Kỳ họp thứ 2 QH khóa 14: Dành phần lớn thời gian cho việc xây dựng pháp luật

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 10:38, 20/10/2016

Sáng 20.10, kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa 14 chính thức khai mạc. Trong lời khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã gửi lời chia sẻ đến đồng bào miền Trung đang gặp bão lụt, đồng thời gửi lời chúc mừng đến phụ nữ Việt Nam nhân ngày 20.10.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết kỳ họp diễn ra trong thời điểm đồng bào miền Trung đang gặp khó khăn do bão lũ gây ra, Quốc hội hết sức chia sẻ với những khó khăn của đồng bào, đồng thời đánh giá cao nỗ lực cứu trợ, ứng phó của chính quyền các cấp cũng như các tổ chức, đoàn thể, lực lượng vũ trang, cá nhân…

Chủ tịch Quốc hội cho biếtkỳ họp có khối lượng công việc rất lớn, nhiều nội dung quan trọng, các cơ quan đã tích cực chuẩn bị nội dung. Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các vị địa biểu quốc hội đoàn kết, tập trung đóng góp nhiều ý kiến có chất lượng.

“Tôi tuyên bố khai mạc kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa 14” – Chủ tịch Quốc hội nói.

Theo thông lệ, kỳ họp cuối năm của Quốc hội thường tập trung nhiều hơn cho việc xem xét, quyết định đối với các vấn đề kinh tế-xã hội của đất nước. Tuy nhiên, tại kỳ họp này, công tác xây dựng pháp luật được quan tâm và chú trọng, chiếm khoảng 65% thời gian của kỳ họp vì chương trình nghị sự của kỳ họp thứ nhất tập trung cho công tác nhân sự của Nhà nước.

Chủ tịch Quốc hội cho biếtcác dự án luật và nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua gồm: Luật về hội; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Luật Đấu giá tài sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 và Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/20210/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Các dự án luật được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến gồm:Luật Đường sắt (sửa đổi); Luật Quản lý ngoại thương; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi); Luật Thủy lợi; Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi); Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi); Luật Cảnh vệ; Luật Du lịch (sửa đổi); Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi); Luật Quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh, và Nghị quyết của Quốc hội về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.

Sau lễ khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017.

Chủ tịch Ủyban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017.

Buổi chiều, Quốc hội sẽ nghe các báo cáo của Chính phủ và báo cáo của cơ quan thẩm tra về Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; Kế hoạch tài chính 5 năm; Mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020 (trong đó có đánh giá toàn diện các mặt công tác huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2011-2015); Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; Kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2016; Dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2017.

Theo chương trình, Quốc hội sẽ làm việc trong thời gian 26 ngày (không kể ngày nghỉ) và dự kiến bế mạc vào chiều 23.11.

Trí Lâm

Trí Lâm