Loại bỏ gần 500 dự án thủy điện có tác động xấu đến môi trường - xã hội
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 11:00, 24/10/2016
Loại bỏ gần 500 dự án thủy điện không hiệu quả, tác động xấu
Chính phủ vừa có báo cáo về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện gửi đến Quốc hội khóa XIV.
Theo đó, thực hiện Nghị quyết số 62 của Quốc hội Khóa XIII về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện, Chính phủ cho biết trong 3 năm thực hiện rà soát quy hoạch, đã có gần 500 dự án thủy điện bị loại khỏi.
Cụ thể, Bộ Công Thương và các địa phương đã loại khỏi quy hoạch 8 dự án thủy điện bậc thang (655 MW) và 463 dự án thủy điện nhỏ (1.404,68 MW).
Nguyên nhân là do các dự án này có tác động tiêu cực lớn đối với môi trường - xã hội, hiệu quả thấp, ảnh hưởng đến quy hoạch hoặc các dự án ưu tiên khác.
Bên cạnh đó, các Bộ, ngành cũng đồng thời không xem xét quy hoạch 213 vị trí tiềm năng thủy điện (349,61MW).
Báo cáo của Chính phủ cũng cho biết, đối với các dự án còn lại sau khi đã loại bỏ khỏi quy hoạch, UBND các tỉnh vẫn tiếp tục xem xét thu hồi chủ trương đầu tư đối với các dự án đã quá hạn theo hạn trong Giấy chứng nhận đầu tư được cấp mà chủ đầu tư không triển khai thực hiện.
"Các dự án thuộc danh mục được đầu tư trong giai đoạn 2015 - 2020 và đang trong quá trình nghiên cứu đầu tư giai đoạn sau năm 2020 vẫn được tiếp tục rà soát, đánh giá tình hình thực hiện và kết quả nghiên cứu đầu tư để có phương án điều chỉnh hợp lý hoặc xem xét thu hồi để loại khỏi quy hoạch theo đúng các yêu cầu đã được nêu ra trong Nghị quyết số 62 của Quốc hội", báo cáo cho biết.
Gần 450 dự án thủy điện đang thi công và nghiên cứu đầu tư
Mặt khác, báo cáo của Chính phủ cũng cho thấy, hiện nay, trên cả nước có 306 công trình thủy điện với tổng công suất lắp máy Nlm=15.474,3 MW đang vận hành phát điện.
Có 193 dự án (5.662,66 MW) đang thi công xây dựng và 245 dự án (3.006 MW) đang nghiên cứu đầu tư.
59 dự án (421,88 MW) có quy mô nhỏ, đang được tiếp tục rà soát về hiệu quả kinh tế và các điều kiện khác có liên quan.
Đối với công tác quy hoạch bậc thang thủy điện trên các dòng sông lớn, hiện đã vận hành phát điện 61 công trình (13.101,10 MW); đang thi công xây dựng 31 dự án (3.580,50 MW) và đang nghiên cứu đầu tư 15 dự án (730, 50 MW).
Đối với quy hoạch thủy điện nhỏ, hiện đã vận hành phát điện 245 công trình (2.373,2 MW); đang thi công xây dựng 162 dự án (2.082,16 MW); đang nghiên cứu đầu tư 230 dự án (2.275,50 MW) và chưa cho phép nghiên cứu đầu tư 56 dự án (293,88 MW).
Vẫn còn dự án thủy điện tự ý cơi nới đập
Trong công tác thanh kiểm tra về tuân thủ các quy định về quản lý chất lượng xây dựng, vi phạm quy trình vận hành hồ chứa, báo cáo cho biết Đoàn công tác của Bộ Công Thương đã phát hiện một số vi phạm, điển hình là một số dự án đã tự ý xây tường cơi nới đập và chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn lao động trong khi thi công công trình.
Cụ thể, dự án thủy điện Suối Sập 3 (Sơn La) đã tự ý cơi nới đập. Hay dự án thủy điện Sập Việt (Sơn La) cũng bị lập biên bản và yêu cầu tạm dừng thi công đến khi đảm bảo các yêu cầu theo quy định mới được tiếp tục triển khai.
Đối với các dự án thủy điện Đại Nga và Đại Bình, tỉnh Lâm Đồng, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị chỉ đạo tạm dừng thi công đối với dự án Đại Bình và tổ chức kiểm tra, rà soát tổng thể quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư, xây dựng của Chủ đầu tư các dự án nêu trên, trên cơ sở kết quả kiểm tra, rà soát, báo cáo UBND tỉnh để kịp thời chỉ đạo các cơ quan liên quan hướng dẫn Chủ đầu tư hoàn thiện, khắc phục các tồn tại, vướng mắc đối với hai dự án Đại Nga và Đại Bình.
Duyên Duyên