cũng cho rằng 4 nhiệm vụ này như là 4 trụ cột của ngôi nhà doanh nghiệp, 4 động cơ để đoàn tàu doanh nghiệp Việt Nam vững tiến tới mục tiêu đất nước có trên 1 triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả vào năm 2020. Còn hiện tại, năm 2016 sẽ là năm đầu tiên mà số lượng doanh nghiệp thành lập mới ở Việt Nam vượt ngưỡng 100.000 doanh nghiệp.

Ông Lộc cũng thông tin rằng, mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu, một tổ chức có các thành viên từ 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, đã bình chọn và quyết định trao giải thưởng quốc gia khởi nghiệp năm 2016 cho Việt Nam. Đây là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế cho những nỗ lực xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam mà Thủ tướng và Chính phủ là người thắp lửa.

Tuy nhiên, ông Lộc cho rằng việc truyền ngọn lửa này tới mọi cấp chính quyền để sức nóng, sự thôi thúc của cải cách đến được chị văn thư, anh bảo vệ ở chốn công quyền, nơi cơ sở là không dễ dàng.

“Chúng tôi, cộng đồng doanh nghiệp Việt Namnhận thức sâu sắc rằng tạo việc làm cho người lao động là sứ mệnh cao cả của mình trước Tổ quốc. Chúng tôi rất mong cả hệ thống chính trị sẽ hậu thuẫn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện sứ mệnh này”, ông Vũ Tiến Lộc nói.

Ông Vũ Tiến Lộc cũng kiến nghị, lấy tiêu chí giải quyết công ăn việc làm là chỉ tiêu chủ yếu đánh giá đóng góp của doanh nhân đối với đất nước, để có thể phong cho họ các danh hiệu dũng sĩ, anh hùng. Nếu doanh nghiệp tạo được 10 việc làm đàng hoàng cho người lao động thì cấp xã nên ghi nhận, nếu tạo 100 việc làm thì cấp huyện tôn vinh, 1.000 việc làm thì tỉnh tôn vinh, ghi nhận. Tạo 10.000 việc làm đàng hoàng thì Thủ tướng và Chính phủ tôn vinh họ là những dũng sĩ, anh hùng.

Hoàng Long

Trí Lâm