Nguồn vốn tái cơ cấu nền kinh tế: Không phải 10 triệu tỉ đồng, thì bao nhiêu?
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 11:28, 29/10/2016
Một trong những câu chuyện gây tranh cãi và được bàn luận sôi nổi nhất trong nền kinh tế những ngày qua là con số hơn 10 triệu tỉ đồng (chính xác là 10,567), tương đương hơn 480 tỉ USD, được Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thông báo là số vốn cần thiết để tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, trong bản báo cáo trước Quốc hội ngày 20.10. Ngay lập tức con số to tát này đã tạo ra một làn sóng tranh luận dữ dội, khi nếu nhẩm tính sơ sơ thì nó cao hơn nhiều tổng mức đầu tư của nền kinh tế suốt những 10 năm giai đoạn 2006-2015 (chỉ đạt 404 tỉ USD).
Con số hơn 10 triệu tỉ đồngmà Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng báo cáo trước Quốc hội, có lẽ quả thực là một sự nhầm lẫn, ít nhất là về mặt ngôn từ, nếu như đối chiếu với những phát biểu sau đó của một số chuyên gia kinh tế và quan chức cấp cao của Chính phủ. Theo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ giải thích, thì con số này thực chất là tổng mức đầu tư của nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, vốn là điều luôn diễn ra trong nền kinh tế Việt Nam bất kể có kế hoạch tái cơ cấu hay không, chứ không phải là số vốn huy động riêng để phục vụ tái cơ cấu nền kinh tế như nhiều người vẫn nghĩ. Cụ thể, con số hơn 10 triệu tỉ đồng là kết quả của một phép tính đơn giản: nhân tổng mức huy động toàn xã hội là khoảng 30% GDP ra con số, mỗi năm quy mô GDP khoảng 220 tỉ USD thì 5 năm được bao nhiêu rồi tính 30% của số đó thì sẽ ra con số huy động nguồn lực (theo CafeF).
Cùng quan điểm với cách giải thích của Phó thủ tướng, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung cho biết, trong kế hoạch 2016-2020 dự kiến tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 32-33% GDP, dự kiến tổng GDP vào khoảng 30 triệu tỉ đồng, với tỷ lệ đầu tư/GDP như vậy thì sẽ có khoảng 10 triệu tỉ đồng sẽ đưa vào đầu tư trong nền kinh tế. Nói cách khác, đó là nguồn lực để đầu tư, chứ không phải là nguồn lực để tái cơ cấu nền kinh tế (theo The Saigon Times).
Tuy nhiên, dù đó có lẽ là một sự nhầm lẫn về mặt ngôn từ của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, thì một điều rất đáng chú ý là, nó gây ra sự nhầm lẫn đối với cả một số chuyên gia kinh tế hàng đầu. Có thể kể đến chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan hay Viện trưởng viện kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên, khi các chuyên gia này đều đặt câu hỏi Chính phủ sẽ lấy đâu ra hơn 10 triệu tỉ đồng để tái cơ cấu nền kinh tế.
Vì sao sự nhầm lẫn về mặt ngôn từ này không bị nhận diện ngay lập tức bởi những chuyên gia kinh tế? Câu trả lời có lẽ là vì khả năng “có thể xảy ra” của nó là không hề nhỏ. Nói cách khác, việc Chính phủ có thể sẽ phải huy động thêm một số vốn lớn để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế bên ngoài số vốn tổng mức đầu tư giai đoạn 2016-2020 là một kịch bản hoàn toàn có thể xảy ra. Tái cơ cấu nền kinh tế là một hoạt động có thể gọi là “không nằm trong danh mục các vấn đề thường lệ”, và sẽ phải cần tiền để thực hiện nó. Sẽ khó có khả năng Chính phủ có thể thực hiện đề án tái cơ cấu nền kinh tế mà chỉ dựa vào số vốn tổng mức đầu tư vốn đã được lên kế hoạch phân bổ và sử dụng chi tiết.
Tuy nhiên, với lý giải của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ và của Viện trưởng Nguyễn Đình Cung, thì Chính phủ thực sự sẽ thực hiện và hoàn thành đề án tái cơ cấu nền kinh tế mà không cần huy động thêm nguồn lực tài chính cần thiết. Nói cách khác, chi phí thực hiện đề án tái cơ cấu hoặc sẽ nằm trong tổng mức vốn đầu tư của nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, hoặc sẽ sử dụng một nguồn lực khác, chẳng hạn như số vốn thu được từ việc cổ phần hóa và thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Nếu đúng là kịch bản này, thì đó sẽ là một tin tức rất đáng vui mừng khi Chính phủ cam kết sẽ thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế mà không cần huy động thêm nguồn lực trong bối cảnh nợ công của đất nước sắp kịch trần. Và đó sẽ là một lời cam kết đầy sức nặng về việc sẽ phân bổ lại nguồn vốn hữu hạn trong nền kinh tế một cách hiệu quả hơn – vốn là nút thắt lớn nhất trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay.
Nhưng, những nội dung đề án tái cơ cấu kinh tế mà Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư báo cáo trước Quốc hội lại chưa nêu rõ những giải pháp chính mà Chính phủ dự định sẽ sử dụng để thực hiện mục tiêu táo bạo kể trên. Về lý thuyết, nếu không huy động thêm nguốn vốn cần thiết để làm chi phí cho các hoạt động tái cơ cấu thì Chính phủ sẽ phải tìm kiếm nó từ việc đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN một cách thực chất và ở một quy mô rất lớn. Nhưng nội dung đề án mà Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng báo cáo trước Quốc hội lại không nêu rõ điều đó. Đó chính là lý do vì sao những chuyên gia kinh tế hàng đầu bị nhầm lẫn về số tiền 10 triệu tỉ đồng. Vì nếu không huy động thêm nguồn vốn, cũng không đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN một cách thực chất và ở quy mô lớn, thì Chính phủ lấy đâu ra chi phí để thực hiện đề án tái cơ cấu kinh tế?
Nhàn Đàm