Phải chấm dứt tình trạng công khai phạm pháp, cướp phá tài nguyên quốc gia
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 13:02, 20/10/2016
Tăng trưởng thấp hơn kế hoạch
Báo cáo tại Quốc hội trong phiên khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng tình hình kinh tế - xã hội nước ta chuyển biến tích cực. Cụ thể,kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát; sản xuất kinh doanh tiếp tục phát triển; tái cơ cấu nền kinh tế đạt một số kết quả; đầu tư khu vực tư nhân chuyển biến mạnh mẽ; niềm tin của xã hội và thị trường tăng lên...
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra hàng loạt những hạn chế, yếu kém trong thời gian qua. Đó là tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm đạt thấp so với cùng kỳ (5,93% so với 6,5%), dự báo tăng trưởng GDP cả năm thấp hơn kế hoạch đề ra (6,7%).
Sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn. Trong 9 tháng có khoảng 45.000doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và hơn 8.300doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể,tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước, nợ công, nợ Chính phủ có thể cao hơn dự kiến; xuất khẩu 9 tháng chỉ tăng 6,7% (cùng kỳ tăng 9,1%), buôn lậu, gian lận thương mại diễn biến phức tạp, nhiều vụ lừa đảo bán hàng đa cấp, tín dụng đen, gây bức xúc xã hội.
Thủ tướng cũng cho biếtthu ngân sách gặp khó khăn, 9 tháng đạt thấp hơn cùng kỳ (70,8% so với 74,9%), nợ đọng thuế còn lớn. Một số dự án sử dụng vốn đầu tư công hiệu quả thấp, nợ đọng xây dựng cơ bản lớn. Quản lý sử dụng tài sản công, chi tiêu công còn lãng phí. Nợ công cao, áp lực trả nợ lớn,nhiều dự án đầu tư lớn của các tập đoàn, tổng công ty chậm tiến độ, thua lỗ, lãng phí...
Bên cạnh đó, việctái cơ cấu nhiều ngành, lĩnh vực còn chậm. Xử lý nợ xấu và các ngân hàng thương mại yếu kém gặp nhiều khó khăn, kết quả thấp. Các thị trường vốn, chứng khoán, bất động sản phát triển chưa bền vững. Tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN, thoái vốn đầu tư ngoài ngành chưa đạt kế hoạch, số lượng doanh nghiệp được cổ phần hóa lớn nhưng tỷ lệ vốn bán ra đạt thấp.
Khó khăn bủa vâyngười dân
Theo báo cáo của Thủ tướng, xây dựng nông thôn mới ở một số nơi chưa quan tâm đúng mức đến phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập của người dân; có địa phương còn lạm thu, kể cả đối với người nghèo, đối tượng chính sách; nợ xây dựng nông thôn mới ở một số địa phương còn lớn.
Tình hình tội phạm, trật tự an toàn xã hội trên một số lĩnh vực, địa bàn diễn biến phức tạp. Xảy ra nhiều vụ án hình sự, chống người thi hành công vụ và tai nạn giao thông, cháy nổ nghiêm trọng. Việc bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng có nhiều hạn chế.
Thiên tai, biến đổi khí hậu gây thiệt hại lớn, khiến đời sống người dân khó khăn. Tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra ở nhiều nơi, chất lượng môi trường bị xuống cấp, chậm được cải thiện. Công tác nắm tình hình, phát hiện, xử lý vi phạm về môi trường chưa kịp thời.
“Sự cố môi trường biển nghiêm trọng tác động tiêu cực đến sản xuất kinh doanh, du lịch, dịch vụ và an ninh trật tự, ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập, đời sống nhân dân ở một số tỉnh miền Trung” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng nêu rõtình trạng mất an toàn thực phẩm xảy ra ở nhiều nơi, gây bức xúc xã hội. Công tác khám, chữa bệnh và quản lý dịch vụ ở một số bệnh viện còn yếu kém.
Chất lượng giáo dục, nhất là đại học, dạy nghề chuyển biến chậm, chưa thật sự gắn với nhu cầu xã hội. Ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển thị trường gặp nhiều khó khăn, số lượng doanh nghiệp cònít, quy mô nhỏ...
Tham nhũng, lãng phí nghiêm trọng
Thủ tướng cũng cho biếtkỷ luật kỷ cương trong bộ máy hành chính và trong xã hội còn chưa nghiêm. Năng lực, phẩm chất của một bộ phận cán bộ,công chức chưa đáp ứng yêu cầu. Sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế còn chậm. Phối hợp giữa các bộ ngành, địa phương thiếu chặt chẽ.
Đồng thời, một số quy định pháp luật còn sai sót, chưa bảo đảm tính khả thi. Tổ chức thực hiện và thi hành chính sách, pháp luật còn nhiều yếu kém, bất cập. Thanh tra, kiểm tra, giám sát và phản biện xã hội hiệu quả chưa cao. Tình trạng tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng.
Cùng với đó, việcđấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế còn nhiều khó khăn, thách thức. Công tác chuẩn bị, dự báo, đánh giá tác động và ứng phó với các thách thức trong hội nhập có mặt chưa chủ động.
Trong Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân do Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQViệt Nam Nguyễn Thiện Nhân trình bày, cử tri và nhân dân hoan nghênh quyết tâm của Chính phủ đổi mới hoạt động điều hành, xây dựng một Chính phủ hành động và liêm chính, phát triển đất nước theo hướng bền vững. Cử tri và nhân dân đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt hơn nữa việc giải quyết vi phạm pháp luật công khai, kéo dài như khai thác khoáng sản trái phép, chặt phá rừng, buôn lậu qua biên giới; đẩy nhanh việc xây dựng và nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới, qua đó góp phần quan trọng đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Cử tri và nhân dân cũng đề nghị Đảng và Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh phòngchống tham nhũng, lãng phí, có những giải pháp quyết liệt, mạnh tay hơn nữa trong đấu tranh chống tham nhũng, nhất là những vụ tham nhũng lớn, có biểu hiện “lợi ích nhóm”, gây hậu quả nghiêm trọng, làm suy giảm niềm tin của nhân dân.
“Cử tri cũng mong muốn Chính phủ quyết liệt chỉ đạo và có biện pháp triệt để chấm dứt tình trạng một số ít người công khai vi phạm pháp luật, cướp phá tài nguyên quốc gia, phá hoại môi trường gây hậu quả nghiêm trọng, tăng cường đấu tranh phòng chống tội phạm” – ông Nguyễn Thiện Nhân nói.
Cử tri cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên -Môi trường và các cơ quan có liên quan, trong phạm vi trách nhiệm của mình rà soát việc quy hoạch các trung tâm nhiệt điện trong cả nước, ban hành các tiêu chuẩn về đánh giá tác động môi trường, tiêu chuẩn hoạt động của các nhà máy nhiệt điện.
“Tổ chức tốt việc đánh giá tác động môi trường, tăng cường hoạt động giám sát, quan trắc và thông tin công khai, minh bạch về tác động môi trường để phục vụ công tác quản lý nhà nước về môi trường và để nhân dân được biết, tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân giám sát....” – ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Trí Lâm