Doanh nghiệp có thực sự là trung tâm của đổi mới?

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 15:30, 15/10/2016

Tuyên bố nhấn mạnh vai trò doanh nghiệp là trung tâm đổi mới của Tổng bí thư là một sự kiện quan trọng. Vì để thực sự làm được điều đó, cần quyết tâm của cả hệ thống chính trị thay vì chỉ tập trung vào những nỗ lực đơn độc của Thủ tướng Chính phủ như hiện nay.

Một điểm rất đáng chú ý trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII của Tổng bí thư ngày 14.10, đó là việc nhấn mạnh vai trò và tầm quan trọng của tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó coi doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới (theo The Saigon Times). Đây có thể xem như lần đầu tiên vai trò mang tính sống còn của doanh nghiệp trong nền kinh tế được người đứng đầu hệ thống chính trị đề cập rõ ràng như vậy, khi trong những Nghị quyết trước đó doanh nghiệp và kinh tế tư nhân mới chỉ dừng lại ở mức “động lực quan trọng của nền kinh tế” mà thôi.

Về nhiều khía cạnh, tuyên bố này của Tổng bí thư có sức nặng và tầm ảnh hưởng hơn khá nhiều so với quyết tâm hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ, vì nó có sức tác động tới toàn bộ hệ thống chính trị. Vì một thực tế là không chỉ nhiều bộ ngành trong chính phủ, mà còn không ít các cơ quan Nhà nước khác hiện nay có lẽ vẫn chưa thực sự coi doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới.

Một thực tế khá dễ dàng đểnhận ra ở thời điểm hiện tại, đó là dường như những nỗ lực cải cách nền kinh tế và hỗ trợ doanh nghiệp đang là những cố gắng đơn độc của một mình Thủ tướng Chính phủ. Dù cũng đã đưa ra một số biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, nhưng phần lớn các bộ ngành vẫn đang chưa thực sự coi đó là nhiệm vụ cấp bách và trọng yếu đối với tương lai đất nước.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khi giải trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về lý do chậm trễ trong việc trình dự luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đã phát biểu thẳng thắn: “Chúng tôi đã thành lập ban soạn thảo, mới họp nhiều lần các ngành liên quan, nhưng các bộ cử người không đúng, nay cử người này, mai người khác, chủ yếu để soi xem có ảnh hưởng đến bộ mình hay không chứ không mang tính xây dựng. Chính sách để đảm bảo cho doanh nghiệp phát triển, tạo động lực cho kinh tế, là chủ trương lớn của đất nước mà không ai nói đến… Chậm là do nhận thức của các bộ ngành thiếu và yếu”.

Điều tương tự cũng diễn ra trong các cơ quan lập pháp. Tính đến nay, ngoài những luật mang tính cơ bản như luật Doanh nghiệp hay luật Đầu tư, Việt Nam vẫn chưa có một bộ luật hỗ trợ doanh nghiệp mang tính đặc thù nào. Hiện có 2 dự luật được đánh giá là sẽ giúp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh với doanh nghiệp một cách rõ nét, là luật Hỗ trợ DNNVV và luật sửa đổi, bổ sung đang được trình ra Quốc hội xem xét, nhưng cũng khá gian nan.

Không những không được nhiều bộ ngành đồng tình, các dự luật nàycòn có xu hướng không nhận được sự đồng thuận từ phía Quốc hội với lý do dự luật mới xung đột và mâu thuẫn với không ít các luật hiện hành.

Ngoài các yếu tố bất lợi về lập pháp và các bộ ngành quản lý, thì nguồn lực phát triển cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp vẫn đang tỏ ra hết sức hạn hẹp. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban kinh tế Quốc hội về dự luật hỗ trợ DNNVV, cho rằng nếu tính toán sơ bộ toàn bộ các nội dung ưu đãi và miễn giảm thuế theo quy định của dự thảo luật thì sẽ làm ngân sách nhà nước giảm thu khoảng 9.388 tỉ đồng/năm, và vì thế mâu thuẫn với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ năm 2015 về việc không đề xuất, ban hành chính sách mới làm giảm thu ngân sách nhà nước (theo The Saigon Times). Nói cách khác, số tiền khoảng hơn 9.000 tỉ đồng về bản chất là để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nền kinh tế này hoàn toàn có thể bị phủ quyết với lý do làm hụt thu ngân sách nếu như vấn đề bị xem xét và giải quyết một cách cứng nhắc.

Về cơ bản, số tiền này mới chỉ là hỗ trợ mang tính gián tiếp, thông qua giảm thuế, chứ không phải là hỗ trợ trực tiếp. Vừa không muốn hỗ trợ trực tiếp (thường là bằng các khoản vay tài chính), lại vừa không muốn hỗ trợ gián tiếp (thông qua giảm thuế với lý do hụt thu ngân sách), đó là một sự nghịch lý khó có thể chấp nhận.

Trên thực tế, số tiền hơn 9.000 tỉ đồng mang tính hỗ trợ gián tiếp thông qua giảm thuế kể trên cũng chưa phải là con số lớn, chứ nói đến việc đã đủ để hỗ trợ doanh nghiệp hay không, nếu như xét đến các khoản chi lãng phí khác trong nền kinh tế hiện nay. Nếu chỉ tính sơ qua vài dự án thất thoát lãng phí ngàn tỉ như gang thép Thái Nguyên, sơ xợi Đình Vũ hay đạm Ninh Bình thì con số hơn 9.000 tỉ trên không thấm vào đâu. Thậm chí nó còn thấp hơn con số 12.800 tỉ đồng ước tính chi phí duy trì và vận hành đội xe công gần 40.000 chiếc mỗi năm mà hiện nay Nhà nước và Chính phủ đều đang thừa nhận là quá lãng phí, hay như con số 45.000-68.000 tỉ đồng ước lượng chi phí kinh tế cho các tổ chức quần chúng công ở Việt Nam do Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thực hiện năm 2014.

Nói cách khác, chúng ta đang chi hàng chục, hàng trăm ngàn tỉ đồng cho những việc có hiệu quả kinh tế thấp, gây thất thoát và lãng phí một cách tràn lan trong nhiều năm qua, trong khi chi một số tiền chỉ hơn 9.000 tỉ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp – đối tượng được Tổng bí thư nhìn nhận là trung tâm của đối mới – thì đã có tiếng nói không đồng tình.

Muốn kinh tế đổi mới và tăng tốc dựa trên động lực là doanh nghiệp, nhưng lại từ chối hỗ trợ về chính sách cũng như không muốn gia tăng mức độ vốn đầu tư phát triển, là một nghịch lý.

Do Đó, để thực sự coi doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới, cần quyết tâm của cả hệ thống chính trị để chủ trương này đem lại những tác động tích cực cho nền kinh tế.

Nhàn Đàm

Nhàn Đàm