'Truy tìm' chú khổng tước xuất hiện tại Sài Gòn
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 09:47, 01/11/2016
Trụ trì chùa Sơn An đã liên hệ Ban giám đốc Thảo Cầm Viên, cũng như bổ sung những giấy tờ cần thiết để “bảo lãnh” cho chim của mình về. Tuy nhiên, dấu vết của 2 con công còn lại vẫn bặt vô âm tín.
Trước đó, ngày 25.10, chú khổng tước bất ngờ xuất hiện trên đường Trần Quốc Thảo (Q.3, TP.HCM) khiến nhiều người thích thú quan sát. Một số thanh niên sau đó dùng gậy rượt bắt nhưng bất thành.
1 ngày sau, người của Thảo Cầm Viên phối hợp với chính quyền bắt được con chim mang về nuôi dưỡng. Đây là giống công xanh Việt Nam, phân bố chủ yếu ở Nam Trung Bộ, nằm trong sách đỏ thuộc nhóm 1B, rất quý hiếm…
Trụ trì đi vắng, trộm bắt mất 3 chim công quý
PV tìm đến chùa Sơn An, xã Thanh Đức, H.Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, nơi được cho là “sở hữu” chú chim công bất ngờ xuất hiện trên đường Trần Quốc Thảo, TP.HCM cách đây mấy hôm và hiện đang được nuôi giữ tại Thảo Cầm Viên.
Mấy hôm nay, trụ trì chùa là đại đức Thích Tịnh Hòa vô cùng bận rộn. Bởi, vị sư thầy này vừa phải chạy đôn chạy đáo, ngược xuôi giữa TP.HCM và Vĩnh Long để hoàn tất thủ tục nhận lại chú chim. Tại chùa, cánh thợ xây vẫn đang miệt mài xây dựng thêm một khu vực rất lớn phía trước chánh điện hiện tại.
Theo nhiều người, sư trụ trì là người rất yêu thích thiên nhiên. 2 bên sân chùa được nhà sư bố trí trồng dày đặc những giò lan với nhiều màu sắc vô cùng đẹp mắt. Phía sau của công trình xây dựng là một sân vườn ken kín những loài hoa lan khác. Cạnh đó là khu vực “nuôi - bảo tồn” động vật hoang dã.
Không chỉ nuôi chim công, nơi đây còn nuôi khỉ và nhiều loài chim khác
Tại khu vực này đang có 3 con chim công, trong đó có 1 con chim công loại nhiều màu sắc và 2 con chim công trắng. Ngay trên băng đá, 2 chú khỉ được nuôi, nhưng có dây xích cổ. Ngay trước mặt, nơi bàn tiếp khách nhìn ra là một chuồng chim vẹt đủ loại lớn nhỏ, đủ màu sắc lúc nào cũng tung tăng bay lượn. Cạnh đócòn rất nhiều lồng chim khác nhưchích chòe, sáo...
Đại đức Thích Tịnh Hòa cho biết, vụ mất trộm xảy ra hồi tháng 7 âm lịch (tức khoảng tháng 8.2016). “Khi đó, thầy đi công việc ở nước ngoài, không có mặt ở chùathì xảy ra vụ mất trộm. Trước đó, thầy nuôi tổng cộng 4 con chim công, từ hồi mỗi con chỉ mới nặng chừng 1kg. Tới khi bị mất trộm thì chim công mái đã đẻ được lứa đầu tiên, 2 trứng.
Lúc bị mất thì có báo công an xã, công an huyện tới làm hiện trường đàng hoàng. Mấy tháng nay, công an vẫn âm thầm điều tra, lần theo dấu vết mới phát hiện được 1 trong 3 con chim công bị mất này được đưa tới Sài Gòn tiêu thụ”, thầy Thích Tịnh Hòa nói.
Vừa đưa thêm 2 chim công trắng về nuôi
Cũng theo lời đại đức Thích Tịnh Hòa, con chim công hiện đang nuôi giữ tại Thảo Cầm Viên là chim công trống. Còn theo tiết lộ của nhiều người dân sống gần chùa Sơn An, thì sau khi bắt trộm 3 con chim công tại chùa, bọn trộm đã “mần thịt” 1 con để bán cho các nhà hàng ở TP.HCM.
Lông chim công rụng được chùa giữ lại
1 người am tường sự việc này và có mối quan hệ rất tốt với trụ trì chùa cho biết, hôm xảy ra vụ mất trộm chim công, ông có nghe âm thanh lạ phát ra từ trong sân chùa.
“Hôm đó là khoảng 2 giờ khuya, tôi nghe mấy con chim công la ó quá trời. Tôi tưởng là do nó đẻ trứng nên mới la như vậy, chứ đâu biết là có trộm đột nhập vô chùa bắt chim.
Trong chuồng nuôi lúc đó là 4 con chim công nhiều màu sắc rất đẹp, nhưng có 1 con công trống tháo chạy ra khỏi chuồng nên thoát thân, bọn trộm chỉ bắt được 3 con. Tụi nó trèo cổng rào ra ngoài, sáng ra, lông “khổng tước” còn rớt đầy ngay cửa chùa”, người này nói.
Cũng theo lời của người đàn ông này, 4 con chim công trên được một người ở Tiền Giang “chia” lại cho thầy Hòa đem về nuôi khi còn rất nhỏ. Khị bị trộm bắt mất 3 con, lâu nay chỉ còn 1 con chim công trống trong chuồng nên chú chim rất buồn, hay kêu réo như gọi bạn.
“Cách đây mấy ngày, sư thầy Thích Tịnh Hòa mới đem về chuồng nuôi thêm 2 con chim công màu trắng như tuyết rất đẹp. Từ khi có cặp chim công trắng, con chim công trống kia cũng đỡ buồn hơn”, người đàn ông nói tiếp.
Chùa Sơn An – nơi nuôi bảo tồn chim công quý hiếm, đã có giấy phép của Kiểm lâm?
Khi được hỏi về giấy phép nuôi - bảo tồn động vật hoang dã, đại đức Thích Tịnh Hòa cho rằng đã được cấp phép rồi. “Công là loài thuộc nhóm B1, tuyệt đối không thể nuôi thương mại, nhưng nuôi bảo tồn thì khác. Giấy tờ là xong hết rồi, thầy đã gởi lên Thảo Cầm Viên rồi. Bây giờ thì họ nuôi giữ giúp mình thôi, chứ con chim công này sẽ trở về chùa”, thầy Hòa quả quyết.
Tuy nhiên, 1 vị đại diện Chi cục Kiểm lâm tỉnh Vĩnh Long khẳng định, cơ quan này chưa cấp phép nuôi bảo tồn động vật hoang dã cho bất kỳ chùa nào trên địa bàn tỉnh! Cũng theo lời của cán bộ này, chim công thuộc nhóm 1, về chức năng cấp phép nuôi bảo tồn phải do Cục Kiểm lâm cấp, chứ Chi cục Kiểm lâm tỉnh cũng không đủ thẩm quyền.
Ngôi chùa này có thể nuôi - bảo tồn một loài động vật quý hiếm như chim công? Vấn đề này, rất cần thiết các cơ quan chức năng hữu quan của tỉnh Vĩnh Long làm rõ.
Thanh Long