Lực lượng cảnh vệ được trưng dụng tài sản và nổ súng trong trường hợp nào?
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 19:50, 31/10/2016
Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, Luật cảnh vệ quy định đối tượng cảnh vệ là người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của Đảng, Nhà nước và Ủy ban Trung ương Mặt trậnTổ quốcViệt Nam, bao gồm: Tổng Bí thư; Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ; nguyên Tổng Bí thư, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Thủ tướng Chính phủ; Uỷ viên Bộ Chính trị; Bí thư Trung ươngĐảng; Chủ tịch Uỷ ban Trung ươngMTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, dự thảo cũng bổ sung một số quyền hạn mới cho sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ cảnh vệ như: Được sử dụng giấy bảo vệ đặc biệt, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, tín hiệu của xe ưu tiên để thực hiện công tác cảnh vệ; được mang theo vũ khí, công cụ hỗ trợ vào cảng hàng không, lên tàu bay để thực hiện công tác cảnh vệ.
Theo quy định về “Huy động người, thực hiện trưng dụng tài sản, phương tiện để thực hiện công tác cảnh vệ”, dự thảo luật quy định rõ, trong trường hợp cấp bách, để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ cảnh vệ được huy động người, thực hiện trưng dụng tài sản, phương tiện của đơn vị, cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp tài sản, phương tiện thuộc cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế và những người được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Bên cạnh đó, cơ quan, người trưng dụng, huy động tài sản, phương tiện có trách nhiệm hoàn trả ngay sau khi trường hợp cấp bách chấm dứt. Nếu người được huy động làm nhiệm vụ mà bị thương tích thì được giải quyết theo chính sách của Nhà nước; nếu tài sản, phương tiện được trưng dụng bị mất mát, hư hỏng thì cơ quan trưng dụng phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt, theo dự thảo luật này, trong khi thi hành nhiệm vụ, các sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ cảnh vệ chỉ được nổ súng trong các trường hợp: để cảnh báo đối tượng đang đột nhập vào khu vực, mục tiêu cảnh vệ; Để gây thương tích cho đối tượng đang đột nhập vào khu vực, mục tiêu cảnh vệ, sau khi đã ra hiệu lệnh dừng lại và bắn cảnh báo nhưng không hiệu quả; Để tiêu diệt đối tượng đang có hành vi tấn công trực tiếp đối tượng cảnh vệ hoặc sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ cảnh vệ đang thực hiện nhiệm vụ... Các hành vi này phải tuân thủ các nguyên tắc về nổ súng quy định tại Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng - An ninh do Thượng tướng Võ Trọng Việt trình bày nhấn mạnh rằng, việc quy định nổ súng "để tiêu diệt" đối tượng đang có hành vi tấn công trực tiếpcảnh vệ hoặc sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ cảnh vệ cần phải bảo đảm điều kiện về “phòng vệ chính đáng” hoặc “tình thế cấp thiết” theo Bộ Luật hình sự.
Do đó, theo ông Việt, quy định trên chưa phù hợp. Để kịp thời ngăn chặn hành vi này, nhiều khi chỉ cần sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, công cụ hỗ trợ hoặc bắn bị thương, vì nếu đối tượng còn sống sẽ thuận lợi hơn trong công tác xác minh, điều tra, xử lý vụ việc.
Ông Việt cũng cho rằng, dự thảo Luật quy định sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ được "thực hiện trưng dụng tài sản, phương tiện… theo quy định của pháp luật chưa rõ, dễ bị lạm dụng. Do đó, cần sửa lại là: Trong trường hợp cấp bách, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ cảnh vệ được "trưng dụng tài sản, phương tiện… theo Luật trưng mua, trưng dụng tài sản".
Hoàng Long