Nhiều nơi tại Hà Tĩnh tiếp tục bị cô lập vì ‘lũ chồng lũ’
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 14:22, 31/10/2016
Do mưa lớn, từ đêm 30.10, trên các sông ở Nghệ An tới Bình Định mực nước dâng lên cao. Tại Hà Tĩnh, ngày 27.10, hồ Kẻ Gỗ đã có thông báo về việc xả tràn. Mực nước đo được sáng cùng ngày ở cao trình 30,80m. Theo đó, thời gian xả là 10h ngày 28.10 với lưu lượng 50 m/3 – 100m/3.
Tối 30.10, nhà máy Thủy điện Hố Hô cũng đã tiến hành xã lũ với mức nước thượng lưu là 64,75m, lưu lượng nước về hồ là 500m3/s, lưu lượng nước qua tổ máy là 34m3/s và lưu lượng nước qua tràn là 387m3/s.
Do đó, một số địa phương của Hà Tĩnh và Quảng Bình lại tiếp tục ngập lụt, nhiều khu vực bị cô lập hoàn toàn, công tác khắc phục hậu quả của cơn lũ trước đó chưa xong thì cơn lũ mới lại ập đến.
Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Phương Điền (Hương Khê, Hà Tĩnh) cho biết hiện nay nước lụt dâng cao, ngập đường. Muốn đi vào một số xã như Phương Mỹ, Phương Điền phải di chuyển bằng thuyền.
Theo ông Minh, cơn lụt trướcqua chưa lâu, người dân đang tập trung dọn dẹp, khắc phục hậu quả thì cơn lũ lụt mới lại tới, khiến mọi việc phải gián đoạn. Hiện nay, người dân đã di chuyển đồ đạc, vật nuôi lên khu vực cao hơn để trú, học sinh được nghỉ học, tạm thời chưa có thiệt hại đáng tiếc nào về người.
Chủ tịch xã Phương Mỹ, ông Hoàng Xuân Tần cho biết do mưa lớn kéo dài, toàn xã bị ngập lụt, cô lập hoàn toàn. Toàn bộ học sịnh trên địa bàn phải nghỉ học. Nhiều con đường nối với các xã khác hiện đã ngập sâu, không thể di chuyển.
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Hà Tĩnh từ đêm 31.10 đếnngày 1.11 mưa lớn tiếp tục sẽ xảy ra trên diện rộng, lũ các sông tiếp tục lên. Đặc biệt, hiện nay các hồ đập trên địa bàn đã tích đầy nước, nếu không có giải pháp điều tiết xả lũ phù hợp thì nguy cơ mất an toàn cho công trình và ảnh hưởng đến dân sinh rất lớn.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh đã yêu cầu giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã, các đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ trên các bản tin, dự báo của Trung ương và của tỉnh, thời gian và lưu lượng xả lũ các hồ chứa, hồ thủy điện, thông báo kịp thời đến các cấp chính quyền địa phương và người dân được biết, nhất là đối với các vùng ven sông, suối, vùng hạ lưu các hồ chứa nước, hồ thủy điện, vùng thấp trũng; kiểm tra và có phương án đảm bảo an toàn các công trình hồ đập, hồ thủy điện; thực hiện tốt công tác tại chỗ, để có phương án chủ động phòng, tránh và ứng phó hiệu quả.
Đồng thời, tổ chức kiểm tra, rà soát những khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, để có kế hoạch triển khai phương án chủ động sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn, đề phòng khi có mưa, lũ lớn xảy ra.
Ban chỉ huyphòng chống thiên taivà tìm kiếm cứu nạncác công trình trọng điểm Kẻ Gỗ - Bộc Nguyên; Sông Rác, Kim Sơn và thượng Sông Trí; các Nhà máy Thủy điện: Hố Hô và Hương Sơn thường xuyên kiểm tra, chỉ huy và điều hành thực hiện phương án đảm bảo an toàn cho công trình và dân cư vùng hạ du hồ chứa, hồ thủy điện; chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ chứa, hồ thủy điện theo dõi sát tình hình diễn biến mưa, lũ và ngập lụt phía hạ du công trình để chủ động điều tiết, hạ thấp mực nước trong hồ vừa đảm bảo an toàn cho các công trình, vừa giảm thiểu thiệt hại cho vùng hạ du, tránh trường hợp lũ chồng lũ do mưa lớn và xả lũ gây ra.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao trưởng các Đoàn kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tại các địa phương, Ban Chỉ huy quân sự… trực tiếp xuống cơ sở để kiểm tra, đôn đốc và chỉ đạo các địa phương, đơn vị chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với diễn biến mưa, lũ, đặc biệt là kiểm tra mức độ an toàn và phương án PCLB của các hồ chứa, vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét.
Trí Lâm