Vịnh Hạ Long, niềm tự hào của du lịch Quảng Ninh
Du lịch - Ngày đăng : 18:36, 21/10/2016
Trong những năm qua Quảng Ninh đã có rất nhiều nỗ lực trong công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị Di sản, góp phần vào sự phát triển của ngành du lịch nói riêng của tỉnh và cả nước nói chung.
Giải quyết tốt những thách thức
Nói đến du lịch Quảng Ninh là nhắc đến Di sản Thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. Đây là một tài sản vô giá mà thiên nhiên ban tặng cho con người và vùng đất nơi đây. “Với gần 2000 hòn đảo lớn nhỏ, Di sản – Kỳ quan thế giới vịnh Hạ Long là địa danh, là cái tên được thị trường đón nhận, đánh giá và nhận biết tốt nhất hiện nay trên thị trường du lịch Việt Nam. Nhiều tổ chức, diễn đàn quốc tế đã liên tục bầu chọn vịnh Hạ Long nằm trong số điểm đến đẹp nhất thế giới như bầu chọn là một trong 10 vịnh đẹp nhất thế giới, 100 hành trình du lịch hấp dẫn nhất trên thế giới, một trong 10 cảnh quan đẹp kỳ bí nhất trên thế giới, là điểm đến có cảnh sắc non nước tuyệt đẹp trên thế giới... Trong nước, các nghiên cứu khoa học của ngành trong thực hiện điều tra mẫu đã chỉ ra rằng khoảng 60-70% khách du lịch đến Việt Nam mong muốn đến Hạ Long. "Nhiều doanh nghiệp du lịch, nhà quản lý du lịch, khách du lịch coi Hạ Long là địa danh đại diện cho thương hiệu du lịch Việt Nam…” – Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn đánh giá.
Để đạt được kết quả đó là do trong một thời gian dài, tỉnh Quảng Ninh đã có những chủ trương đẩy mạnh công tác bảo tồn, tổ chức quản lý các hoạt động cũng như đầu tư phát triển để khai thác phát triển du lịch của Vịnh xứng tầm quốc gia. Trong đó, phải kể đến việc tỉnh đã bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và ban hành nhiều nghị quyết, chương trình hành động chuyên đề về vịnh Hạ Long, với nhiều giải pháp quyết liệt và tích cực để quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản nhằm nâng cao vị thế và sức hấp dẫn của vịnh Hạ Long ở trong nước cũng như ở nước ngoài; đồng thời giải quyết các thách thức đặt ra giữa quản lý, bảo tồn và khai thác. Đi đôi với công tác quản lý, bảo tồn giá trị Di sản, công tác đầu tư, tôn tạo nhằm khai thác lợi thế, tiềm năng du lịch, tạo ra các điểm tham quan, hấp dẫn trên vịnh Hạ Long được chú trọng. Với phương châm đầu tư, tu bổ có trọng tâm, trọng điểm, tập trung chủ yếu vào các công trình phục vụ công tác bảo tồn và phát huy giá trị vịnh Hạ Long như: tu bổ tôn tạo động Thiên Cung, hang Đầu Gỗ, hang Sửng Sốt, bãi tắm Ti Tốp…; nâng cấp cảng bến, cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật tại các điểm tham quan… Những dự án này là bước đột phá có ý nghĩa quyết định đối với việc phát huy giá trị, làm tăng tính hấp hẫn của Di sản vịnh Hạ Long, đáp ứng được hai mục tiêu là bảo tồn được các giá trị tự nhiên, đồng thời nâng cao được giá trị Di sản.
Đặc biệt, công tác bảo vệ môi trường Di sản là lĩnh vực luôn được Quảng Ninh ưu tiên hàng đầukhông chỉ vì giữ gìn nguyên vẹn Di sản, phát triển bền vững du lịch, mà còn vì sự phát triển bền vững KT-XH của tỉnh và đất nước. Nhờ đó, đã tạo được sự đồng thuận, vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, các địa phương liên quan. Điển hình như việc phối hợp với ngành Than di chuyển các cơ sở sản xuất cơ khí, sàng tuyển, luyện than, vận chuyển, bốc rót than ra khỏi trung tâm TP Hạ Long, hạn chế ô nhiễm đối với vịnh Hạ Long… Hay như gần đây, dư luận khá đồng tình khi mà nhiều vấn đề “nóng”, tồn tại đã lâu trên Vịnh đã được UBND TP Hạ Long – đơn vị được giao chức năng quản lý nhà nước đối với Vịnh Hạ Long quyết liệt chỉ đạo xử lý. Trong đó, phải kể đến việc di dời các xà lan, tàu bỏ hoang; trục xuất các đối tượng cư trú và nuôi trồng thuỷ sản trái phép trên các nhà bè thuộc diện bảo tồn; dẹp bỏ các cơ sở bán hải sản trái phép, chuyển các nhà bè nuôi trồng thủy sản đến các điểm không nằm trong các tuyến du lịch trên Vịnh Hạ Long. Điều này không chỉ hạn chế việc gây ô nhiễm môi trường mà còn nhằm xử lý dứt điểm tình trạng các bè nuôi trồng thủy sản kinh doanh trái phép và tình trạng chặt chém du khách...
Phấn đấu trở thành điểm du lịch tốt nhất, chất lượng nhất
Nếu so với nhiều địa phương khác thì Quảng Ninh là tỉnh có tiềm lực kinh tế và có nhiều chủ trương, chính sách cởi mở và tiên phong trong phát triển du lịch. Trải qua hơn 20 năm từ khi được công nhận Di sản, các dịch vụ du lịch đặc trưng trên vịnh Hạ Long đã được hình thành, phát triển, tạo thành những sản phẩm hấp dẫn riêng của vịnh Hạ Long, được nhiều khách du lịch lựa chọn, đặc biệt là khách nước ngoài.Chiến lược khai thác phát triển du lịch trên vịnh Hạ Long tiếp tục được đẩy mạnh theo hướng nâng cao chất lượng, đi vào chiều sâu và có những bước đột phá mới thông qua việc xây dựng các đề án, phương án phát triển sản phẩm du lịch của Quảng Ninh và Hạ Long; bổ sung ba tuyến tham quan mới trên vịnh Bái Tử Long nhằm giảm áp lực tại vùng lõi của Di sản; mở thêm một số điểm tham quan trên vịnh Hạ Long nhằm tăng sự lựa chọn cho khách tham quan; triển khai áp dụng mô hình hợp tác công - tư trong khai thác, phát triển du lịch trên vịnh Hạ Long…
Với những nỗ lực trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản, lượng khách đến tham quan vịnh Hạ Long ngày càng tăng. Năm 1996, vịnh Hạ Long đón 236 lượt khách; năm 2003, vịnh Hạ Long đón 1,3 triệu lượt khách; năm 2005, lượng khách đến vịnh Hạ Long đạt khoảng trên 1,5 triệu lượt khách. Đặc biệt vài năm gần đây, trung bình mỗi năm vịnh Hạ Long đón từ 2,5-2,7 triệu lượt khách. Thu từ phí tham quan vịnh Hạ Long từ năm 1996 đến năm 2014 đạt hơn 1.400 tỷ đồng, riêng năm 2015 đạt hơn 528 tỷ đồng. Đây là những con số rất có ý nghĩa đối với công tác quản lý, phát huy giá trị vịnh Hạ Long.
Mặc dù số lượng khách đến thăm Vịnh ngày càng tăng, gây áp lực lớn cho công tác quản lý. Song, về cơ bản, môi trường, cảnh quan và công tác phục vụ, an toàn tại các điểm du lịch trên vịnh vẫn được tỉnh quản lý tốt, giữ gìn đảm bảo. Điều đó đã gây ấn tượng tốt đẹp đối với hầu hết du khách đến với Hạ Long. Tuy nhiên, Quảng Ninh còn rất nhiều việc phải làm để bảo vệ Vịnh Hạ Long, bảo vệ thương hiệu của tỉnh. Thiên nhiên đã ưu đãi cho Quảng Ninh tài sản vô giá nhưng đồng thời cũng đặt trên vai Quảng Ninh trách nhiệm phải giữ gìn tài sản đó cho các thế hệ tiếp nối. Đó là nhiệm vụ nặng nề đòi hỏi sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Trung ương, địa phương và sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chủ quản và sự đồng lòng của cộng đồng.
Nam Phong