Vụ C2 và Rồng Đỏ nhiễm chì: Lỗi là của URC
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 19:54, 19/10/2016
Mới đây, Tổ trưởng tổ công tác của Thủ tướng – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về một số vấn đề đến Bộ Y tế.
Đáng chú ý, bên cạnh những nội dung chính, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đã được Bộ trưởng Dũng nhắc đến đầu tiên trong số 8 vấn đề cần lưu ý thêm.
Lỗi là của URC
Cụ thể, tại buổi làm việc, Bộ trưởng Dũng đề cập đến việc dư luận vẫn bức xúc với việc sử dụng chất cấm, chất bảo quản trong chế biến thực phẩm trong đó có trách nhiệm của Cục Quản lý dược – cơ quan quản lý có thẩm quyền cho phép nhập khẩu Salbutamol đã sở hở để 6/9 tấn chất này nhập về bị lưu hành trôi nổi trên thị trường, bị sử dụng cho mục đích chăn nuôi nhằm tạo nạc cho gia súc.
Ngoài ra, vụ lô hàng nước C2 và Rồng Đỏ của Công ty URC nhiễm chì cho đến giờ vẫn chưa thể thu hồi hết đã khiến dư luận bức xúc vừa qua cũng được nhắc đến.
Giải thích việc "lọt" của những lô nguyên liệu được URC nhập về để sản xuất những lô hàng nước bị nhiễm chì, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong (Bộ Y tế) cho biết:
“Lỗi” trong sự việc này nằm ở phía doanh nghiệp bởi khi mang lô sản phẩm đi kiểm nghiệm thì đảm bảo nhưng khi đưa vào sản xuất thì lô nước C2, Rồng Đỏ lại để vượt quá hàm lượng cho phép.
Trước đó, liên quan đến việc này, Bộ Y tế cũng đã từng phạt URC 5,8 tỷ đồng - số tiền lớn nhất từ trước tới nay cho một vụ việc liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm.
Vẫn chưa có phương án đền bù
Điều đáng nói, với một lượng lớn số chai nước C2 và Rồng Đỏ bị nhiễm chì chưa thể thu hồi được, vấn đề về việc bồi thường cho người tiêu dùng rất được dư luận quan tâm.
Trả lời báo chí trong một lần gần đây, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) cho biết phương án đền bù người tiêu dùng sẽ được công bố cụ thể vào một buổi họp báo trong thời gian tới, hiện tại chưa thể cung cấp.
Trước đó, đã có ít nhất 2 buổi làm việc giữa đại diện Công ty URC và Vinastas để đưa ra phương án đền bù thiệt hại tài sản diễn ra. Trong số đó, đã có một phương án đền bù được hai bên đề cập đến. Đó là khoản tài chính để đền bù được đề cập đến chỉ là đền bù thiệt hại tài sản (không bao gồm sức khoẻ).
Khoản tiền này được tính toán dựa trên dữ liệu về hai lô sản phẩm bị kết luận nhiễm chì phải thu hồi; số lượng sản phẩm đã thu hồi được; số lượng chưa thu hồi được (được hiểu là người tiêu dùng đã mua hoặc sử dụng), có kiểm chứng của Thanh tra Bộ Y tế, giá bán sản phẩm của công ty.
Tại thời điểm URC bị phạt 5,8 tỉ đồng hồi cuối tháng 5.2016, cơ quan chức năng xác định công ty đã bán hai lô sản phẩm nhiễm chì với tổng trị giá hàng hóa vi phạm gần 3,9 tỉ đồng.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, một phương án đền bù cho những người tiêu dùng đã mua hoặc sử dụng những chai nước C2 và Rồng Đỏ nhiễm chì (không thể thu hồi được) vẫn chưa được quyết định chính thức.
Nhưng khi nói về số tiền dùng để đền bù có thể được dựa trên giá bán chai nước của nhà sản xuất và số lượng chai không thể được thu hồi, nhiều ý kiến cho là không thoả đáng.
Trả lời báo chí, nguyên ĐBQH Bùi Thị An nói: "Tại sao lại nghĩ đến phương án đơn giản như vậy? Tôi thấy nó hơi lạ bởi vì sản phẩm đó đã gây ra sự nhiễm độc. Việc tính chính xác là khó nhưng tính bằng giá trị số lượng chai nước không thu hồi được thì chả có ý nghĩa gì. Đó chỉ là sự đền bù nước uống hoàn toàn bình thường. Phương án dựa theo phương thức tính như vậy là không ổn".
Cũng chia sẻ với báo giới về vụ việc này, TS Đinh Xuân Thảo - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Quốc hội - cho rằng căn cứ vào vỏ chai để tính toán đền bù là chuyện rất khó, vì người dùng ít khi giữ lại vỏ chai sau khi uống hết.
Theo ông Thảo, trong vấn đề này, đây là trách nhiệm dân sự: Nếu ai gây ra thiệt hại cho người khác thì phải đền bù theo trách nhiệm dân sự. Trong quy định về trách nhiệm bồi thường dân sự có quy định là phải xác định rõ thiệt hại cụ thể chứ không thể chỉ dựa trên phán đoán, suy diễn giữa người có lỗi và hậu quả xảy ra đối với người bị thiệt hại.
Vị nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Lập pháp này cũng bày tỏ sự không đồng tình với phương án tính số tiền đền bù thiệt hại tài sản đối với người dân theo số lượng chai nước không thu hồi được và giá bán của nhà sản xuất bởi những chai nước đó đã bị nhiễm độc chứ không phải là những chai nước bình thường.
Duyên Duyên