Doanh thu giảm mạnh, TKV dự báo cả năm đạt hơn 100.000 tỉ đồng
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 12:12, 31/10/2016
Báo cáo Bộ Công Thương, Tổng giám đốc TKV Đặng Thanh Hải cho biết, năm 2016 được xem là một năm đặc biệt khó khăn đối với tập đoàn, sản lượng than sản xuất, tiêu thụ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là doanh thu giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2015.
Về kết quả sản xuất – kinh doanh 10 tháng đầu năm 2016, than nguyên khai đạt 29,48 triệu tấn; than tiêu thụ đạt 28,65 triệu tấn, trong đó tiêu thụ trong nước là 28,17 triệu tấn và xuất khẩu 486 ngàn tấn; sản xuất, tiêu thụ điện đạt 7,19 tỉ kWh; sản xuất Alumin quy đổi đạt 493.381 tấn; sản xuất 52.360 tấn và cung ứng 81.768 tấn thuốc nổ; sản xuất 9.920 tấn đồng tấm, 8.691 tấn kẽm thỏi… Từ những số liệu sản xuất kinh doanh trên, TKV ước tính doanh thu của tập đoàn 10 tháng đạt 77.447 tỉ đồng.
Theo đó, dự kiến kết quả sản xuất kinh doanh năm 2016 của TKV là: Than tiêu thụ khoảng 35 triệu tấn (tương đương thực hiện năm 2015), trong đó than xuất khẩu đạt 700 ngàn tấn, than tiêu thụ trong nước đạt 34,3 triệu tấn; than nguyên khai đạt 34,5 triệu tấn. Vì vậy, tập đoàn dự báo tổng doanh thu cả năm đạt 101,5 ngàn tỉ đồng.
Chỉ ra nguyên nhân khiến một số chỉ tiêu của TKV đạt thấp, ông Đặng Thanh Hải cho biết là do tiêu thụ than gặp nhiều khó khăn, than xuất khẩu cũng như tiêu thụ trong nước giảm mạnh; than nhập khẩu tăng nhanh về số lượng do than trong nước phải chịu nhiều loại thuế, phí khiến giá thành cao, gây sức ép lên thị trường tiêu thụ than trong nước, buộc TKV phải giảm sản xuất, điều chỉnh sản lượng để chủ động cân đối than sản xuất, giảm tồn kho và cân đối tài chính ở mức tối thiểu.
Chỉ về một vướng mắc khác, Chủ tịch HĐTV Lê Minh Chuẩn cho rằng có hai nhóm nhà máy nhiệt điện sử dụng than antraxit (loại than của Việt Nam) và than bitum, á-bi tum (than phải nhập khẩu), nhưng nhiều nhà máy lựa chọn sử dụng nguồn than antraxit nhập khẩu để hưởng lợi thế về giá, trong khi than antraxit của TKV đang tồn kho rất lớn. Vì vậy, ông Chuẩn đề xuất các cơ quan quản lý cần có chỉ đạo theo hướng, nếu các nhà máy sử dụng than antraxit thì ưu tiên sử dụng than antraxit trong nước.
Ngoài ra, chế độ, chính sách đối với ngành than nói chung và TKV nói riêng đang thiếu ổn định, nhất là chính sách thuế, phí. Vì trong một năm, chính sách thuế, phí thay đổi đến 3 lần. Với biểu thuế, phí hiện hành, trong cơ cấu giá thành 1 tấn than tiêu thụ nội địa, thuế, phí chiếm đến khoảng 26%, còn với than xuất khẩu là 31%.
"Những khó khăn hiện nay không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư của ngành than, đến TKV mà còn ảnh hưởng rất lớn đến đời sống thợ mỏvà đây là nguyên nhân khiến nhiều công nhân bỏ việc", ông Chuẩn nói
Theo đó, ông Chuẩn đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan xem xét và có những giải pháp để cùng tập đoàn tháo gỡ khó khăn.
Tuyết Nhung