Chất độc thạch tín trong nước mắm: Một kiểu công bố mập mờ gây hoang mang dư luận
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 14:57, 18/10/2016
Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên Trưởng khoa Công nghệ Thực phẩm, Trường đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết đừng nên nhầm lẫn Arsen với chất phụ gia. Phụ gia là những chất được phép sử dụng, chỉ khi nó được sử dụng vượt ngưỡng cho phép thì mới gây ra ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, còn Arsen là chất độc có từ trong môi trường, nhiễm vào trong thực phẩm, gây ra độc hại.
Cũng theo phân tích từ PGS Nguyễn Duy Thịnh, Arsen (thạch tín) tồn tại trong thiên nhiên ở 2 dạng: Arsen hữu cơ và Arsen vô cơ. Trong đó, Arsen vô cơ tồn tại ở trạng thái nguyên chất ban đầu, chưa mang hóa trị; Arsen hữu cơ có hóa trị +2 là Arsen tham gia phản ứng hóa học để kết hợp với những chất hữu cơ có trong thiên nhiên cũng như có trong thực phẩm. Vì vậy, thạch tín (arsen vô cơ)là chất độc hại cực cao, có tính cực độc.
Trao đổi bên lề với báo chí tại buổi công bố kết quả khảo sát nước mắm, bà Trần Thị Dung (chuyên gia của Viện Kinh tế và Quy hoạch thuỷ sản) cho biết, bản chất nước mắm nguyên chất đã chứa hàm lượng Arsen hữu cơ cao do tự thân thuỷ, hải sản có chứa. Tuy nhiên Arsen hữu cơ gần như vô hại. Và tại Việt Nam, nồng độ kim loại nặng trong nước mắm cần quan tâm là chì chứ không phải Arsen.
Nhận định về ý kiến này, PGS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng trên thực tế, trong tiêu chuẩn về thủy sản, người ta không đưa Arsen vào mà chỉ tập trung vào chì và thủy ngân là chính bởi chúng rất dễ phát hiện.Tuy nhiên, Arsen hữu cơ không đáng ngại về mặt độc hại.
“Nếu trong 1mg Arsen tổng có 0,5mg Arsen hữu cơ, 0,5mg Arsen vô cơ thì có đến một nửa là không độc. Trong trường hợp Arsen tổng lớn nhưng Arsen vô cơ bằng 0 thì cũng không độc. Nhưng nếu công bố không rõ ràng, không phân tích kĩ lưỡng hàm lượng Arsen hữu cơ và vô cơ thì người dân chỉ hiểu đơn thuần là thạch tín – chất cực độc. Và đây là điều rất mập mờ trong việc công bố thông tin”, ông Thịnh phân tích.
Ngoài ra, PGS Nguyễn Duy Thịnh cũng cho rằng nói nước mắm có độ đạm caosẽ chứa thạch tín là không chính xác. Trường hợp nhiễm thạch tín có thể do sử dụng nguồn nước có chứa thạch tín để sản xuất nước mắm, bởi tình trạng nước ngầm nhiễm thạch tín hiện có ở nhiều nơi khắp cả nước.
Ngoài ra, nguyên liệu cá cũng có thể là tác nhân gây nhiễm thạch tín. Nếu sống trong môi trường nước có thạch tín, cá có thể bị nhiễm chất này ở dư lượng nhỏ, tiết ra trong quá trình ủ cá làm nước mắm. Nguyên nhân tương tự cũng có thể xảy ra từ muối sản xuất từ vùng biển nhiễm thạch tín.
Theo báo cáo của VINASTAS, 125/150 mẫu khảo sát đều có ít nhất một chỉ tiêu trong 5 chỉ tiêu của nhóm hóa học được khảo sát trên không đạt so với tiêu chuẩn hoặc so với công bố trên nhãn hàng hóa. Trong đó: 51% mẫu có kết quả chỉ tiêu Nitơ toàn phần nhỏ hơn nội dung doanh nghiệp công bố trên nhãn hàng hóa; 20% mẫu không đạt chỉ tiêu Nitơ axit amin; 2% mẫu không đạt chỉ tiêu Nitơ ammoniac.
Đặc biệt có khoảng 67% mẫu không đạt chỉ tiêu Arsen tổng theo quy định của Bộ Y tế.Tuy nhiên, khi thử nghiệm 20 mẫu trong số các mẫu khảo sát có Arsen tổng vượt ngưỡng quy định thì đều không phát hiện Arsen vô cơ (với giới hạn phát hiện là 0,01mg/L), đây là loại Arsen gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng.
Trong số 51% số mẫu có lượng Nitơ toàn phần thấp hơn con số nhà sản xuất công bố trên nhãn hàng hóa, có tới gần 15% số mẫu có độ chênh lệch so với nhãn mác trên 40%. Theo quy định Quy chuẩn Việt Nam 8-2:2001/BYT, hàm lượng Arsencho phép có trong sản phẩm nước chấm tối đa là 1,0 mg/L. Tuy nhiên, kết quả thử nghiệm Arsen tổng cho thấy có đến 101/150 mẫu khảo sát không đạt quy chuẩn của Quy chuẩn Việt Nam này. Trong đó, hàm lượng Arsen tổng của các mẫu không đạt dao động từ trên 1,0 mg/L đến 5 mg/L.
Điều đáng chú ý là các mẫu nước mắm có độ đạm càng cao, tỉ lệ các mẫu có hàm lượng Arsen tổng vượt ngưỡng quy định càng tăng, cụ thể là 95,65% số mẫu khảo sát có độ đạm từ 40 độ trở lên được đánh giá có hàm lượng thạch tínvượt ngưỡng quy định.
Thu Anh