NSƯT Mỹ Uyên: 'Chúng tôi thà đói khổ nhưng sân khấu phải là thánh đường!'
Văn hóa - Ngày đăng : 07:02, 28/10/2016
Vở kịch đậm tính chính luận được chuyển tải bằng một ngôn ngữ hết sức trẻ trung và hiện đại đã nhận được sự phản hồi rất tích cực từ khán giả. Chúng tôi đã có buổi trò chuyện cùng NSƯT Mỹ Uyên – người đóng vai trò cầm trịch cho sự ra đời của vở diễn.
Những gì được thể hiện cho thấy Giấc mơ hoàn toàn không thuộc về dạng kịch phổ thông với các yếu tố đậm chất giải trí, mang tính thị trường như chọc cười bình dân, kinh dị. Điều gì khiến cho chị - giám đốc nhà hát 5B Võ Văn Tần quyết định đầu tư cho vở diễn này?
Cách đây khá lâu, nhà hát chúng tôi nhận được thư mời tham gia Liên hoan sân khấu kịch thể nghiệm quốc tế sẽ diễn ra tại Hà Nội vào tháng 11.2016. Hai chữ thể nghiệm làm tôi nhớ lại 5B Võ Văn Tần chính là cái nôicủa dòng kịch này. Nơi đây đã cho ra đời rất nhiều vở diễngiàu chất văn học được khán giả yêu mến suốt một thời gian dài. Phong cách thể nghiệm mới mẻ đã khẳng định hàng loạt các ngôi sao tên tuổi NSƯT Thành Lộc, NSƯT Việt Anh, NSƯTCông Ninh, NSƯT Thanh Hoàng, Hồng Đào...
Tôi là một nghệ sĩ trẻ may mắn được chứng kiến thời kỳ hoàng kim này và luôn khát khao có một cơ hội để đưa sân khấutrở lại với cái thời thật lung linh đó. Việc nhận được lời mời tham gia liên hoan có hơn 10 nước tham dự là động lực mạnh mẽ biến ước vọng đó thành hiện thực. Đó là lý do Giấc mơ ra đời.
Hẳn có rất nhiều kịch bản giàu tính chính luận và đậm chất văn học để chị lựa chọn, nhưng tại sao là Giấc mơ mà không là câu chuyện nào khác?
Chuyện này phải nói nhiều đến đạo diễn Thái Kim Tùng. Khi quyết định làm kịch thể nghiệm tôi đã gặp gỡ nhiều người để tìm kiếm kịch bản phù hợp. Tôi gặp Thái Kim Tùng và em đã cho tôi biết rằng ngay từ lúc còn học ở trường nghệ thuật em đã đọc qua kịch bản Giấc mơ của nhà văn Nguyễn Đình Thi. Một kịch bản đậm chất triết lý, rất chính luận và khái quát được một giai đoạn đặc thù của đất nước. Kim Tùng khẳng định bạn ấy biết cách kể câu chuyện này bằng một ngôn ngữ rất mới nhưng vẫn giữ được cái hồn cốt của nguyên bản gốc.
Thế là Tùng đã phác họa ra đường dây kịch bản. Trong đó, đạo diễn đã vận dụng múa đương đại, thơ ca, cải lương vào một cái tứ kể về hành trình tư tưởng của một người lính đang đối thoại với tử thần. Tôi nhận ra đây là một cách thể nghiệm táo bạo mà ít nơi nào làm. Thế là tôi nhận lời và chúng tôi đã lao vào vở diễn bằng tất cả đam mê của mình. Chúng tôi luyện tập ngày đêm suốt một tháng ròng rã trước khi vở diễn ra mắt công chúng. Bản thân tôi bỏ nhiều show, các bạn tham gia cũng thế. Chúng tôi hết lòng vì một cuộc chơi nghệ thuật.
Trong thời điểm mà nghệ sĩgắn chặt giữa nghệ thuật và thương mại, chắc hẳn Giấc mơ phải nhận được một nguồn tài trợ rất dồi dào để chị cùng các nghệ sĩtoàn tâm toàn ý với nó?
Sự thật hoàn toàn ngược lại. Tất cả các diễn viên tham gia hoàn toàn không nhận được một đồng cát sê nào. Tôi với tư cách là người cầm trịch phải vận động từ bạn bè, người thân để có được kinh phí cho phục trang, thiết kế sân khấu, âm thanh, ánh sáng và tiền thuê rạp. Thật may mắn là tôi đã gặp được những nghệ sĩtrẻ không xem nghệ thuật là nơi cốt để tìm hào quang và tiền bạc. Các bạn lao vào cuộc chơi bằng cảm giác thăng hoa nghệ thuật. Nếu không có đều đó chắc chắn Giấc mơ chỉ là giấc mơ thôi.
Khi bạn nhắc đến vấn đề kinh phí, tôi chợt giật mình là toàn bộ số tiền mà chúng tôi vận động được đã hết. Giờ đây, chúng tôi cần tiền để toàn bộ ê kíp di chuyển ra điểm thi, tiền ăn và tiền ở. Tôi mong rằng những người có thẩm quyền chia sẻ với chúng tôi điều này đểchúng tôi có được nguồn khích lệ tinh thần trước khi bước vào một cuộc chơi lớn mang tầm quốc tế.
Được biết tại Liên hoan sân khấu thể nghiệm quốc tế năm 2016 có hơn 10 nước tham gia, ê kíp của Giấc mơ làm thế nào để họ hiểu được thông điệp nghệ thuật mà các bạn chuyển tải?
Chúng tôi đã dịch toàn bộ các câu thoại sang tiếng Anh để chạy trên màn hình LED. Chúng tôi mong nhận được nguồn tài trợ tiền thuê màn hình để giúp đoàn bạn hiểu chúng tôi đang nói gì. Tôi nghĩ đều đó thực sự quan trọng.
Theo những gì chị chia sẻ trước đây, Giấc mơ chỉ diễn một suất duy nhất cho công chúng tại Sài Gòn, sau đó diễn một lần nữa trong liên hoan rồi chấm dứt. Nghe qua điều này nhiều người có cảm giác ý tưởng thể nghiệm không dành cho số đông công chúng?
Câu hỏi của bạn đã khơi gợi lại nỗi buồn trong lòng tôi. Bản thân chúng tôi hiện tại không có nhà hát hay nói cụ thể là một điểm diễn ổn định vì sân khấu 5B đang chờ để được xây dựng lại. Trong hoàn cảnh thế này, chúng tôi thực sự đối mặt với vấn đề vô cùng nan giải. Chúng tôi không thể triển khai kế hoạch cụ thể khi ngôi nhà sân khấu của chúng tôi bây giờ quá ngổn ngang. Chúng tôi đành phó thác điều này cho sự may rủi, tức là, nếu chúng tôi nhận được hợp đồng diễn từ nơi nào đó, chúng tôi mới biết được mình diễn ở đâu và lúc nào.
Đến với Giấc mơ chúng tôi muốn phiêu lãng cùng nghệ thuật, thế nênchúng tôi chỉ cần có được kinh phí vừa vặn chúng tôi sẽ cháy hết mình với những khán giả thực sự đồng cảm với thể loại kịch đòi hỏi cao về trình độ thưởng thức.
Đây là lần đầu tiên chị và ê kíp nghệ sĩ thi thố tài năng với các đồng nghiệp quốc tế. Cảm giác của chị và mọi người bây giờ thế nào?
Sau khi nhận được những tràng pháo tay kéo dài, những lời chia sẻ đầy xúc động từ khán giả trong đêm diễn ra mắt, chúng tôi vô cùng hạnh phúc. Hiện tại chúng tôi vẫn còn lâng lâng trong cảm giác sung sướng, do đó,chúng tôi đang trong tâm thế sẵn sàng cháy hết mình trước các bạn đồng nghiệp quốc tế. Chúng tôi không xem đó là cuộc thi mà nghĩ đó là một sân chơi nghệ thuật có nhiều sự đồng cảm đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau. Chúng tôi sẽ học hỏi được nhiều điều hay từ nơi tập hợp nhiều cái đầu sáng tạo và nhiều trái tim rung động nghệ thuật.
Cảm ơn chị về buổi trò chuyện!
Nguyễn Huy -Ảnh: Nguyễn Độc Lập