Từ Sạch đến Xanh – Sạch – Đẹp
Thể thao - Ngày đăng : 17:00, 21/10/2016
Khởi đầu giải này, tiêu chí Sạch mà ông Nguyễn Công Khế đưa ra khiến người ta cảm động chứ không khiến được người ta tin. Sạch làm sao khi ở trong môi trường không thể sạch? Tôi đã hỏi ông Hà Quang Dự câu hỏi đó khi ông đang là Bộ trưởng phụ trách công tác Thanh niên và Thể thao và được ông hồ hởi trả lời trong một niềm tin khó lay chuyển: “Sạch được chứ. Nếu làm bóng đá vì bóng đá thì muốn bẩn cũng chẳng được. Huống hồ đây là một giải đấu không chỉ vì bóng đá mà còn vì tuổi trẻ”.
Lúc đó tôi chỉ mỉm cười lấy lòng ông Bộ trưởng chứ không tin. Khi mà bệnh thành tích và thói tham nhũng đang là một đại dịch, làm sao có thể tin người ta làm bóng đá chỉ vì bóng đá? Nhiều người trong đó có tôi, đều nghĩ chữ Sạch của ông Nguyễn Công Khế sẽ chết yểu cùng với giải.
Không ngờ niềm tin của ông Bộ trưởng đã được chứng thực, giải U.21 Báo Thanh Niên lớn mạnh không ngờ. Lần đầu BTC giải “mời mãi” mới có 8 đội tham gia, những lần sau đó luôn luôn có từ 25-30 đội đăng ký tham gia. Từ Nam chí Bắc nhiều địa phương xung phong đăng cai, ở đâu khán giả cũng háo hức chào đón, cho thấy giải U.21 đã thành công thế nào. 10 năm sau mở thêm giải U.21 quốc tế Báo Thanh Niên được nhiều nước trên thế giới hưởng ứng, liên tục gửi quân tham gia, tới đây chính ông Hà Quang Dự cũng không ngờ.
Ở VN, một giải đấu có trung bình 6.000 ngàn khán giả/ trận gọi là thành công. Báo Thanh Niên chưa có tổng kết chi tiết nhưng tôi tin số lượng khán giả phải nhiều hơn thế. Còn nhớ trận chung kết giải năm 2014, sân Cần Thơ có chứa 45.000 người đã quá tải với số lượng gần 60.000 khán giả. Với bóng đá VN, đó là con số “nằm ngoài giấc mơ”. Khi nghe tin sân Cần Thơ bị “vỡ trận” vì khán giả, tất nhiên nhiều nhà quản lý đã nhăn nhó nhưng tôi vẫn hình dung nụ cười sung sướng của những nhà tổ chức trước thành công to lớn của một giải bóng đá trẻ là thành quả vô tiền khoáng hậu trong khát vọng xã hội hóa bóng đá.
Giải U.21 đã thành công ngay từ lần tổ chức đầu tiên, sau 20 mùa giải vẫn thành công, sự thành công của chữ Sạch. Với bóng đá, nhất là bóng đá nước nhà, tồn tại được là nhờ sạch, hấp dẫn được cũng nhờ sạch. Một giải đấu không sạch thì thánh cũng khó lòng kéo được người Việt đến sân bóng trung bình 6.000 người/ trận đấu. Để có chữ Sạch ấy, ông Nguyễn Công Khế và các đồng sự đã phấn đấu đến cùng kiệt sức lực. Tôi nhiều lần gặp ông Khế, lần nào hỏi về giải U.21 ông cũng chỉ nói: “Được chứ. Tốt lắm” với gương mặt tươi rói như người trúng xổ số. Nhưng tôi biết đằng sau nụ cười tươi rói ấy là một vực thẳm gian khó, ông có thể rơi xuống vực thẳm ấy bất cứ lúc nào.
Một giải đấu chối bỏ thói quen được thắng và phải thua dường như quá sức với những người chỉ quen làm báo, không quen làm bóng đá. Câu chuyện “chủ nhà thảm bại” luôn là thách thức với những ai kiên trì với chữ Sạch. Giải U.21 quốc gia mới chỉ là chuyện “con gà tức nhau tiếng gáy”. Tới giải U.21 quốc tế không còn là chuyện “con gà” nữa. Tâm lý Á Đông dưới danh nghĩa “thể diện quốc gia”, câu chuyện “chủ nhà thảm bại” đã tạo ra áp lực khủng khiếp biết nhường nào. Cứ hình dung cái chữ Sạch của ông Nguyễn Công Khế đang bơi trong cái hồ đầy cá sấu có tên là háo danh và tham nhũng, đó không phải là ví von quá đáng.
Trải qua 20 năm, chữ Sạch ấy không hề bị thay đổi dù bể cá sấu ấy vẫn còn, khi ông Nguyễn Công Khế thôi không làm Báo Thanh Niên nữa, chữ Sạch của ông vẫn phải bơi qua bể cá sấu. Ông Nguyễn Quang Thông, người kế nhiệm ông, lúc nào cũng khẳng định như đinh đóng cột: “Giải U.21 Báo Thanh Niên là “sân chơi mang tiêu chí Xanh - Sạch - Đẹp”. Chữ Sạch chẳng những không bị chết yểu mà còn kéo thêm hai chữ nữa, là Xanh và Đẹp. Xanh - Sạch - Đẹp, một tiêu chí đúng như tuổi trẻ, đẹp như tuổi trẻ.
Hai ông Nguyễn Công Khế và Nguyễn Quang Thông rất ít điểm giống nhau, nếu không muốn nói là rất khác nhau. Một ông có nụ cười trúng xổ số, một ông có nụ cười nhẹ nhàng, thân thiện nhưng họ rất giống nhau ở tiêu chí Xanh - Sạch - Đẹp. Khi nói về giải U.21, ông Nguyễn Quang Thông không nói như ông Nguyễn Công Khế - “Được chứ. Tốt lắm”, cũng không nói ngược lại - “Khó lắm. Vất vả lắm”. Ông chỉ lẳng lặng mỉm cười, nói đúng một câu: “Thì phải cố gắng thôi”.
Hai Tổng biên tập đã theo giải đấu U.21 từ thuở tóc còn xanh, với sự giúp sức của các đồng sự, họ đã cùng nhau xây dựng một giải đấu “Lăn xả và thể hiện hết mình”. Từ đó đã tạo ra dàn ngôi sao Xanh và Đẹp, từ Công Vinh, Văn Quyết, Thành Lương Tấn Tài, Quang Hải tới Minh Tuấn, Tuấn Linh, Duy Mạnh.. rồi Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường.. đã tạo ra dàn đội ngũ Xanh và Đẹp, từ Thể Công, Sông Lam Nghệ An, Đà Nẵng tới Khánh Hòa, Gia Lai, Đồng Nai, Nam Định, Bình Dương, An Giang, PVF…
Nói đến U.21 không thể không nhắc đến cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Gọi là ông già “thoạt kỳ thủy” vì chính Võ Thủ tướng đã gợi ý cho Báo Thanh Niên đứng ra tổ chức giải U.21. Trận chung kết giải U.21 đầu tiên, Võ Thủ tướng đã cùng Phó thủ tướng Nguyễn Khánh đã dừng cuộc họp Chính phủ xuống tận sân Hàng Đẫy để “vui với tụi nhỏ”. Nhờ có ông già “thoạt kỳ thủy” mà Báo Thanh Niên vạn sự khởi đầu may. Giờ này nếu ông còn sống, trước sự lớn mạnh không ngờ của giải U.21, thể nào ông cũng vỗ vai ông Khế, ông Thông nói: “Được đó tụi bay!... Tới luôn đi!”.
Theo Nguyễn Quang Lập (Thanh Niên Tuần San)