Phòng trà ca nhạc Sài Gòn xưa: Bà bầu ra tòa vì... nốt ruồi dưới chân?
Văn hóa - Ngày đăng : 06:45, 02/11/2016
>>Phòng trà ca nhạc Sài Gòn xưa: Nhạc trẻ vào phòng trà
Trong giới ca sĩ Sài thành lúc đó có một nàng ca sĩ tên là Bích Liên, không nổi tiếng vì sự nghiệp cầm ca mà là nhờ… bói toán cho các nữ ca sĩ trong lúc chờ đến phiên lên hát. Nàng ca sĩ kiêm thầy bói này đã phán Khánh Ly rằng bàn chân trần hát ở sân Văn khoa của cô có cái mụt ruồi nên chân hay “thiên di” lắm (đúng là số Khánh Ly đi nhiều như bà đã tự nhận trong một hồi ký vừa xuất bản gần đây). Bà thầy còn nói mỗi lần đi sẽ làm cho Khánh Ly vui và hạnh phúc, nhưng nếu năm 1970 đi Mỹ sẽ gặp chuyện không may.
Đúng là Khánh Ly được mời cùng với Ngọc Anh (em ruột) và Ngọc Minh đi Mỹ hát theo lời mời của một nữ Việt kiều vào cuối năm 1970 thật. Khánh Ly hát rất thành công, được bà con kiều bào quý mến. Khánh Ly tận hưởng niềm vui này tận đến khi về nước.
Nhưng “bà bầu” đâu biết rằng trong thời gian đi vắng, vào một buổi tối hơn 50 người từ nhạc công, ca sĩ, bồi bếp của Queen Bee đều không được vào phòng trà để chuẩn bị cho chương trình biểu diễn như mọi khi. Ông Nguyễn Văn Xướng - chủ nhân phòng trà Queen Bee, cho Khánh Ly thuê đã tự tiện đóng cửa với lý do “đã làm bầu một phòng trà thì không có quyền bỏ đi đâu dù chỉ một đêm, dù chỉ một vài giờ”. Và ngày trở về, Khánh Ly ngỡ ngàng nhìn công trình xây dựng phòng trà của mình đi tong trong chốc lát. Thế mà còn phải chờ ngày vác chiếu ra tòa, để giải quyết sự vụ cùng ông chủ Queen Bee.
Đúng là Khánh Ly đã bị ong chích một mũi khá đau. Sẵn lời mời của ông Ngô Văn Cường, Khánh Ly bèn đầu quân cho Tự Do, sẵn sàng hát chung với “mặt trăng” Lệ Thu vì thù lao “cao ngất tầng khí quyển” cho bọn Queen Bee biết tay nhau. Báo chí thời ấy gọi hai nữ ca sĩ nói trên là mặt trời và mặt trăng, vì hai người không cùng đứng chung một nơi chứ chẳng có thù oán gì nhau. Trong ngày Lệ Thu tự phát hành cuốn băng nhạc của mình, khán giả ái mộ thấy Khánh Ly đứng bán giùm cho nữ ca sĩ này. Ông bầu Cường đã có công “nhốt được hai con gà trong một chuồng”, hóa giải sự hiểu lầm từ xưa do dư luận tạo nên (Kịch Ảnh).
Có lẽ năm 1971 là năm xui rủi của Khánh Ly khi phải bỏ sự nghiệp “bầu bì” ở Queen Bee, ra tòa lại còn mất hơn 100 băng nhạc Hát cho quê hương Việt Nam khi bị kẻ trộm đột nhập vào nhà riêng tại đường Trần Hưng Đạo lấy đi. Bù lại, đây chính là năm Khánh Ly tiếp tục phất sự nghiệp tại Tự Do, được bay nhảy thoải mái hơn là làm “bầu”. Ngoài ra, năm 1971 cũng chính là năm Khánh Ly biết thế nào là mùi vị của hạnh phúc gia đình. Nhưng “hồng nhan đa truân”, Khánh Ly vướng vào một ông chồng khiến cho nàng phải mang công mắc nợ và đi tù (?) (Theo bức thư ly dị chồng vào tháng 12.1974 đăng công khai trên báo trước 1975).
Tiếng hát liêu trai trở lại
Sau khi Khánh Ly rời Queen Bee thì người ta tưởng rằng phòng trà này sẽ tiêu điều ủ dột. Nhưng không, sau 10 năm trở thành bà trung tá tàu bay Ôn Văn Tài, lo phục vụ chồng con bỏ nghiệp cầm ca “mang tiếng hát cho người mua vui”, đột ngột nữ hoàng phòng trà Thanh Thúy trở lại hát ở Queen Bee vào sau tết 1971. Khi cô trở lại thì Queen Bee trở nên rực sáng đèn xanh đỏ, tím vàng, hấp dẫn giới mộ điệu Sài Gòn như thuở Khánh Ly và Thái Thanh, Phương Hồng Hạnh còn ngự trị.
Nhắc lại chuyện ngày xưa, khi bỏ hát để lập gia đình, Thanh Thúy đã để lại bao nhiêu sự tiếc nuối cho người ái mộ giọng ca nàng, kể cả những người yêu thầm trộm nhớ và biết nàng từ những ngày chập chững hát ở Anh Vũ và Đức Quỳnh. Một người trong số đó là kịch sĩ Nguyễn Long.
Thời đó ai cũng tưởng Nguyễn Long với Thanh Thúy “tình trong như đã” vì chàng kịch sĩ, kiêm đạo diễn này thường đến nhà thăm mẹ Thanh Thúy và viết kịch bản sân khấu về nàng. Nhưng theo Nguyễn Long đính chính trong hồi ký viết vào năm 1994, thì hai người không có gì với nhau, mặc dù giữa Nguyễn Long và mẹ Thanh Thúy rất thân tình. Tại Bệnh viện Đồn Đất, mẹ Thanh Thúy trút hơi thở cuối cùng khi bàn tay của bà nằm trong bàn tay của Nguyễn Long. Ông cho biết ông sử dụng hình ảnh của Thanh Thúy để làm chất liệu cũng như bóng dáng của Thanh Thúy để làm đối tượng cho 20 vở kịch, một cuốn phim và một số bài thơ. Một bộ phim mà những người vào tuổi như tôi bây giờ vẫn còn nhớ, đó là Thúy đã đi rồi - ca sĩ Minh Hiếu đóng vai Thúy - và những ca từ trong phim do chính Nguyễn Long đặt lời, nhạc Y Vân như sau: “Thúy ơi, Thúy đã đi rồi? Những ngày băng giá không tiếng cười/Thúy ơi, Thúy đã đi rồi? Biết làm sao cho hết thương nguôi/Đành đi tìm quên, trong cõi xa gần?Người yêu còn đâu, trong suốt cuộc đời…”. Bài hát này vô cùng sầu não, lộ đầy vẻ thất tình qua giọng ca tha thiết của Hùng Cường.
Và bây giờ, Thúy đã về đây dưới ánh đèn Queen Bee nhưng đã là một thiếu phụ đang viên mãn với hạnh phúc gia đình và sự nghiệp cầm ca. Tuy vậy, giọng hát nàng vẫn là giọng hát liêu trai “bay lên trời”.Lê Văn Nghĩa / Thanh Niên